Nga hứng đòn giáng choáng váng từ G7?

07:23, 08/06/2015
|

(VnMedia) - Hội nghị thượng đỉnh giữa 7 cường quốc hàng đầu thế giới đã chính thức khai màn ở Bavaria , Đức trong ngày hôm qua (7/6). Điều gây bất ngờ trong sự kiện này là Nga có thể sẽ phải hứng chịu một đòn giáng choáng váng từ G7.

 

Ảnh minh họa

Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk


Nga và cuộc khủng hoảng Ukraine đã trở thành đề tài nóng bỏng, được ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra trong hai ngày, hôm qua (7/6) và hôm nay (8/6). Tại hội nghị, một số nước đã nhanh chóng lên tiếng đòi phải tăng cường các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn, hà khắc hơn lên Nga bất chấp những khó khăn kinh tế mà Liên minh Châu Âu (EU) đang phải hứng chịu từ chính chính sách trừng phạt của họ.

 

“Tất cả chúng tôi đều muốn sự có mặt của Nga ở trên bàn hội nghị G7. Tuy nhiên, nhóm của chúng tôi không phải chỉ là một nhóm có chung lợi ích kinh tế, chính trị mà trên hết đây là một cộng đồng của những giá trị. Đó là lý do tại sao Nga không có mặt với chúng tôi ở đây trong ngày hôm nay”, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk hôm qua đã phát biểu như vậy tại một khách sạn sang trọng ở Bavaria .

 

Trái với dự đoán của nhiều người, G7 dường như vẫn giữ lập trường cứng rắn với Nga. Trước thềm hội nghị thượng đỉnh G7, nhiều nhà phân tích cho rằng, các cường quốc hầu hết sẽ có quan điểm dịu nhẹ hơn với Nga bởi hơn ai hết, các nước đang áp đặt những đòn trừng phạt lên Nga lại đang là những nước phải chịu hậu quả nhiều nhất. Vì thế, theo dự đoán, hội nghị G7 sẽ không đưa ra lập trường cứng rắn với Nga như cách đây một năm. Thay vào đó, các nước thành viên G7 sẽ có xu hướng dịu nhẹ hơn với Nga và mong muốn đẩy mạnh các cuộc đối thoại với Nga thay vì tiếp tục theo đuổi chính sách trừng phạt, gây áp lực.

 

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk hôm qua đã thẳng thừng cho biết, cuộc thảo luận duy nhất có thể diễn ra ở hội nghị G7 là về khả năng tăng cường, thắt chặt hơn nữa các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.

 

"Ý định của tôi là hôm nay chúng tôi sẽ tái khẳng định sự đoàn kết của G7 trong chính sách trừng phạt” Nga, ông Tusk nói. "Vì thế, để tôi nói rõ rằng, trong bối cảnh hiện nay, nếu có bất kỳ ai muốn khởi động một cuộc thảo luận về việc thay đổi chế độ trừng phạt, thì đó chỉ là về việc tăng cường nó”.

 

Ông Tusk không ngần ngại bày tỏ sự ủng hộ đối với việc các nước tung ra thêm những biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Ông này hy vọng, những đòn trừng phạt mới sẽ được áp dụng vào cuối tháng này tại hội nghị giữa lãnh đạo các nước EU ở Brussels .


Chia sẻ quan điểm với Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Tusk, Thủ tướng Anh David Cameron cũng lên tiếng kêu gọi giới lãnh đạo EU tiếp tục đoàn kết, duy trì các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga bất chấp những tổn thương và tổn thất mà liên minh này phải gánh chịu trong thời gian vừa qua.

 

"Các biện pháp trừng phạt đều gây ảnh hưởng lên tất cả những nước áp dụng chúng lên một nước khác. Tuy nhiên, Anh không để lợi ích trong lĩnh vực dịch vụ tài chính gây cản trở đối với việc chúng ta tung ra một phản ứng mạnh mẽ đối với sự xâm lược được Nga hậu thuẫn và tôi không nghĩ rằng các nước khác lại làm khác đi”, ông Cameron đã nói như vậy.

 

Tại hội nghị G7, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc gặp song phương trực tiếp. Sau cuộc gặp, Nhà Trắng ra tuyên bố nói rằng, hai nhà lãnh đạo Đức, Mỹ đã nhất trí rằng, “thời gian thực hiện các biện pháp trừng phạt nên có liên quan trực tiếp đến việc Nga thực hiện đầy đủ các thỏa thuận Minsk và tôn trọng chủ quyền của Ukraine ”.

 

Một số nhà phân tích cho rằng, dường như giới chính khách phương Tây lại bị Mỹ dẫn dắt, điều khiển trong việc tiếp tục đưa ra những phát biểu gay gắt và cứng rắn nhằm chống lại Nga.

 

Tình trạng bạo lực bất ngờ bùng phát một cách đầy bất thường ở miền đông Ukraine gần đây đã làm dấy lên nỗi quan ngại về khả năng lệnh ngừng bắn mong manh được quy định trong thỏa thuận Minsk có thể bị đổ vỡ.

 

Phương Tây tiếp tục đổ lỗi cho Nga về tình hình diễn biến xấu đi ở miền đông Ukraine . Đáp lại, Moscow cáo buộc chính quân Kiev mới là lực lượng kích động bạo lực nhằm thúc ép các đồng minh phương Tây gây sức ép hơn nữa lên Nga. Thời điểm bạo lực bùng phát giao tranh, đụng độ ở miền đông Ukraine khiến nhiều người hoài nghi bởi nó diễn ra ngay trước thềm hội nghị G7 và hội nghị EU – nơi sẽ có những cuộc thảo luận về việc có nên nới lỏng chính sách trừng phạt đối với Nga hay không.

 

Trước khi tình trạng bạo lực leo thang ở Ukraine , có nhiều dấu hiệu cho thấy phương Tây bắt đầu dịu nhẹ hơn với Nga. Tuy nhiên, vụ đụng độ ác liệt nhất, đẫm máu nhất trong nhiều tháng trở lại đây hôm 3/6 vừa rồi đã khiến tình hình đảo ngược hoàn toàn. Điều đó được thể hiện rõ nét qua những phát biểu của giới chức EU ngày hôm qua.

 

Moscow đã lên tiếng kêu gọi các nước phương Tây nỗ lực hết sức để thực hiện đầy đủ, nghiêm túc thỏa thuận Minsk . Tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc – ông Vitaly Churkin đã nhấn mạnh rằng, đang có sự tức giận, khó chịu trong các nước EU trước việc “Kiev vi phạm trắng trợn và phớt lờ các thỏa thuận Minsk”.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc