(VnMedia) - Phát ngôn viên điện Kremlin – ông Dmitry Peskov cho biết, Tổng thống Vladimir Putin sẽ không bao giờ đưa vấn đề trừng phạt Nga ra các cuộc hội đàm với những người đồng nghiệp nước ngoài. Ông chủ điện Kremlin tin rằng, các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga là hành động “ngu xuẩn” và rằng Moscow không phải là nước khởi xướng ra “cuộc chiến trừng phạt”.
Tổng thống Putin |
Theo phát ngôn viên Peskov, Tổng thống Putin tin rằng, những biện pháp trừng phạt mà phương Tây đang áp đặt lên Nga là “ngu ngốc”, vô ích và gây hại cho cả hai bên.
Ông Putin sẽ chẳng bao giờ đưa vấn đề trừng phạt Nga ra các cuộc hội đàm với những người đồng nghiệp nước ngoài bởi Moscow coi việc sử dụng các biện pháp trừng phạt là ngớ ngẩn và Nga không phải là nước khởi xướng ra “cuộc chiến trừng phạt đó”, phát ngôn viên điện Kremlin hôm qua (1/6) cho biết.
"Tổng thống không hề đả động đến vấn đề liên quan đến các biện pháp trừng phạt của Châu Âu nhằm vào Nga trong rất nhiều các cuộc tiếp xúc nước ngoài. Tôi nhắc lại, đó không phải là một vấn đề thuộc chương trình nghị sự của chúng tôi", ông Peskov cho các phóng viên ở thủ đô Moscow biết. Vì thế, ông Putin sẽ không nói đến vấn đề trừng phạt Nga trong cuộc gặp với Thủ tướng Slovakia Robert Fico trong ngày hôm nay (2/6).
Nga không bao giờ ủng hộ chính sách trừng phạt. “Moscow tin rằng đó là hành động ngu xuẩn, không hiệu quả và là một con dao hai lưỡi. Nga không bao giờ khởi xướng việc áp đặt các biện pháp trừng phạt và cũng sẽ không phải là nước khởi xướng việc huỷ bỏ chúng”, phát ngôn viện điện Kremlin nhấn mạnh.
Trong khi ở thủ đô Moscow, ông Fico sẽ có các cuộc hội đàm với người đồng cấp Nga Dmitry Medvedev và sẽ được Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp đón. Ngoài ra, ông Fico sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Hạ viện Nga Sergey Naryshkin và Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Nga Denis Manturov.
Thủ tướng Slovakia đang lên tiếng kêu gọi Liên minh Châu Âu (EU) từ bỏ chính sách trừng phạt chống lại Nga.
"Các biện pháp trừng phạt Nga chẳng đem lại kết quả như mong muốn. Chúng lại đang gây hại cho cả Châu Âu và Nga. Tôi không biết có ai cảm thấy hạnh phúc vì tổn thất mà cả hai bên đều phải hứng chịu hay không", Thủ tướng Fico đã phát biểu như vậy ngay trước thềm chuyến thăm chính thức đến Nga khi ông này có cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền với hãng tin Itar-Tass.
Theo ông Fico, những biện pháp trừng phạt không thể là nội dung của chính trị. “Chúng chỉ có thể là công cụ hay là một trong những công cụ để giải quyết những tình huống phức tạp nổi lên”, Thủ tướng Slovakia nhấn mạnh.
Hơn nữa, ông Fico cho rằng, kinh nghiệm lịch sử đã cho thấy tính thiếu hiệu quả của cơ chế gây áp lực và trừng phạt.
Nhà lãnh đạo Slovakia cho biết, ông coi chuyến thăm chính thức lần này đến Nga là cơ hội để tạo ra một xung lực mới, một cú huých mới cho sự phát triển của mối quan hệ Nga-Slovakia.
"Mối quan hệ giữa hai nước chúng ta đang phát triển tích cực. Tuy nhiên, giao dịch thương mại song phương đã giảm 20%. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng sụt giảm đó và chúng ta có thể giải quyết tình trạng này. Tôi tự tin rằng, chuyến thăm đến Moscow sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển của mối quan hệ Slovakia-Nga, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế”, ông Fico cho hay.
Theo Thủ tướng Slovakia, lĩnh vực hợp tác hứa hẹn nhất giữa nước này với Nga là lĩnh vực năng lượng. "Hiện tại, Slovakia đang hoàn tất việc xây dựng cơ sở thứ ba và thứ tư của Nhà máy Điện Hạt nhân Mochovce. Tiến trình xây dựng này được thực hiện trong khuôn khổ sự hợp tác chặt chẽ với công ty Nga Rosatom".
Một lĩnh vực hợp tác quan trọng khác, theo ông Fico, là cung cấp nhiên liệu. "Chúng tôi hoan nghênh việc ký kết thoả thuận cung cấp dầu mỏ cho Slovakia. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, đất nước tôi cũng quan tâm đến việc cung cấp khí đốt. Chúng tôi cho rằng, việc đưa Slovakia vào dự án đường ống dẫn khí đốt Nga-Thổ Nhĩ Kỳ là hoàn toàn có thể”.
Quan hệ giữa Nga và phương Tây đang rơi vào tình trạng xấu chưa từng thấy kể từ thời Chiến tranh Lạnh sau khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát và sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga hồi tháng 3 năm ngoái.
Mỹ, EU cùng với các đồng minh liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột ở miền đông nam Ukraine. Bất chấp việc Nga liên tục lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên, phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Nhiều trong số này là những biện pháp trừng phạt đang gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga khi nó nhằm vào các ngành then chốt như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng. Bản thân nhiều quốc gia Châu Âu cũng đang “ngầm đòn đau” từ chính các biện pháp trừng phạt mà họ áp đặt lên Nga. Từ đây bắt đầu nảy sinh ra mâu thuẫn trong nội bộ Châu Âu cũng như giữa các nước Châu Âu và Mỹ.
Trong nội bộ Châu Âu đang chia rẽ làm hai phe với một bên quyết liệt đòi theo đuổi chính sách trừng phạt cứng rắn đối với Nga và bên kia cũng đang ra sức đòi huỷ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Có thể kể ra đây hàng loạt cái tên mong muốn nối lại quan hệ với Nga như Áo, Slovakia, Hungary, Hy Lạp, Italia, Cyprus...
Giữa Châu Âu và Mỹ cũng nổi lên mâu thuẫn về cái mà các nước Châu Âu tin là sự “bất công” mà họ phải hứng chịu khi tung đòn trừng phạt Nga. Cụ thể, trong chính sách này, các nước Châu Âu chịu thiệt thòi, tổn thất rất lớn trong khi Mỹ không những không chịu ảnh hưởng gì nhiều mà còn được lợi từ tình hình này.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc