(VnMedia) - Một phiên bản nâng cấp của máy bay ném bom chiến lược Tu-160 sẽ được trang bị một số loại tên lửa mới. Đó là thông tin vừa được Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga- Yuri Borisov đưa ra hôm qua (18/7).
Theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga - ông Yuri Borisov, một số loại tên lửa mới hiện đang được phát triển cho một phiên bản hiện đại hóa của máy bay ném bom chiến lược Tu-160 của Nga, có tên Tu-160M2. Ngoài ra, máy bay ném bom này còn được trang bị một động cơ tối tân mới.
“Với động cơ và tên lửa mới được trang bị, phiên bản này sẽ được nâng cấp cả về tầm bay lẫn các tính năng hoạt động”, ông Borisov cho hay.
Máy bay ném bom Tu-160
Theo đó, máy bay ném bom Tu-160M2 sẽ có tầm bay xa hơn phiên bản cũ ít nhất là 1000 km, nhờ phiên bản động cơ nâng cấp NK-32. Ông cũng thêm rằng, việc sản xuất hàng loạt máy bay ném bom Tu-160M2 sẽ được bắt đầu từ năm 2023.
Máy bay Tu-160 Blackjack (Tupolev Tu-160) là một trong những phi cơ ném bom lớn nhất, nặng nhất thế giới từng được nghiên cứu và chế tạo. Tupolev Tu-160 là loại chiến đấu cơ tầm xa có khả năng mang theo vũ khí hạt nhân chiến lược. Nó cũng là một trong những loại máy bay ném bom mạnh nhất thế giới.
Máy bay Tu-160 được giới quân sự phương Tây mệnh danh là "chiếc dùi cui". Đây là mẫu chiến đấu cơ siêu âm đa năng, được thiết kế để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau. Tu-160 Blackjack là loại oanh tạc cơ chiến lược được chế tạo và sử dụng để tiến hành oanh kích các mục tiêu chiến lược bằng vũ khí thông thường và hạt nhân.
Bề ngoài, máy bay ném bom chiến lược Tu-160 Blackjack có dáng gần giống với máy bay ném bom B-1B Lancer của Không quân Mỹ. Tuy nhiên, khả năng bay của Tu-160 Blackjack khác với B-1B Lancer. Tu-160 có thể bay tác chiến, thâm nhập ở tầm thấp và tầm cao với tốc độ 1,9 Mach (tương đương 2018 km/giờ).
Sức mạnh của TU-160 được thể hiện trong 2 khoang chứa vũ khí khổng lồ có thể mang các loại tên lửa hành trình chiến lược, tên lửa có hướng dẫn tầm ngắn, bom hạt nhân, bom thông thường, địa lôi và thuỷ lôi, với tổng trọng lượng tối đa 40 tấn. Máy bay ném bom hạng nặng này có khả năng thực hiện các chiến dịch tầm xa vì nó có thể tiếp nhận dầu trên không bằng loại máy bay chuyên dụng do Nga chế tạo IL-78 hay ZMS-2.
Được đưa vào biên chế năm 1987, Tu-160 là máy bay ném bom chiến lược cuối cùng do Liên Xô cũ thiết kế và chế tạo. Máy bay ném bom này sau đó tiếp tục được Nga chế tạo và hiện còn ít nhất 16 chiếc đang phục vụ trong biên chế của Không lực Nga.
Nga đưa 6 chiến đấu cơ Tu-22M3 vào biên chế
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Quốc phòng Yuri Borisov còn tiết lộ, Bộ Quốc phòng Nga cũng sẽ tiếp nhận 6 chiến đấu cơ Tu-22M3 trước cuối năm 2015 này.
“6 chiến đấu cơ Tu-22M3 dự kiến sẽ được đưa vào biên chế trước cuối năm nay”, ông tiết lộ.
Chiến đấu cơ Tu-22
Chiến đấu cơ Tu-22M3 có nhiệm vụ loại bỏ các mục tiêu trên biển như tàu sân bay, tàu hộ tống, đội tàu chiến. Phi đội gồm 22 chiếc máy bay ném bom siêu thanh Tu-22M3 từng hoạt động tại trường bay Veseloe ở Crimea từ năm 1985 nhưng sau khi Liên Xô sụp đổ, khu vực này đã ngừng hoạt động.
Chiếc Tu-22M3 là một biến thể được nâng cấp từ Tu-22M. Nó có tên hiệu NATO là Backfire C. Đây là một loại máy bay ném bom tấn công trên biển, siêu thanh, cánh cụp cánh xoè tầm xa được phát triển tại Liên bang Xô viết.
Tu-22M3 cất cánh lần đầu năm 1976 và đi vào hoạt động năm 1983. Tu-22M3 được trang bị động cơ NK-25 mới với công suất lớn hơn, cửa hút gió hình nêm giống của MiG-25, cánh với góc chéo tối đa lớn hơn, và một mũi hếch đặt radar Leninets PN-AD.
Có thiết kế hệ thống hoa tiêu/tấn công NK-45, cải thiện khả năng bay tầm thấp (dù không thực sự là kiểu bay nap-of-the-earth).
Súng đuôi của Tu-22M3 được sửa chỉ còn một khẩu, và có chỗ sẵn cho việc lắp đặt bệ phóng quay cho loại tên lửa AS-16 'Kickback', tương tự loại AGM-69 SRAM của Mỹ.
Máy bay này được chế tạo theo nguyên lý máy bay đa chế độ. Đặc biệt, Tu-22M3 được thiết kế với 2 cánh thay đổi được hình dáng giúp máy bay thuận lợi hơn khi đạt tốc độ cao.
2 động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy Kuznetsov NK-25 cho tốc độ bay vượt âm Mach 1,88 (tức 2.000km/h), bán kính chiến đấu 2.410km, trần bay 13.300m được lắp đặt trong máy bay Tu-22M3 này.
Máy bay cũng được trang bị hệ thống vô tuyến điện tử và dẫn đường rất mạnh. Việc có hệ thống tự động được trang bị trên máy bay giúp cho công việc của phi công được nhàn hơn trong việc điều khiển.Được thiết kế với tên lửa hành trình có cánh Kh-22 có tầm bắn đến 500km và tốc độ đến 4.000km/h và tên lửa Kh-15 có tầm bắn đến 250 Km và tốc độ đến 5.000 Km/h. Hai loại tên lửa này đều có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Tu-22M3 có thể bay chặng dài với tốc độ vượt âm liên tục.
Ý kiến bạn đọc