(VnMedia) - Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko rõ ràng là đang rơi vào tình thế tuyệt vọng đến mức ông này đang phải ra sức khẩn cầu, nài nỉ Mỹ cấp tên lửa cho quân đội của Kiev. Nhà lãnh đạo Ukraine đã cố tìm cách bảo vệ cho quan điểm về việc Kiev cần được cấp vũ khí sát thương, nói rằng đây là điều “tuyệt đối công bằng” bởi đất nước Ukraine đang chiến đấu để cứu cái mà ông Poroshenko gọi là thế giới tự do trước một mối đe dọa đang bị thổi phòng lên và không tồn tại – đó là Nga.
Ảnh minh họa |
Những lời phát biểu như trên là quá quen thuộc trong giới lãnh đạo ở Kiev kể từ sau khi nổ ra cuộc nội chiến đẫm máu ở miền đông Ukraine – một cuộc chiến được châm ngòi từ sự kiện cuộc đảo chính hồi tháng 2 năm ngoái khiến Tổng thống Yanukovych bị lật đổ.
Thay vì tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng, giới chức Ukraine đang kêu gọi phương Tây cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev để giúp lực lượng vũ trang của nước này đàn áp những người biểu tình ủng hộ độc lập ở miền đông đất nước.
Lần này, Tổng thống Poroshenko đang cố tìm cách đưa ra những lý lẽ để thuyết phục Mỹ cấp cho Kiev các hệ thống tên lửa chống tăng FGM-148 Javelin do Mỹ sản xuất. "Chúng tôi chỉ đang muốn có được 1.240 tên lửa Javelin và đây là điều tuyệt đối công bằng”, ông Poroshenko đã nói như vậy với tờ Thời báo Phố Wall.
Javelin là một đơn vị tên lửa chống tăng vác vai có khả năng tự điều khiển. Mỗi hệ thống này có giá gần 250.000 USD và thường được sử dụng bởi một nhóm gồm 2 người. Tên lửa Javelin được đưa vào biên chế trong quân đội Mỹ từ năm 1996.
Theo Tổng thống Poroshenko, Ukraine đã từ bỏ chính xác là 1.240 đầu đạn hạt nhân sau Chiến tranh Lạnh. Đổi lại, Mỹ và Anh nên bảo đảm chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine.
Tuy nhiên, việc Mỹ, Anh thực hiện lời cam kết trên thực ra đồng nghĩa với việc cứu Ukraine khỏi chính nước này chứ không phải là khỏi tay Nga. Bất chấp những cáo buộc được lan truyền khắp thế giới về cái gọi là sự “hung hăng, xâm lược” của Nga, Moscow không phải là một bên tham gia cuộc chiến. Hơn nữa, Nga đã nỗ lực tìm cách giúp Kiev khôi phục hòa bình lâu dài thông qua việc thực thi thỏa thuận Minsk. Kiev vẫn chưa thực hiện các nghĩa vụ theo thỏa thuận này, tờ Sputnik của Nga đã viết như vậy.
Mỹ chưa đưa ra bất kỳ phản ứng gì trước lời khẩn cầu nói trên của ông Poroshenko. Chính quyền của Tổng thống Barack Obama cùng với đa số các đồng minh Châu Âu, đặc biệt là Đức, lâu nay luôn phản đối việc cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev, nói rằng điều đó chỉ khiến tình hình thêm bất ổn và bạo lực.
Tuy nhiên, nhiều quan chức Mỹ liên tục thúc giục, gây sức ép với Tổng thống Obama để đòi ông này cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev.
Mỹ cho đến thời điểm này đã cung cấp cho đồng minh Kiev những chiếc xe Humvees, các đơn vị radar chống súng cối hạng nhẹ cũng như kính đi đêm, bộ dụng cụ y tế, áo chống đạn Kevlar... Ngoài ra, Washington còn giúp chính quyền của Tổng thống Poroshenko đào tạo, huấn luyện binh lính.
Mới đây nhất, trong một cuộc điều trần về việc bổ nhiệm Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, một ứng cử viên của chiếc ghế này – Tướng Mark Milley đã lên tiếng kêu gọi Mỹ nhanh chóng cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev.
"Vũ khí sát thương, tôi cho rằng đây là điều chúng ta nên xem xét. Tôi ủng hộ việc cung cấp các vũ khí phòng vệ gây sát thương cho Kiev”, Tướng Milley cho biết trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ khi trả lời câu hỏi của Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain về việc liệu ông có nghĩ là Washington nên cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine hay không.
Tướng Milley thậm chí còn nói rằng, Mỹ nên xem xét việc tạm thời tăng cường sự hiện diện của lính bộ binh ở Châu Âu để “răn đe Nga” và trấn an các đồng minh của Washington.
“Có rất nhiều công cụ mà chúng ta có thể sử dụng nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta cần tăng số lượng lính bộ binh đến triển khai tạm thời ở Châu Âu không chỉ để răn đe Nga mà còn để trấn an các đồng minh”, Tướng Milley nhấn mạnh.
Cái gọi là phe chiến tranh ở Mỹ có thể sắp “ghi điểm” khi có tin Lầu Năm Góc đã sẵn sàng cung cấp cho Kiev những hệ thống radar tầm xa hơn và mạnh hơn. Thứ vũ khí này được cho là nhằm để củng cố, tăng cường sự phòng thủ cho Ukraine trước lực lượng ly khai miền đông.
Lầu Năm Góc muốn gửi đến cho Kiev những hệ thống radar AN/TPQ-36 và AN/TPQ-36 Firefinder. Đây là hai hệ thống mà quân đội Mỹ đang dần loại bỏ.
Việc tăng cường viện trợ quân sự cho Kiev sẽ đi ngược lại hoàn toàn so với tinh thần được đưa ra trong thỏa thuận Minsk – một thỏa thuận mà Nga, Pháp, Đức và nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Mỹ Obama tin là cách duy nhất để tiến tới con đường hòa bình lâu dài cho Ukraine.
Giới chức Ukraine liên tục khẩn cầu phương Tây cung cấp vũ khí sát thương cho quân đội của họ. Tuy nhiên, Washington đáp lại bằng việc cung cấp sự trợ giúp về quân sự không gây sát thương cho Kiev. Mỹ sợ rằng, việc cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev sẽ kích động sự nổi giận của Nga, khiến tình hình thêm leo thang trầm trọng.
Hồi tháng 4 mới đây, Đại sứ Mỹ tại Nga John Tefft cho biết, Washington sẽ không cung cấp cho Kiev thứ vũ khí mà nước này rất thèm muốn – tên lửa Javelin.
Ý kiến bạn đọc