(VnMedia) - Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko có lẽ không bao giờ có thể ngờ tới viễn cảnh một ngày nào đó ông này phải đối mặt với sự nguy hiểm đến từ chính những đồng minh từng sát cánh bên ông trong cuộc đảo chính lật đổ cựu Tổng thống Yanukovych và cuộc chiến ở miền đông.
Ảnh minh hoạ |
Nhà lãnh đạo Poroshenko đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng mới nghiêm trọng khi nhóm Cánh Hữu cực đoan có cuộc đụng độ, giao tranh với các đơn vị thuộc Bộ Nội vụ nước này ở khu vực phía tây gần Hungary.
Tổng thống được phương Tây hậu thuẫn của Kiev hôm qua (13/7) đã phải khẩn cấp triệu tập cuộc họp của “nội các chiến tranh” giữa các tướng lĩnh hàng đầu để tìm cách tháo gỡ tình hình căng thẳng trong cuộc đối đầu giữa hai lực lượng vốn từng đóng vai trò thiết yếu trong cuộc chiến nhằm đàn áp cuộc nổi dậy của quân ly khai ở khu vực miền đông.
Lực lượng theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan thuộc nhóm Cánh Hữu tuy nhỏ nhưng đóng vai trò hữu ích trong làn sóng biểu tình kéo dài 3 tháng nhằm ủng hộ Châu Âu. Chiến dịch biểu tình này cuối cùng đã giúp ông Poroshenko giành được chính quyền sau khi lật đổ được cựu Tổng thống Yanukovych trong cuộc đảo chính hồi tháng 2 năm ngoái.
Sau đó, cũng chính các chiến binh của nhóm Cánh Hữu đã trở thành lực lượng trung tâm trong đội quân được trang bị vũ khí tốt nhất, chiến đấu ác liệt nhất và bị cáo buộc tàn bạo nhất trong chiến dịch quân sự mà Kiev phát động nhằm chống lại lực lượng ly khai miền đông Ukraine.
Các tiểu đoàn của Bộ Nội vụ cũng đóng vai trò quan trọng trên mặt trận chống lực lượng ly khai trong cuộc nội chiến kéo dài hơn 15 tháng qua ở miền đông Ukraine.
Tuy nhiên, sự chia rẽ sâu sắc giữa các đội quân tình nguyện và lực lượng vũ trang Ukraine đã gia tăng nhanh chóng sau khi Tổng thống Poroshenko tìm cách thúc đẩy thực hiện thoả thuận Minsk được ký kết hồi tháng 2. Trong thoả thuận này có điều khoản cho phép cấp chế độ tự trị một phần cho lực lượng ly khai và đây là điều mà lực lượng theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan như nhóm Cánh Hữu cực lực phản đối.
Nhóm Cánh Hữu cũng tự coi mình là những Robin Hood thời hiện đại với nhiệm vụ bảo vệ người dân Ukraine trước nạn tham nhũng đang hoành hành trong giới chức lãnh đạo chính trị và cảnh sát ở quốc gia Đông Âu.
Các cuộc đụng độ hồi cuối tuần vừa rồi được châm ngòi bởi việc nhóm Cánh Hữu được cho là đã tìm cách ngăn chặn không cho nguồn hàng thuốc lá lậu từ Hungary và Slovakia tuồn vào nước này. Hoạt động buôn lậu thuốc lá được cho là đã làm giàu cho các chính khách và lực lượng an ninh địa phương ở Ukraine.
Nhóm Cánh Hữu cho biết, hai người của họ đã thiệt mạng trong cuộc đọ súng với một lực lượng được cho là có sự trà trộn giữa các nhân viên an ninh địa phương với những tên tội phạm có vũ trang. Binh lính Bộ Nội vụ được hậu thuẫn bởi xe bọc thép và xe quân sự trong cuộc đối đầu với nhóm Cánh Hữu.
Cuộc chiến giữa quân của Bộ Nội vụ với nhóm Cánh Hữu nổ ra sau khi hàng chục thành viên của nhóm cực đoan mang theo máy phóng lựu đạn và súng máy đến cuộc đàm phán giữa hai bên. Cả hai đều cáo buộc nhau nổ súng trước.
Chính phủ Ukraine gần như im lặng trước cuộc khủng hoảng trên trong khi Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk dường như đứng về phía nhóm Cánh Hữu.
Tuy nhiên, một nguồn tin cấp cao từ cơ quan an ninh Ukraine cho rằng, nhóm Cánh Hữu cũng không hề vô tội bởi bản thân Nhóm Cánh Hữu cũng đang tìm cách giành lấy một phần trong hoạt động buôn bán thuốc lá lậu béo bở ở khu vực. Theo nguồn tin trên, vấn đề ở Ukraine là có rất nhiều người được vũ trang tự coi mình là những anh hùng và tìm cách áp đặt mệnh lệnh của họ thông qua vũ lực.
Tổng thống Ukraine thẳng tay với nhóm Cánh Hữu
Sau sự im lặng, Tổng thống Poroshenko ngày hôm qua bắt đầu lên tiếng. Ông đã nhanh chóng ra lệnh cho các cơ quan an ninh và cảnh sát Ukraine sớm giải giáp vũ khí của những “nhóm bất hợp pháp với lý do những nhóm này đang đe doạ gây bất ổn cho đất nước vốn đã đang rối loạn.
Ông Poroshenko tin rằng, các cuộc đụng độ giữa nhóm Cánh Hữu và lực lượng cảnh sát ở thành phố phía tây Mukacheve, gần biên giới với Hungary, Slovakia và Romania đơn giản chỉ là một cuộc chiến tranh giành lợi ích.
Tuy nhiên, Nhà lãnh đạo Ukraine dường như nhằm thẳng mục tiêu vào nhóm Cánh Hữu khi đưa ra tuyên bố không có lực lượng chính trị nào được phép có các nhóm vũ trang ở Ukraine và được phép điều hành “các nhóm tội phạm”. Vì thế, ông Poroshenko ra lệnh cho Bộ Nội vụ Ukraine, các cơ quan an ninh và giới chức thi hành luật ở nước này phải nhanh chóng tiến hành giải giáp vũ khí những nhóm như nói ở trên, trong đó ám chỉ đến nhóm Cánh Hữu.
Nhóm Cánh Hữu nổi lên là một liên minh của những thành phần chủ nghĩa dân tộc quá khích, cực đoan được thành lập năm 2013. Nhóm Cánh Hữu đóng vai trò chủ chốt trong lực lượng thực hiện cuộc nổi dậy Maidan hồi đầu năm ngoái. Nhóm Cánh Hữu nổi danh là một trong những thành phần hung hăng nhất trong các cuộc giao tranh đường phố dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Yanukovych. Sau đó, nhóm Cánh Hữu cũng là thành phần chiến đấu ác liệt nhất ở miền đông Ukraine . Người ta tin rằng nhóm Cánh Hữu là thủ phạm đứng đằng sau vụ thảm sát ở Odessa hồi tháng 5 năm ngoái. Đây là vụ thảm sát khiến hàng chục dân thường ở miền đông Ukraine thiệt mạng trong cuộc biểu tình chống lại chính sách của chính quyền Kiev mới. Tuy nhiên, nhóm này lại đang phải vật lộn để tìm chỗ đứng chính trị ở Ukraine sau sự kiện Maidan.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc