Đức ra tay ác liệt với đồng minh, EU rối loạn

10:21, 13/07/2015
|

(VnMedia) - Giới lãnh đạo khu vực đồng euro đã đưa ra một tối hậu thư khắc nghiệt cho Hy Lạp để nước này có thể đạt được thoả thuận về gói cứu trợ tài chính mà họ đang vô cùng cần.

Thoả thuận này có thể được ký kết tại hội nghị thượng đỉnh được coi là cơ hội cuối cùng cho Hy Lạp diễn ra vào ngày Chủ nhật (12/7) theo giờ địa phương (tức ngày hôm nay theo giờ Hà Nội). Diễn biến căng thẳng trên diễn ra trong thời điểm khi mà khả năng Hy Lạp rút khỏi khu vực đồng euro đang lớn hơn bao giờ hết.
 

Ảnh minh họa

Thủ tướng Đức (bên trái) đang đối thoại với Thủ tướng Hy Lạp


Đức là nước đang duy trì một lập trường mang tính diều hâu, cứng rắn đối với Hy Lạp. Đức đang thúc đẩy một đề xuất do nước này đưa ra, theo đó để Hy Lạp tạm rút ra khỏi khu vực đồng tiền chung euro trong thời hạn 5 năm, nếu Thủ tướng theo đường lối cánh tả của Hy Lạp - ông Alexis Tsipras không chịu đồng ý với những điều kiện hà khắc hơn, khắc nghiệt hơn, để đổi lấy một kế hoạch cứu trợ tài chính kéo dài 3 năm có trị giá lên tới 86 tỉ euro (96 tỉ USD).
 
Hàng loạt các cuộc đàm phán sau hậu trường ở Brussels trong những ngày cuối tuần đã đe doạ sẽ đẩy Liên minh Châu Âu (EU) vào tình trạng chia rẽ, mâu thuẫn lớn hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử 50 năm tồn tại của liên minh này và mâu thuẫn đó xuất phát từ đồng tiền chung – một thứ được đưa ra nhằm mục đích kết nối, thặt chặt quan hệ giữa các nước thành viên EU.
 
"Sẽ không có chuyện phải tìm được một thoả thuận bằng bất kỳ giá nào”, Thủ tướng Đức Angela Merkel cứng rắn cho biết trước khi lên đường đến tham dự hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo của 19 nước thành viên trong khu vực đồng euro. Bà Merkel không ngại ngần phàn nàn về việc thiếu lòng tin với Athens và cảnh báo về “những cuộc đàm phán khó khăn” trước mắt.
 
Lãnh đạo của Hy Lạp - Thủ tướng Tsipras nhấn mạnh, một thoả thuận có thể đạt được “nếu tất cả các bên đều muốn có nó”, nói thêm rằng ông này sẵn sàng “thực hiện một thoả hiệp chân thành” trong các kế hoạch của Hy Lạp về việc cắt giảm thuế và cải cách lương hưu.
 
Đức hạ nhục Hy Lạp?
 
Mặc dù bày tỏ sự sẵn sàng thoả hiệp trong hội nghị thượng định sắp tới nhưng Hy Lạp đã thể hiện sự tức giận trước lập trường của Đức.
 
Hy Lạp cáo buộc Đức cố tìm cách hạ nhục, xúc phạm họ bằng cách đưa ra những yêu cầu khó khăn hơn, hà khắc hơn để đổi lấy kế hoạch viện trợ tài chính mới. Những yêu cầu đó được đưa ra trong bối cảnh số phận của Hy Lạp trong khu vực đồng tiền chung euro đang rất mong manh.
 
Được bầu lên với cam kết sẽ giúp Hy Lạp thoát khỏi tình trạng thắt lưng buộc bụng đầy hà khắc, Thủ tướng Alexis Tsipras tuần này buộc phải đưa ra những nhượng bộ vào phút cuối trước các chủ nợ quốc tế về các biện pháp thắt lưng buộc bụng đầy đau đớn với hy vọng có thể đạt được một thoả thuận “đổi cải cách lấy tiền”.
 
Tuy nhiên, tình hình đang trở nên hết sức khó khăn sau nhiều tháng diễn ra các cuộc đàm phán đầy chia rẽ và do quyết định của Thủ tướng Tsipras trong việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về những điều kiện mà EU đặt ra để đổi lấy gói cựu trợ.
 
Các nghị sĩ trong đó có những nghị sĩ ở Đức - chủ nợ lớn nhất của Hy Lap đang tỏ ra  hoài nghi về việc liệu Athens có tiến hành các cuộc cải cách mà đa số người dân Hy Lạp đã bỏ phiếu phản đối trong cuộc trưng cầu dân ý mới đây.
 
Trong một động thái thể hiện rõ sự miễn cưỡng, do dự trong việc tiếp tục cấp cho Hy Lạp một gói cứu trợ mới, Bộ Tài chính Đức đã đưa ra những đề xuất đòi Hy Lạp phải tiến hành nhiều biện pháp mạnh hơn, trong đó có việc tạm thời rút ra khỏi khu vực đồng euro trong thời hạn 5 năm. Đây là khoảng thời gian được đặt ra để Hy Lạp thực hiện theo các yêu cầu mà EU đặt ra cho Hy Lạp và nếu không làm được Hy Lạp sẽ phải rút ra khỏi khu vực đồng tiền chung euro.
 
"Những gì đang diễn ra rõ ràng là một nỗ lực nhằm hạ nhục Hy Lạp và người dân Hy Lạp hoặc là để lật đổ chính phủ của ông Tsipras", ông Dimitrios Papadimoulis – Phó Chủ tịch Quốc hội Châu Âu và là thành viên của Đảng Syriza cầm quyền ở Hy Lạp, đã cho Mega TV biết như vậy.
 
Nền kinh tế của Hy Lạp đã sụt giảm thê thảm trong nhiều năm suy thoái. Ngân hàng của họ đã bị đóng cửa và hàng chục doanh nghiệp phải đóng cửa mỗi ngày. Một số người dân Hy Lạp đang trút giận vào những nhân vật như Thủ tướng Đức Angela Merkel và Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble.
 
"Điều duy nhất tôi quan tâm là không để mình bị xúc phạm bởi Schaeuble và phần còn lại của họ", ông Panagiotis Trikokglou – một nhân viên 44 tuổi làm trong khu vực tư nhân ở thủ đô Athens, cho hay.
 
"Tôi không quan tâm nếu chúng tôi quay trở lại dùng đồng tiền drachma của Hy Lạp hoặc là bất kỳ điều gì, chúng tôi ủng hộ Thủ tướng dù ông ấy quyết định như thế nào. Nhưng hiện tại, tôi cảm thấy hơi tồi tệ, không phải với Thủ tướng của chúng tôi mà với lập trường của Đức. Với kẻ đáng ghét Schaeuble, tôi không biết ông ta đang cố gắng đạt được điều gì".
 
Hiện chưa có phản ứng chính thức từ Athens về những yêu cầu của phía Đức mặc dù giới chức Hy Lạp ở Brussels cho rằng, những yêu cầu, đòi hỏi của Đức chứng tỏ Berlin không hề muốn có một thoả thuận.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc