(VnMedia) - Người ta không khỏi choáng váng khi biết số lượng sinh viên Trung Quốc bị đuổi khỏi các trường đại học Mỹ lên tới hàng nghìn.
Ảnh minh họa |
Theo sách trắng được công bố bởi WholeRen – tập đoàn tư vấn đóng tại Pittsburgh, ước tính 8.000 sinh viên đến từ Trung Quốc đã bị đuổi khỏi các trường đại học, cao đẳng trên khắp nước Mỹ trong giai đoạn từ năm 2013 đến 2014. Phần đông trong số những sinh viên này – khoảng 80%, bị đuổi vì lý do gian lận hoặc thi trượt trong các kỳ thi.
Chừng nào các trường đại học còn tồn tại thì việc đuổi học sinh là chuyện bình thường. Tuy nhiên, tình trạng sinh viên Trung Quốc bị đuổi phổ biến đến mức như vậy nên được coi là một điều đáng lo ngại cho những nhà quản lý ở các trường đại học Mỹ. Theo Viện Giáo dục Quốc tế, có đến 274.439 sinh viên từ Trung Quốc đến Mỹ du học trong giai đoạn từ năm 2013 đến 2014, tăng 16% so với năm trước đó. Sinh viên Trung Quốc chiếm đến 31% trong tổng số sinh viên nước ngoài đang theo học ở Mỹ và đóng tới 22 tỉ USD cho nền kinh tế Mỹ năm 2014.
Trong quá khứ, các sinh viên Trung Quốc ở Mỹ thường là những sinh viên đã tốt nghiệp và sống nhờ vào những nguồn ngân sách nhà nước eo hẹp. Tuy nhiên, hiện tại, một số lượng lớn sinh viên Trung Quốc đến từ những gia đình quyền lực nhất, giàu có nhất như con gái của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang theo học dưới một cái tên giả tại trường Harvard. Sự hiện diện của những sinh viên Trung Quốc giàu có ở các trường đại học Mỹ thậm chí đã thu hút sự quan tâm của các nhãn hiệu danh tiếng. Những nhãn hiệu này đang háo hức muốn kiếm tiền từ các thành phần sinh viên vương giả. Bergdorf Goodman – cửa hàng tổng hợp đóng tại New York, đã tài trợ cho lễ mừng năm mới của người Trung Quốc ở trường đại học New York và Columbia trong khi nhãn hàng Bloomingdales tổ chức một buổi biểu diễn thời trang cho sinh viên Trung Quốc tại trung tâm mua sắm của họ ở Chicago.
Sinh viên Trung Quốc đang trở thành một thị trường lớn ở Mỹ và không ai hiểu điều này hơn chính các trường đại học Mỹ. Hơn 60% sinh viên Trung Quốc tự chi trả toàn bộ tiền học và ăn ở ở Mỹ. Điều này giúp trợ cấp cho việc học của những sinh viên Mỹ có thu nhập thấp hơn. Một số trường học như trường Đại học Purdue ở Indiana còn kiếm lợi nhuận thông qua việc thu thêm phí đối với các sinh viên quốc tế.
Tuy nhiên, mối quan hệ cộng sinh giữa những trường học thiếu tiền của Mỹ với những sinh viên Trung Quốc không phải là không có vấn đề. Nhu cầu đi du học ở nước ngoài đã khiến ngành dịch vụ trợ giúp cho hoạt động du học ở Trung Quốc nở rộ. Ngành dịch vụ này không được quản lý tốt và nạn gian lận lan tràn. Theo công ty tư vấn giáo dục Zinch China, 90% sinh viên Trung Quốc nộp giấy giới thiệu giả khi xin đi du học. 70% sinh viên khác nhờ người viết luận hộ, 50% tạo học bạ giả và 10% liệt kê những giải thưởng và thành tích mà thực chất họ không đạt được. Kết quả là nhiều sinh viên đến Mỹ và nhận thấy rằng tiếng Anh của họ không đủ tốt để có thể theo được các bài giảng cũng như làm bài, dự thi.
Cho đến gần đây, các trường học của Mỹ đã rất vui mừng khi nhìn sang một khía cạnh khác. “Các trường học Mỹ nghiện sinh viên Trung Quốc. Họ là những người làm bài thi tốt. Họ không gây ra quá nhiều vấn đề. Họ không phải là những kẻ say sưa tiệc tùng. Các trường họ đang kiếm được bộn tiền và nói thẳng ra là họ quan tâm nhiều đến vấn đề định hướng”, ông Parke Muth – một nhà tư vấn giáo dục ở bang Virginia có nhiều kinh nghiệm về Trung Quốc, đã nói như vậy.
Liệu mối quan hệ giữa sinh viên Trung Quốc và các trường đại học Mỹ có bền vững? Chính phủ Trung Quốc đã đầu tư nhiều tỉ USD vào việc cải thiện hệ thống giáo dục của riêng mình trong một nỗ lực nhằm thuyết phục các sinh viên của họ ở lại trong nước theo đuổi con đường học tập.
“Trung Quốc đang tăng cường xây dựng các khu thí nghiệm, nghiên cứu trong khi Mỹ đang cắt giảm ngân sách cho việc này. Sau cấp độ đại học, các sinh viên Trung Quốc đang có xu hướng ở nhà bởi giờ đây học bắt đầu có thể cạnh tranh”.
Đối với các trường đại học Mỹ, việc đuổi sinh viên Trung Quốc một ngày nào đó có thể là bước mở đầu cho một vấn đề lớn hơn – đó là các sinh viên Trung Quốc sẽ không tới Mỹ nữa.
Vân Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc