(VnMedia) - Mỹ được cho là đang chuẩn bị sẵn sàng để mở rộng các đòn trừng phạt nhằm vào Nga. Một nhà phân tích chính trị người Pháp tin rằng, Mỹ đang tìm cách “đá” Nga ra khỏi Châu Âu.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên phải) và Tổng thống Mỹ Barack Obama (bên trái). |
Mỹ nhăm nhe tung thêm đòn trừng phạt Nga
Một quan chức cấp cao của Mỹ hôm qua (21/7) cho biết, nước này đã chuẩn bị sẵn sàng để mở rộng thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga nếu Moscow không tuân theo các thoả thuận Minsk. Tuy nhiên, Washington hiện tại chưa cho biết họ sẽ tung ra những biện pháp mới nào.
Các cường quốc phương Tây đã quyết định kéo dài thời gian áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Nga thêm 6 tháng.
“Chúng tôi chưa có thêm hành động mới vào thời điểm này nhưng chúng tôi cùng các đối tác quốc tế của mình đã chuẩn bị sẵn sàng để bắt Nga phải trả thêm giá nếu Nga không hành động theo yêu cầu”, vị quan chức cấp cao của Mỹ đã cho biết như vậy khi được đề nghị bình luận về thông tin Washington đang chuẩn bị cắt đứt khả năng tiếp cận của Nga đối với tín dụng phương Tây.
Trước đó, hồi cuối tuần vừa rồi, tờ The Times of London đưa tin, giới chức cấp cao Mỹ đã phác thảo những đề xuất nhằm bóp nghẹt hơn nữa khả năng tiếp cận tín dụng của Nga nếu Moscow không tuân theo các nghĩa vụ và cam kết được đưa ra trong thoả thuận Minsk.
“Như giới lãnh đạo nhóm nước G-7 đã nói rõ tại Hội nghị thượng đỉnh ở Schloss Elmau hồi tháng 6, chúng tôi và các đồng minh G-7 của mình vẫn cam kết duy trì áp lực để buộc Nga phải thực hiện các nghĩa vụ được quy định trong thoả thuận Minsk.”
Trong một bài báo gần đây được đăng tải trên tờ nhật báo Japan Business Press, phóng viên Nhật đồng thời là chuyên gia về thương mại hàng hoá, công nghiệp của Nga, ông Sugahara Nobuo đã nói rằng Nga hiện đang trên con đường hồi phục về công nghiệp. Ông này nói thêm rằng, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã giúp “thổi một luồng sinh khí mới” vào khu vực chế tạo máy móc của Nga.
Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) cáo buộc Moscow gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, hậu thuẫn cho lực lượng ly khai trong cuộc chiến chống lại Kiev ở miền đông nước này. Moscow kiên quyết bác bỏ mọi cáo buộc như trên nhưng phương Tây vẫn tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, trong đó có những đòn trừng phạt gây hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế Nga. Moscow cũng tung đòn trả đũa. Kết quả là một “cuộc chiến trừng phạt” được châm ngòi và kéo dài suốt nhiều tháng qua, gây tổn thương cho cả hai bên.
Mỹ muốn ép Nga ra khỏi Châu Âu
Một nhà phân tích chính trị nổi tiếng của Pháp mới đây đã đưa ra nhận định, phương Tây đang bị chia rẽ làm hai với một bên ủng hộ Nga và một bên chống lại Nga. Trong bối cảnh này, Mỹ được cho là đang tìm cách ép Nga ra khỏi Châu ÂU.
Liệu Nga là một phần hay không không phải là một phần của Châu Âu? Đây là câu hỏi đang gây chia rẽ ở phương Tây và đang nằm trên chương trình nghị sự địa chính trị hiện nay của khu vực, ông Arnaud Dubien – Giám đốc Trung tâm Phân tích Nga-Pháp Observo cho biết trong phần mở đầu của bản báo cáo hàng năm của trung tâm.
"Sự chia rẽ lớn này đang diễn ra giữa một bên là những người tin rằng Châu Âu kết thúc ở Đôgn Âu và bên kia là những người lập luận rằng bất chấp tất cả những cuộc khủng hoảng và dịch chuyển, Nga vẫn là một phần của cộng đồng các quốc gia Châu Âu”, ông Dubien cho hay.
Phe thứ nhất thực sự theo đuổi việc đẩy Nga ra xa và giữ nước này ở rìa xa nhất có thể của khu vực Âu-Á. Đây là điều mà Mỹ tán thánh và sẵn sàng thực hiện từ giữa những năm 1990. Mục tiêu của Mỹ cũng được chia sẻ bởi NATO, Uỷ ban Châu Âu, đa số nghị sĩ và cả Anh, Thuỵ Điển, các nước Baltic và Ba Lan, ông Dubien nói thêm.
"Về phía Pháp và các nước thành viên sáng lập khác của EU, nhóm này đang theo đuổi bằng được mục tiêu xây dựng đồng tiền chung Châu Âu trên lục địa", vị chuyên gia người Pháp nhấn mạnh.
Quan điểm của ông Dubien đã nhận được sự hưởng ứng của ông Konstantin Kosachev – người đứng đầu Uỷ ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang Nga – Thượng viện Nga.
"Tất cả những gì chúng ta cần bây giờ là thuyết phục các nước sáng lập ra EU hay chấm dứt việc quỵ luỵ trước Washington và theo đuổi một dự án địa chính trị độc lập cùng với Nga … Ai biết được điều gì sẽ xảy ra, có thể người Mỹ khi đó sẽ lại cũng thay đổi quan điểm và cùng tham gia với chúng ta”, ông Kosachev đã viết như vậy trên trang Facebook cá nhân.
Cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở Ukraine chứng kiến một cuộc đối đầu Đông -Tây căng thẳng và quyết liệt chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Mặc dù tình hình Ukraine đang có dấu hiệu dịu đi nhưng cuộc đối đầu giữa Nga với phương Tây không vì thế mà hạ nhiệt.
Phương Tây càng tìm cách dồn ép, gây áp lực với Nga thì Moscow càng tỏ ra cứng rắn và thách thức hơn. Sự không khoan nhượng giữa hai bên khiến cuộc đối đầu Đông-Tây thêm nóng bỏng.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc