(VnMedia) - Mỹ mới đây có hành động được xem là “sự tuyên chiến” với với Nga. Bước đi này của siêu cường số 1 thế giới đã đẩy mối quan hệ Nga-Mỹ vốn đã căng thẳng lại càng thêm căng thẳng. Moscow tin rằng, Washington đang quyết đối đầu với họ và vì thế mối quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới sẽ phải đối mặt với một viễn cảnh thực sự đáng lo ngại. Phải chăng Nga và Mỹ đã “ghét” nhau đến mức “không thể đội trời chung”?
Nga không ngại đối đầu với Mỹ |
Hôm 1/7, Mỹ đã công bố một bản chiến lược quân sự mới, trong đó công khai miêu tả Nga và Trung Quốc là các lực lượng hiếu chiến có khả năng đe dọa đến những lợi ích an ninh của Mỹ. Tướng Martin Dempsey – Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Liên quân Mỹ còn tin rằng, có khả năng Mỹ sẽ rơi vào chiến tranh với một cường quốc lớn, ám chỉ đến Nga hoặc Trung Quốc.
Bản chiến lược của Mỹ đã nhanh chóng vấp phải phản ứng của Nga. Moscow lên án chiến lược quân sự mới của Mỹ là “mang tính đối đầu”, nói rằng điều đó sẽ chỉ đẩy lùi mọi nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ song phương giữa Nga và Mỹ.
Khi được đề nghị bình luận về chiến lược quân sự mới của Mỹ, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov đã bày tỏ sự lấy làm tiếc. "Việc sử dụng những lời lẽ, ngôn ngữ như vậy trong bản chiến lược đó theo chúng tôi là sự thể hiện của một thái độ đối đầu rõ ràng và hoàn toàn không có bất kỳ sự khách quan nào đối với đất nước chúng tôi”.
"Tất nhiên, điều này sẽ chẳng đóng góp gì được cho các nỗ lực nhằm lái mối quan hệ song phương giữa hai nước đi theo hướng bình thường hóa", ông Peskov nói thêm đồng thời kêu gọi mối quan hệ hợp tác hơn nữa giữa Nga và Mỹ trong các vấn đề toàn cầu.
Mối quan hệ giữa Moscow với phương Tây đang rơi xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, chủ yếu là bởi vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Khi được hỏi về việc sẽ nói gì về Mỹ khi Nga đưa ra một bản chiến lược an ninh mới của riêng mình, ông Peskov thẳng thắn cho biết: "Tất nhiên, tất cả các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Nga sẽ được liệt kê ra đồng thời chúng tôi cũng sẽ vạch ra và phê chuẩn những biện pháp đáp trả”.
Thư ký của Tổng thống Putin – ông Peskov tin rằng, những cách thức được sử dụng trong học thuyết quân sự mới của Mỹ là bằng chứng cho thấy ý định duy trì sự đối đầu lâu dài của nước này với Nga và vì thế Moscow sẽ đưa ra những biện pháp đối phó, đáp trả trong bản chiến lược của riêng mình.
Phát ngôn viên Peskov từ chối không cho biết cụ thể những biện pháp đáp trả mà Nga sẽ đưa ra trong học thuyết quốc phòng mới là gì. Tuy nhiên, theo lời ông Peskov, tất cả mọi mối đe dọa có thể đối với nước Nga đều được đưa ra xem xét và những biện pháp đối phó, đáp trả đối với mỗi mối đe dọa đó đều được vạch ra cụ thể trong bản tài liệu mà giới chức Nga đang tích cực xây dựng này.
Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận ở Nga được tiến hành hồi giữa tháng 5, có đến 59% người dân Nga tin rằng, Mỹ là mối đe dọa lớn đối với nước họ. Con số này tăng từ mức 47% của năm 2007. Số người Nga không xem mối đe dọa đối với nước họ đến từ Mỹ là ở mức khoảng 32%, thấp hơn nhiều so với con số 42% của năm 2007. Có 31% người Nga cho biết, họ lo ngại viễn cảnh về một cuộc xâm lược của Mỹ vào lãnh thổ Nga nhưng chỉ có 5% nghĩ Mỹ có thể đánh bại được Nga trong một cuộc chiến tranh toàn diện.
Hồi tháng 9 năm 2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh cho giới chức quân sự và nhà nước cấp cao của mình phát triển một học thuyết quân sự sửa đổi theo hướng thích ứng với nền chính trị toàn cầu đang thay đổi cũng như những thách thức quân sự hiện đại mới như cái gọi là cuộc Cách mạng Mùa Xuân Ả-rập, cuộc nội chiến ở Syria và cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Ukraine.
Tiếp đó, vào cuối năm ngoái, các nguồn tin gần gũi với những cơ quan tham gia vào học thuyết quân sự mới của Nga đã tiết lộ với cánh phóng viên rằng, học thuyết mới sẽ không đề cập đến khả năng tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu nhưng một cuộc tấn công như vậy có thể xảy ra nếu chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Liên bang Nga bị đe dọa.
Mối quan hệ giữa Nga với Mỹ đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất từ trước đến nay kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát. Mỹ cùng với các đồng minh của mình ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine, gây ra cuộc nội chiến đẫm máu ở miền đông nước này. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, Mỹ vẫn dẫn dắt các đồng minh tham gia vào một chiến dịch chống Nga mạnh mẽ trên mọi “mặt trận”, từ chính trị, ngoại giao, kinh tế đến quân sự.
Mặc dù đối đầu quyết liệt và không nhượng bộ trong vấn đề Ukraine nhưng điều đó không có nghĩa là Nga và Mỹ không muốn “đội trời chung” với nhau bởi trên thực tế hai nước này vẫn cần nhau. Hai cường quốc hàng đầu thế giới hiện đang có sự hợp tác tốt đẹp trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran. Đây là điều được chính giới chức Mỹ thừa nhận. Giới phân tích tin rằng, dù còn quá nhiều bất đồng sâu sắc, Mỹ vẫn rất cần Nga trong việc xử lý một loạt cuộc khủng hoảng cũng như thách thức toàn cầu.
Ý kiến bạn đọc