(VnMedia) - Không lực Ấn Độ vừa đề xuất mua 48 chiếc trực thăng Mi-17 trị giá 1,1 tỉ USD của Nga. Thông tin trên vừa được tờ The Economic Times trích dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng nước này đưa ra hôm nay (20/7).
Theo đó, Không lực Ấn Độ đang lên kế hoạch mua 48 chiếc Mi-17V-5 của Nga để thay thế cho phi đội trực thăng Mi-8 đã lỗi thời của nước này.
Theo nhận định của Không lực Ấn Độ, những chiếc trực thăng mới này đã được chứng minh hoạt động hiệu quả trong các chuyến bay ở điều kiện khí hậu khắc nghiệt và ở những khu vực địa hình hiểm trở như đồi núi, sa mạc dọc biên giới giáp Trung Quốc và Pakistan của Ấn Độ.
Một số nguồn tin cho biết, 48 máy bay Mi-17 V5 có thể sẽ được mua theo một hợp đồng từng được ký kết trước đó để bổ sung vào phi đội 139 máy bay Mi-17 V5 hiện có của Không lực Ấn Độ, giúp hình thành nên “xương sống” trong hoạt động vận tải của lực lượng này.
Tuy nhiên, việc Ấn Độ mua thêm 48 chiếc Mi-17 sẽ vi phạm sáng kiến “Made in India” (sản xuất tại Ấn Độ) của nước này.
Ấn Độ là một trong những quốc gia nhập khẩu vũ khí quân sự lớn nhất của Nga,đặc biệt là các loại trực thăng quân sự. Trong 5 năm qua, Nga đã cung cấp cho Ấn Độ 121 chiếc Mi-17V-5. Hiện quân đội Ấn Độ đang sử dụng tổng cộng hơn 300 chiếc Mi-8 và Mi-17.
Được biết, Mi-17V5 là phiên bản dành cho xuất khẩu của loại trực thăng Mi-17 do Nga sản xuất. Ngoài ra loại trực thăng này có thể được cải biến thành rất nhiều loại vì các mục đích khác nhau như trực thăng Mi-17V5 chiến đấu, trực thăng tìm kiếm cứu hộ và trực thăng cứu thương.
Mi-17 là trực thăng quân sự của Nga có vị trí cao nhất và đứng ở vị trí thứ 3 trong bảng Top 10 chiến đấu cơ phổ biến nhất thế giới năm 2015 theo bình chọn của trang Flightglobal uy tín của Anh hồi đầu năm nay.
Loại trực thăng này được NATO gọi với tên hiệu là Hip, ra đời từ những năm 1960, và đã trải qua nhiều lần nâng cấp và đến nay đã sản xuất được 17.000 chiếc. Theo Flightglobal, hiện nay có 78 quốc gia trên thế giới sử dụng loại trực thăng này với 2.469 chiếc đang phục vụ trong biên chế quân đội của các nước này. Trong số đó, Nga chỉ vận hành 518 chiếc, hơn 20% so với toàn thế giới.
Độ tin cậy của trực thăng Mi-8/17 tiếp tục là loại trực thăng phổ biến trên thế giới mặc dù nó đã được sản xuất từ lâu. Điều đó chứng minh rằng các ý tưởng mới nhất không nhất thiết là phổ biến nhất. Trực thăng Mi-8/17 được bàn giao cho lực lượng quân đội Mỹ tại Afghanistan. Đây cũng là loại trực thăng được lực lượng vũ trang Trung Quốc ưa chuộng.
Mi-17 là biến thể nâng cấp của trực thăng vận tải đa năng Mil Mi-8. Trực thăng được phát triển bởi công ty Mil Moscow nay là một phần của tập đoàn hàng không vũ trụ OPK Oboronprom. Mi-17 là loại máy bay trực thăng vận tải hai động cơ cỡ trung bình và cũng có thể lắp thêm vũ khí vào để thành trực thăng vũ trang hạng nặng.
Mi-17 được sản xuất tại nhà máy chế tạo máy bay trực thăng Kazant vào năm 1975. Công tác sản xuất bắt đầu được thực hiện vào năm 1981. Mi-17 được phát triển trên cơ sở bộ khung của Mi-8, trực thăng được trang bị động cơ mới có công suất lớn hơn, khung máy bay được thiết kế cứng hơn để đáp ứng yêu cầu tăng tải trọng hàng hóa.
Mi-17 có thể thực hiện một loạt các nhiệm vụ khác nhau, chở quân, vận chuyển hàng hóa, tìm kiếm cứu nạn, trinh sát và tấn công. Trực thăng Mi-17 cũng được đánh giá là có khả năng hoạt động tốt ở địa hình đối núi của Afhganistan vì có độ bay vượt quá 15.000 feet.
Mi-17 được trang bị 2 động cơ turboshaft TV3-117MT có khả năng chịu được điều kiện nhiệt độ nóng và độ cao lớn, động cơ mới có công suất 2.190 mã lực/chiếc. Cánh quạt của rotor chính được kéo dài hơn 21,5 mét so với 21,29 mét của Mi-8. Mi-17 được bổ sung thêm 2 lưới lọc không khí trước cửa hút không khí của động cơ.
Mi-17 có tốc độ lên cao rất ấn tượng 8 m/s, tốc độ tối đa của trực thăng 250 km/h, tốc độ hành trình 225 km/h. Phạm vi hoạt động của trực thăng với nhiên liệu trong thân là 465 km, trần bay cao tới 6.000 mét.
Mi-17 còn được mệnh danh là “ngựa thồ siêu hạng” vì trực thăng này có khả năng chở theo 30 binh lính, 4.000 kg hàng hóa bên trong khoang, lên tới 5.000 kg hàng hóa cả trong thân và các giá treo bên ngoài.
Ngoài khả năng chở khối lượng hàng hóa “khủng”, Mi-17 còn được trang bị số lượng vũ khí không thua kém một trực thăng tấn công hạng nặng. 6 giá treo hai bên hông có thể mang theo tới 1.500 kg rocket, tên lửa chống tăng và bom các loại.
Điểm mạnh của Mi-17 là độ tin cậy trong hoạt động rất cao. Đặc biệt, trực thăng này hoạt động rất tốt trong điều kiện khí hậu nhiệt độ nóng ẩm và độ cao lớn.
Ý kiến bạn đọc