(VnMedia) - Đức không tránh khỏi cảm giác tức giận và thất vọng khi có tin đồng minh của họ - Mỹ tiến hành do thám một loạt quan chức trong chính phủ ở Berlin.
Đại sứ Mỹ (ở giữa) bị Đức triệu tập đến để làm rõ về những cáo buộc mới nhất liên quan đến hoạt động do thám của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ đối với hàng loạt quan chức Đức |
Đức đang xem xét một cách nghiêm túc những thông tin mới nhất về việc Mỹ tiến hành do thám một loạt bộ trưởng cấp cao trong chính phủ Đức và thông tin này đang gây áp lực đối với sự hợp tác an ninh then chốt giữa hai nước, phát ngôn viên của Thủ tướng Angela Merkel hôm qua (2/7) cho biết.
Trước đó, báo chí Đức đưa tin, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã tiến hành nghe lén các cuộc điện thoại của một loạt quan chức trong chính phủ Đức, trong đó có Bộ trưởng Kinh tế, Bộ trưởng Tài chính và cả nữ Thủ tướng quyền lực Merkel.
Thông tin trên là cú giáng mới nhất trong vụ scandal kéo dài bao lâu nay trong quan hệ giữa hai đồng minh Mỹ và Đức. Vụ scandal này được châm ngòi bởi những tiết lộ chấn động mà cựu nhân viên của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ Edward Snowden đưa ra hồi năm 2013. Snowden đã phơi bày một chiến dịch do thám trên diện rộng mà Mỹ tiến hành với chính những đồng minh thân thiết nhất của họ.
Tức giận trước thông tin mới vừa được đăng tải trên báo chí, văn phòng của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhanh chóng triệu tập Đại sứ Mỹ tại Đức đến để nói về những cáo buộc mới liên quan đến hoạt động do thám đồng minh của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ.
Dẫn nguồn tin từ chính phủ Đức, tờ nhật báo Frankfurter Allgemeine Zeitung của Đức cho hay, ông Peter Altmaier - Chánh Văn phòng Thủ tướng Đức đã “mời” Đại sứ Mỹ John B. Emerson đến gặp gỡ ở Chancellery.
Theo các nguồn tin, ông Altmaier muốn phía Mỹ phải làm rõ về những cáo buộc mới nhất liên quan đến việc Mỹ tiến hành nghe lén các cuộc điện thoại của một loạt chính khách và quan chức Đức.
Ông Altmaier đã nói với Đại sứ Mỹ rằng, Mỹ cần phải tôn trọng luật pháp của Đức và những hành động vi phạm cần phải bị trừng trị.
Ở thủ đô Washington, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ đã xác nhận có cuộc gặp nói trên nhưng từ chối cung cấp thông tin chi tiết. Ông này cũng phủ nhận việc những thông tin mới nhất có ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ giữa hai nước Mỹ và Đức. "Điều tôi có thể nói với bạn lúc này là chẳng có gì thay đổi trong mối quan hệ mạnh mẽ mà chúng tôi đã và sẽ tiếp tục có với Đức”, phát ngôn viên John Kirby nhấn mạnh.
Những văn bản vừa được WikiLeaks công bố hôm thứ Tư (1/7) cho hay, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ không chỉ nghe lén các cuộc điện thoại của bà Merkel mà còn nghe lén cả các bộ trưởng và các quan chức cấp cao khác trong chính phủ Đức.
Trong chiến dịch có sự hợp tác một phần với các cơ quan mật vụ Anh, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ được cho là đã tiến hành nghe lén nhằm vào 69 số điện thoại của các quan chức trong chính phủ Đức và những hành động do thám này nhằm chủ yếu vào các hoạt động của Bộ Tài chính, Bộ Kinh tế và Bộ Nông nghiệp Đức.
Tiết lộ mới nhất trên đã làm dấy lên sự tức giận và làn sóng chỉ trích dữ dội ở nước Đức. Phát biểu trên tờ Bild của Đức, Bộ trưởng Tài chính Đức – ông Wolfgang Schaeuble đã chỉ trích cách mà các cơ quan tình báo Mỹ hành động và kêu gọi làm rõ vấn đề này.
Ngoài ra, Văn phòng Công tố Đức được cho là đang tiến hành xem xét khả năng điều tra các hoạt động do thám của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ.
Khi được hỏi về thông tin Mỹ tiến hành nghe lén điện thoại của các quan chức chính phủ Đức, Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel cũng là Phó Thủ tướng Đức cho hay, ông lo ngại nhất về nguy cơ xảy ra hoạt động tình báo công nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh bộ của ông có quan hệ chặt chẽ với các công ty.
Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere chịu trách nhiệm về các vấn đề an ninh cho rằng, Đức nên xem xét nghiêm túc những cáo buộc mới nhất.
Dù giới chức Mỹ có cố gắng làm dịu tình hình thì rõ ràng những tiết lộ liên tiếp được đưa ra về việc Mỹ tiến hành do thám đồng minh chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ giữa hai nước Mỹ, Đức.
Quan hệ Mỹ-Đức đã phải hứng một cú giáng mạnh hồi tháng 10 năm 2013 khi thông tin được cựu nhân viên CIA Edward Snowden tiết lộ ra bên ngoài cho thấy, Mỹ đã thực hiện hoạt động do thám trên quy mô lớn với nước Đức.
Nhà Trắng năm 2013 đã phải đối mặt với cơn thịnh nộ của các nhà lãnh đạo Châu Âu khi tờ The Guardian của Anh đưa tin, tờ báo này đã có trong tay một tài liệu mật trong đó tiết lộ Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ có thể đã giám sát, theo dõi các cuộc liên lạc của 35 nhà lãnh đạo trên thế gới năm 2006. Tài liệu trên còn cho biết, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ đã khuyến khích giới chức cấp cao ở Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và các cơ quan khác chia sẻ thông tin liên lạc mà họ có được để cơ quan tình báo có thể thêm số điện thoại di động cá nhân của các nhà lãnh đạo nước ngoài vào hệ thống do thám, giám sát của nước này.
Nữ Thủ tướng Đức Merkel nằm trong số 35 nhà lãnh đạo bị Mỹ nghe lén điện thoại và bà cũng là một trong những người phản ứng mạnh nhất với chương trình do thám đồng minh của Mỹ. Khỏi phải nói, sau khi thông tin trên được phơi bày ra, cảm giác bị phản bội đã lan khắp các thủ đô Châu Âu.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc