(VnMedia) - Nếu chính sách trừng phạt vẫn được giữ nguyên mà không thay đổi, Đức sẽ mất hơn 1% GDP hàng năm vào cuối năm nay trong khi Pháp sẽ mất 0,5% GDP. Và toàn bộ Liên minh Châu Âu (EU) sẽ mất 1,9 triệu việc làm và khoản tiền lên tới 80 tỉ euro. Chỉ một vài con số này cũng đủ cho thấy được mức độ tổn thất mà EU phải gánh chịu khi mải miết theo đuổi chính sách trừng phạt Nga – đối tác thương mại và năng lượng hàng đầu của họ.
Ảnh minh họa |
EU sẽ cảm nhận rõ hơn hậu quả từ các biện pháp trừng phạt Nga và cuộc khủng hoảng kinh tế ở Nga sẽ tồi tệ hơn so với dự báo trước đây. Đó là nhận định vừa được đưa ra trong một bản nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Kinh tế Áo (WIFO) thực hiện, tờ Le Figaro cho hay.
Trong kịch bản tồi tệ nhất, EU sẽ mất hơn 2 triệu việc làm và sẽ tổn thất hơn 100 tỉ euro vì chính sách trừng phạt Nga, bản nghiên cứu của WIFO kết luận.
"Chúng tôi đưa ra giả thuyết rằng, sự sụt giảm tồi tệ nhất về xuất khẩu sẽ trở thành sự thực”, ông Oliver Fritz – một trong những tác giả của bản báo cáo của WIFO cho hay đồng thời thêm rằng trong quý đầu tiên của năm 2015, xuất khẩu của Pháp sang Nga đã giảm 33,6% so với năm ngoái.
Nếu xu hướng trên còn tiếp tục kéo dài trong suốt năm thì các biện pháp trừng phạt của phương Tây và cuộc khủng hoảng kinh tế ở Nga có thể gây tác động đến hơn 1% GDP của Đức. Trong khi đó, Pháp có thể mất khoảng 0,5% GDP và 150.000 việc làm. Tóm lại, cuộc khủng hoảng kinh tế ở Nga có thể đe dọa 1,9 triệu công ăn việc làm của người dân Châu Âu và cướp đi 80 tỉ euro (khoảng 90 tỉ USD) trong tổng GDP của EU, nghiên cứu của WIFO cho hay.
Lãnh đạo của nhiều doanh nhân Đức đang lên tiếng phản đối chính sách trừng phạt Nga của EU bởi chính EU đang phải hứng “đòn đau” từ điều này, ông Heinz Hermann Thiele – Chủ tịch Công ty Knorr-Bremse của Đức cho biết.
Theo nghiên cứu, số du khách Nga đến Paris đã giảm 27% và ngành công nghiệp du lịch Pháp đã mất 185 triệu euro (210 triệu USD) so với năm ngoái.
Tuy nhiên, WIFO không thể đánh giá được ảnh hưởng trực tiếp từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với nền kinh tế Nga. Sự sụt giảm của giá dầu thế giới là nguyên nhân chính khiến nền kinh tế Nga rơi vào suy thoái (tương tự với các nước xuất khẩu dầu mỏ khác) và vì thế, rất khó để tính toán được ảnh hưởng từ những đòn trừng phạt của phương Tây đối với nền kinh tế của Nga, chuyên gia Fritz của WIFO cho biết.
Kể từ tháng 3 năm 2014, Mỹ, Liên minh Châu Âu và các nước phương Tây khác đã áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào những ngành kinh tế then chốt nhất của Nga gồm ngân hàng, quốc phòng và năng lượng vì cáo buộc Moscow can thiệp, dính líu vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Moscow kiên quyết bác bỏ những cáo buộc như vậy.
Hồi tháng 8 năm ngoái, Moscow đã chính thức ra đòn đáp trả phương Tây bằng cách tung ra lệnh cấm vận thực phẩm, nông sản kéo dài một năm đối với những nước đang trừng phạt Nga. Theo lệnh cấm vận này, Nga sẽ không nhập khẩu một loạt mặt hàng thực phẩm, nông phẩm như sữa, rau, pho mát và thịt từ các nước đang trừng phạt Nga. Những nước bị ản hưởng bởi lệnh cấm trên gồm có Italia, Tây Ban Nha, Hà Lan và rất nhiều nước khác thuộc EU.
Tuần tới, Ngoại trưởng các nước thành viên EU sẽ có cuộc họp để đưa ra một quyết định chính thức về việc có tiếp tục kéo dài thời hạn áp dụng những đòn trừng phạt lên Nga hay không. Trước đó, đại sứ của các nước EU đã nhất trí về thời hạn kéo dài thêm 6 tháng. Moscow tuyên bố sẽ đáp trả nếu EU tiếp tục trừng phạt Nga.
Tiếng nói chống chính sách trừng phạt Nga ngày càng mạnh
Có thể nói, đến thời điểm này, ngày càng có nhiều tiếng nói cất lên đòi từ bỏ chính sách trừng phạt Nga.
Cựu Thủ tướng Pháp Francois Fillon mới đây đã liên tiếng cho biết, cộng đồng quốc tế trong thế giới đa cực hiện nay không thể khuất phục, phục tùng vì lợi ích của một quốc gia đơn lẻ.
"Cộng đồng quốc tế không thể tiếp tục nằm dưới sự thống trị của chỉ một mô hình, một trung tâm. Đây là lý do tại sao, bất chấp tất cả những sự mâu thuẫn, đối lập, sự hài hòa toàn cầu nên được dựa trên nguyên tắc cân bằng bởi các bạn không thể bảo đảm an toàn cho một tình hình khi mà ở đó chỉ có Mỹ mới có thể giải quyết tất cả các vấn đề”, ông Fillon không ngại ngần cho biết tại diễn đàn SPIEF-2015.
Theo ông Fillon, Châu Âu cần phải đảm bảo sức mạnh và độc lập cho riêng mình khỏi áp lực từ bên ngoài. "Mọi người nên hiểu rằng, cả Châu Âu lẫn Nga đều không thể chắc chắn và tự tin vào tương lai nếu họ không tôn trọng sự hợp tác và lợi ích chung”, cựu Thủ tướng Pháp nhấn mạnh.
Cùng quan điểm với cựu Thủ tướng Pháp, cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama – người vừa đến thăm bán đảo Crimea hồi tháng 3, cũng lên tiếng kêu gọi Thủ tướng Shinzo Abe dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt mà Tokyo đang cùng với các nước phương Tây áp đặt với Nga.
Ý kiến bạn đọc