Đức nháo nhào vì sợ mất Nga?

10:56, 02/07/2015
|

(VnMedia) - Những biện pháp trừng phạt chống lại Nga có thể bóp nghẹt nền kinh tế Đức bằng những mất mát vô cùng to lớn về doanh thu và công ăn việc làm. Chính sách trừng phát đó thậm chí sẽ còn gây tổn thất nghiêm trọng hơn cho Đức về lâu về dài bởi các công ty của Nga sẽ không thể làm việc, hợp tác với các đối tác Đức khi mà họ ngày càng có xu hướng quay sang bắt tay với các đối tác Trung Quốc.
 

Ảnh minh họa

Nga và Trung Quốc ngày càng thắt chặt quan hệ trong bối cảnh phương Tây quay ra chống lại Nga


Năm 2015, nền kinh tế Đức ước tính sẽ mất tới 290.000 công ăn việc làm và mất một khoản tiền lên tới 10 tỉ USD vì những đòn trừng phạt mà Liên minh Châu Âu (EU) tung ra với Nga, Uỷ ban Quan hệ Kinh tế Đông Âu đã cho tờ tạp chí Contra biết như vậy. Xuất khẩu của Đức sang Nga trong năm ngoái đã giảm 7,2 tỉ USD.
 
"Diễn biến hiện nay đã vượt xa khỏi những nỗi lo ngại lớn nhất của chúng tôi”, Chủ tịch Uỷ ban Quan hệ Kinh tế Đông Âu – ông Eckhard Cordes cho hay.
 
Ảnh hưởng tiêu cực ngắn hạn từ chính sách vô lý của phương Tây nhằm vào Nga đang gây ra ảnh hưởng đối với nhiều quốc gia Châu Âu, không chỉ với nền kinh tế lớn nhất của EU. Tính tổng thể, Liên minh Châu Âu có thể tổn thất đến 110 tỉ USD và 2 triệu việc làm từ những biện pháp trừng phạt mà họ tung ra với Nga. Đây là những con số ước tính của Uỷ ban Quan hệ Kinh tế Đông ÂU.
 
Tuy nhiên, hậu quả lâu dài sẽ lớn hơn rất nhiều, tổn hại hơn rất nhiều và nghiêm trọng hơn rất nhiều. Giới doanh nhân Đức đang thực sự lo sợ những đối tác tin cậy và lâu dài ở Nga của họ sẽ chuyển hướng trọng tâm sang Châu Á, cụ thể là Trung Quốc. Giới doanh nhân Đức cũng lo ngại hơn nữa là sự chuyển hướng trên có thể kéo dài mãi mãi. Đến khi mà các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ thì những mối quan hệ cũ, những đối tác cũ mà họ từng dày công xây dựng, thiết lập có thể đã đều biến mất. Các công ty Đức đang hối thúc chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel sớm dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt gây đau đớn cho Nga để tránh kịch bản ác mộng về việc họ sẽ mãi mãi mất thị trường Nga, đối tác Nga.
 
Trong một động thái thể hiện sự sốt ruột và tức giận với chính phủ Đức, hàng trăm người nông dân Đức hồi tuần trước đã đổ ra các đường phố ở Erfurt để biểu tình, cáo buộc chính phủ không nỗ lực đủ mức để bù đắp cho những mất mát mà họ phải gánh chịu từ việc mất thị trường nông sản, thực phẩm ở Nga.
 
Chỉ riêng các nông dân ở Đức đã phải chịu tổn thất gần 600 triệu euro năm 2014 sau khi Nga tung đòn trả đũa, áp đặt lệnh cấm các mặt hàng thực phẩm, nông sản từ Liên minh Châu Âu (EU).
 
Lệnh cấm của Nga đã giáng một đòn nghiêm trọng vào nền nông nghiệp của Đức, khiến giá cả một số mặt hàng nông sản sụt giảm rất mạnh. Người đứng đầu Hiệp hội Nông dân Đức – ông Joachim Rukwied cho hay, những người nông dân Đức đang phải gánh chịu tổn thất lớn từ các biện pháp trừng phạt chống lại Nga.
 
Nga chuyển hướng sang Trung Quốc là chiến lược có thật
 
Một chuyên gia người Đức khẳng định, sẽ là sai lầm nếu nghĩ rằng chiến lược chuyển hướng trọng tâm sang phía đông của Nga chỉ là một chiến dịch PR nhằm chứng minh với người Nga rằng nước họ có thể tồn tại mà không cần có phương Tây. Theo vị chuyên gia có tên là Leonid Bershidsky, việc điện Kremlin chuyển hướng sang Trung Quốc là có thật.
 
Trong khi phương Tây đang mở rộng chính sách trừng phạt nhằm vào Nga thì chiến lược chuyển hướng trọng tâm sang Trung Quốc của điện Kremlin là ngày càng trở nên thực tế hơn. Ông Bershidsky nói thêm rằng, các biện pháp trừng phạt cuối cùng lại làm lợi cho Moscow, thúc đẩy nước này đa dạng hoá thị trường và phát triển các khu vực ở phía đông của Nga.
 
"Sẽ hoàn toàn sai lầm nếu coi việc Nga chuyển hướng về phía Trung Quốc chỉ là một chiến dịch PR đơn thuần nhằm thuyết phục người Nga tin rằng nước họ có thể tồn tại mà không cần đến phương Tây. Nga là một con thuyền lớn và việc muốn nó quay đầu lại không phải là điều dễ dàng nhưng xu hướng Nga thắt chặt quan hệ kinh tế hơn với Trung Quốc là hoàn toàn có thật”, ông Bershidsky nhấn mạnh.
 
Mặc dù hầu hết những dự án khổng lồ mà Moscow ký với Bắc Kinh vẫn chưa đem lại kết quả nhưng Trung Quốc đã trở thành “một trong những nguồn đầu tư và cung cấp vốn lớn nhất cho nền kinh tế Nga”, vị chuyên gia trên khẳng định. Hơn nữa, thị phần trong thương mại với Nga của Trung Quốc đang gia tăng.
 
Theo con số được ông Bershidsky cung cấp, đầu tư trực tiếp của Bắc Kinh vào nền kinh tế Nga đã tăng lên 1,3 tỉ USD từ con số khiêm tốn 450 triệu USD. 1,3 tỉ USD vẫn là con số nhỏ nhưng nó thể hiện rõ nét về dấu hiệu thay đổi trong quan hệ Nga-Trung.
 
Hơn nữa, "các khoản vay từ Trung Quốc cho đến thời điểm này đã trở thành nguồn tài chính nước ngoài lớn nhất cho nền kinh tế Nga.
 
Châu Âu nhận thức rất rõ về xu hướng Nga đang hướng mạnh mẽ sang Trung Quốc và điều này khiến EU không tránh khỏi có những quan ngại sâu sắc. Trước đây, Nga vốn là đối tác thương mại, năng lượng hàng đầu của EU.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc