(VnMedia) - Chính phủ Trung Quốc vừa thông qua một quy định hàng hải mới khiến người ta không khỏi giật mình ớn lạnh. Theo đó, Trung Quốc yêu cầu các xưởng đóng tàu dân sự phải bảo đảm sao cho những tàu họ đóng có thể được sử dụng cho mục đích quân sự trong trường hợp xảy ra xung đột, báo chí nhà nước Trung Quốc hôm nay (18/6) đưa tin.
Ảnh minh họa |
Quy định mới yêu cầu phải sửa đổi 5 loại tàu dân sự, trong đó có tàu container, sao cho những loại tàu này có thể “phục vụ cho nhu cầu quốc phòng”, tờ China Daily của nhà nước Trung Quốc cho hay.
Quy định mới trên sẽ “giúp Trung Quốc có thể chuyển một số lượng đáng kể đội tàu dân sự thành sức mạnh quân sự”, tờ báo trên đã bình luận như vậy.
Theo tờ China Daily, tính đến cuối năm ngoái, Trung Quốc có khoảng 172.000 tàu dân sự. Nếu một phần lớn trong số những con tàu này có thể trở thành những tàu quân sự thì đây sẽ là cú thúc đẩy đáng kể cho sức mạnh của Hải quân Trung Quốc.
Tờ China Daily cho hay, chính phủ Trung Quốc sẽ chịu mọi chi phi cho việc sửa đổi những con tàu dân sự thành tàu quân sự.
Trung Quốc đang ra sức tăng cường sức mạnh cho Hải quân nước này trong những năm gần đây. Điều đó được thể hiện qua việc nước này đã có trong tay chiếc tàu sân bay đầu tiên vào năm 2012 và đang tích cực tăng cường thêm lực lượng cho các hạm đội tàu ngầm, tàu nổi.
Trung Quốc cũng liên tiếp tăng chi tiêu quân sự ở mức hai con số trong nhiều thập kỷ.
Tất cả những bước đi trên của Bắc Kinh được cho là nhằm để giúp nước này củng cố sức mạnh và từ đó có thể giúp họ thực hiện tham vọng tranh giành chủ quyền ở Biển Đông và biển Hoa Đông với các nước láng giềng xung quanh của Trung Quốc.
"Chiến tranh hải quân thường đòi hỏi sự huy động và triển khai một số lượng lớn tàu thuyền”, tờ China Daily dẫn lời nhà nghiên cứu quân sự Trung Quốc Cao Weidong cho biết. Ông này còn nói thêm rằng, “việc các xưởng đóng tàu sửa đổi những con tàu dân sự sao cho chúng có thể phục vụ cho hải quân trong thời chiến tranh là một thông lệ rất bình thường”.
"Những tiêu chuẩn mới được sử dụng cho tàu dân sự sẽ giúp biến sức mạnh của khu vực đóng tàu tư nhân thành sức mạnh quân sự”, ông Cao nói.
Tháng trước, Trung Quốc tuyên bố đầy thách thức rằng, nước này sẽ đưa sức mạnh quân sự của họ vượt xa ra ngoài biên giới trên biển và trên không, bảo vệ việc xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Quy định mới trên của Trung Quốc thật sự đáng quan ngại khi mà tình hình tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông đang diễn ra hết sức căng thẳng.
Trung Quốc đang có tranh chấp với Nhật Bản một quần đảo có tên là Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Trong thời gian qua, Bắc Kinh liên tiếp có những động thái nhằm tìm cách phá vỡ thế nguyên trạng, cụ thể là phá vỡ quyền kiểm soát của Tokyo đối với quần đảo này.
Cùng với đó, Trung Quốc cũng đang có tranh chấp quyết liệt với 4 nước láng giềng Đông Nam Á gồm Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam và vùng lãnh thổ Đài Loan ở Biển Đông.
Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông bởi đây là vùng biển chứa tuyến đường hàng hải chiến lược vô cùng quan trọng. Hơn nữa, Biển Đông còn là nơi chứa đựng những nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và quý giá, trong đó có dầu mỏ.
Những năm gần đây, Trung Quốc đang liên tục có những hoạt động nhằm quyết liệt theo đuổi tham vọng chiếm lĩnh Biển Đông. Trung Quốc không ngần ngại có những hành động táo tợn, nguy hiểm như đụng độ, uy hiếp tàu thuyền các nước khác ở các vùng biển mà họ tự nhận là thuộc chủ quyền của mình. Mới đây nhất, Trung Quốc còn đẩy mạnh hoạt động cải tạo, xây dựng và bồi đắp ở Biển Đông. Trung Quốc đã bồi đắp hơn 800 héc ta đảo nhân tạo ở Biển Đông và xây dựng hàng loạt công trình trên đó, nhiều trong số này có thể phục vụ cho mục đích quân sự.
Những bước đi của Bắc Kinh khiến cộng đồng quốc tế dậy sóng. Hàng loạt tổ chức quốc tế và các nước đã lên tiếng bày tỏ lo ngại và kiên quyết phản đối Trung Quốc. Rõ ràng, Trung Quốc đang có dụng ý làm thay đổi thế nguyên trạng ở Biển Đông để phục vụ cho mưu đồ độc chiếm khu vực biển chiến lược này.
Việc Trung Quốc sửa đổi hàng loạt tàu dân sự thành những con tàu có thể phục vụ cho mục đích quân sự khiến người ta không khỏi giật mình lo ngại bởi lâu nay các tàu thuyền trên biển của Trung Quốc đã tỏ ra hung hăng và nhiều lần gây hấn với tàu thuyền các nước khác.
Những cuộc va chạm tàu thuyền của Trung Quốc với tàu của các nước khác sẽ trở nên nguy hiểm hơn, dễ leo thang thành xung đột hơn khi Trung Quốc tạo sức mạnh quân sự cho những tàu dân sự của họ.
Biển Đông vốn đã là một trong những điểm nóng dễ bùng phát xung đột nhất trên thế giới hiện nay. Hành động của Trung Quốc khiến cho viễn cảnh đáng sợ trên dễ xảy ra hơn.
Thông báo về quyết định mới của Trung Quốc được đưa ra chỉ vài ngày sau khi nước này vừa tuyên bố sẽ sớm chấm dứt hành động xây dựng, cải tạo, bồi đắp trái phép ở Biển Đông. Như vậy, rõ ràng Trung Quốc không phải là có ý nhượng bộ, thỏa hiệp mà vẫn tiếp tục lấn tới trong tham vọng trên biển của nước này.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc