(VnMedia) - Một nhóm nghị sĩ Italia vừa thông báo kế hoạch đến thăm bán đảo Crimea xinh đẹp ở Biển Đen – nơi mới được sáp nhập vào Nga cách đây hơn một năm. Thông báo này được đưa ra chỉ chưa đầy một tuần sau khi một phái đoàn nghị sĩ Pháp đến Crimea. Diễn biến này khiến giới chức phương Tây và cả Kiev không khỏi tức giận bởi nó đã phơi bày rõ thực trạng nội bộ mâu thuẫn sâu sắc trong chính sách với Nga.
Ảnh minh hoạ |
Phái đoàn Italia đến thăm Crimea sẽ gồm từ 8 đến 10 nghị sĩ và do một thành viên của Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội Italia – ông Alessandro di Battista dẫn đầu, tờ nhật báo Kommersant dẫn nguồn tin từ một trong những nhà tổ chức chuyến đi – ông Manlio Di Stefano, cho biết. Ông Stefano là đại diện của phong trào Năm Sao trong Quốc hội Italia.
Theo lời ông Stefano, các nghị sĩ Italia đã quyết định theo sau phái đoàn của Pháp đến thăm Crimea vào đầu tháng 10 tới. “Chúng tôi sẽ đến thăm Crimea và Moscow theo phái đoàn của Phong trào Năm Sao. Tôi sẽ liên hệ với Đại sứ quán Nga tại Rome để bắt đầu công tác tổ chức cho chuyến đi này”.
Cũng như phái đoàn nghị sĩ Pháp, phái đoàn của Italia sẽ thực hiện chuyến công du đến Crimea thông qua Nga. Ông Di Stefano cho hay, các nghị sĩ Italia muốn trực tiếp tận mắt xem xem “cuộc sống của người dân ở bán đảo Crimea như thế nào sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2014".
Thượng nghị sĩ Italia Sergio Divina đến từ Đảng Liên đoàn Phía Bắc cho hay, ông sẽ tham gia vào phái đoàn nghị sĩ nước này đến bán đảo Crimea.
Trước đó, một nguồn tin trong Hạ viện Nga cũng tiết lộ với tờ Kommersant rằng, phái đoàn nghị sĩ Italia đang có ý định đến thăm bán đảo Crimea như “một phần của những cuộc tiếp xúc nghị viện song phương".
Ông Márton Gyöngyösi – Phó Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội Hungary mới đây cũng bày tỏ ý định muốn đến thăm bán đảo Crimea. Ông này cho biết ngày giờ chính xác diễn ra chuyến thăm có thể sẽ được xác định “trong vài tuần tới”.
Việc các nghị sĩ Italia và Hungary bày tỏ mong muốn đến thăm Crimea diễn ra sau khi một phái đoàn nghị sĩ Pháp “bắn phát súng đầu tiên” vào mặt trận chống Nga của phương Tây bằng việc tiến hành một chuyến công du đến bán đảo trên Biển Đen vừa được sáp nhập vào Nga hồi tháng 3 năm ngoái. Trong chuyến thăm diễn ra hồi cuối tuần trước, các nghị sĩ Pháp đã có một loạt cuộc gặp với không chỉ giới chức mà cả người dân địa phương ở Simferopol, Sevastopol và Yalta.
Điều đáng chú ý là ngay trong và sau chuyến công du đến bán đảo Crimea, phái đoàn nghị sĩ đã đưa ra rất nhiều những tuyên bố, phát biểu thể hiện lập trường chống lại chính sách trừng phạt, đối đầu Nga cũng như bảo vệ cho quyết định sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga của chính quyền Tổng thống Vladimir Putin.
Phái đoàn nghị sĩ Pháp thẳng thắn cho biết, họ đã chứng kiến một bán đảo Crimea thanh bình, yên ổn với phần lớn người dân tỏ ra hài lòng khi được trở lại với Nga. Phái đoàn này tin rằng, việc Nga sáp nhập Crimea đã cứu bán đảo này khỏi một cuộc xung đột đẫm máu.
Những phát biểu trên của phái đoàn nghị sĩ Pháp khiến giới chức phương Tây không khỏi sục sôi tức giận bởi lâu nay họ phản đối quyết liệt vụ sáp nhập bán đảo Crimea. Chính vụ việc này là nguyên nhân khiến họ tung ra đòn trừng phạt ác liệt nhất nhằm vào Nga, khiến nền kinh tế Nga lao đao, chật vật suốt trong thời gian qua. Đây cũng chính là những đòn trừng phạt đang gây hậu quả ngược lại cho chính Liên minh Châu Âu (EU) và là nơi khởi nguồn cho sự mâu thuẫn, chia rẽ trong nội bộ EU hiện nay.
Giới chức chính quyền ở Paris đã phản ứng gay gắt với chuyến thăm của các nghị sĩ nước này, miêu tả đó là một hành động vi phạm luật quốc tế. Tuy nhiên, các nghị sĩ Pháp có quyền hoạt động độc lập nên chính quyền của Tổng thống Hollande không thể can thiệp vào chuyến thăm Crimea của họ.
Càng ngấm đòn đau từ các biện pháp trừng phạt mà EU đang áp đặt với Nga và từ cả đòn đáp trả của Moscow, càng có nhiều nước thành viên EU lên tiếng phản đối chính sách trừng phạt Nga. Người ta có thể thấy, gần đây, số lượng giới quan chức, giới chuyên gia của Pháp, Italia... lên tiếng về việc phản đối các biện pháp trừng phạt Nga ngày càng tăng lên.
Phản ứng của Kiev về các chuyến thăm Crimea
Chính phủ Kiev chắc chắn sẽ có phản ứng nếu các nghị sĩ Italia và Hungary đến thăm Crimea, thư ký báo chí của Bộ Ngoại giao Italia Maryana Betsa hôm qua (29/7) đã cho biết như vậy tại một cuộc họp báo.
Nếu những chuyến thăm như vậy thực sự diễn ra, “chắc chắn chúng tôi sẽ có phản ứng và họ sẽ phải chịu hậu quả”, Betsa nhấn mạnh.
Bán đảo Crimea đã chính thức trở thành một phần của nước Nga sau khi Tổng thống Putin ký sắc lệnh hoàn tất tiến trình sáp nhập hồi tháng 3 năm ngoái. Việc Crimea sáp nhập vào Nga xuất phát từ nguyên nhân là một cuộc đảo chính vũ trang ở Kiev , trong đó Tổng thống Viktor Yanukovich bị lật đổ. Crimea – một bán đảo tự trị thuộc Ukraine , đã từ chối không thừa nhận tính hợp pháp của chính phủ lâm thời mới ở Kiev . Chính vì thế, Crimea đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để quyết định tương lai của họ với Ukraine và Nga. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý cho thấy, hơn 96% người dân trên bán đảo Crimea lựa chọn ly khai khỏi Ukraine và sáp nhập trở lại Nga – nơi họ vẫn luôn coi là “mái nhà” của mình.
Sự kiện Nga sáp nhập bán đảo nhận được sự ủng hộ rộng khắp của người dân xứ sở Bạch Dương nhưng lại bị Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) ra sức phản đối. Mỹ và EU đã tung ra một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga vì vụ sáp nhập nói trên.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc