NATO đã “rụt cổ” trước Nga?

19:58, 25/06/2015
|

(VnMedia) - Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm qua (24/6) nói rằng liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương không muốn bị lôi kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang với Nga nhưng phải tăng cường năng lực phòng thủ để chống lại cái mà họ gọi là “những hành động gây hấn” của Moscow ở Ukraine.
 

Ảnh minh họa

 Ảnh minh hoạ


Phát biểu trên được ông Stoltenberg đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên của NATO thông qua một loạt biện pháp, trong đó có việc tăng gấp đôi quy mô của lực lượng phản ứng nhanh NATO. Cùng với đó, Mỹ tuyên bố sẽ triển kahi vũ khí hạng nặng đến sườn phía đông của liên minh.
 
Nga đã lên án động thái trên của liên minh quân sự phương Tây là sự khiêu khích kiểu thời Chiến tranh Lạnh. Để đáp trả việc NATO tăng cường sự hiện diện quân sự đến sát biên giới của Nga, Moscow tuyên bố củng cố cho sức mạnh của lực lượng vũ trang nước này, trong đó có việc cung cấp thêm hơn 40 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa cho quân đội chỉ riêng trong năm nay.
 
"Chúng tôi không có ý định tìm kiếm sự đối đầu. Chúng tôi không muốn một cuộc chạy đua vũ trang”, ông Stoltenberg phát biểu tại một cuộc họp báo sau ngày đầu tiên diễn ra cuộc họp của các Bộ trưởng Quốc phòng tại trụ sở chính của NATO ở Brussels.
 
Người đứng đầu NATO cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên NATO có kế hoạch tăng quân số của Lực lượng Phản ứng Nhanh từ 13.000 binh lính lên mức 40.000 binh lính, trong đó đội quân mũi nhọn sẽ có 5.000 quân.
 
"Chúng tôi cũng nhất trí đẩy nhanh quá trình ra quyết định quân sự và chính trị, theo đó cho phép chỉ huy tối cao có quyền báo động, sắp xếp và chuẩn bị quân” trong khi chờ đợi sự thông qua về mặt chính trị cần thiết để triển khai lực lượng, Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho hay.
 
Một nguồn tin ngoại giao NATO cho biết, sự sửa đổi nói trên đồng nghĩa với việc quyết định chính trị có thể được đưa ra trong vòng 12 giờ đồng  hồ - đây là khoảng thời gian cần thiết nếu đội quân mũi nhọn mới được triển khai trong thời gian mục tiêu là 2 đến 3 ngày.
 
Tổng thư ký NATO hôm qua tiếp tục thể hiện lập trường cứng rắn đối với các hành động của Nga ở Ukraine, nói rằng vụ sáp nhận bán đảo Crimea hồi tháng 3 năm 2014 là “một hành động xâm lược”.
 
"Nga tiếp tục đưa quân, lực lượng và nguồn cung cấp đến miền đông Ukraine. Không nghi ngờ gì nữa Nga phải chịu trách nhiệm về những hành động gây hấn ở Châu Âu”, ông Stoltenberg phát biểu tại phiên khai mạc cuộc họp của NATO.
 
Tuy nhiên, sau những phát biểu cứng rắn trên, ông Stoltenberg lại tìm cách nói giảm, nói tránh về những lo ngại liên quan đến viễn cảnh Nga và phương Tây quay trở lại những ngày đen tối nhất của thời Chiến tranh Lạnh. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương “tiếp tục phấn đấu để tìm kiếm một mối quan hệ mang tính xây dựng hơn với Nga”, Tổng thư ký NATO cho biết.
 
Toàn bộ những phát biểu trên của ông Stoltenberg ngày hôm qua đã cho thấy, mặc dù vẫn còn giữ lập trường cứng rắn với Nga nhưng NATO đã bắt đầu dịu giọng. Diễn biến này có thể là do NATO đang vấp phải phản ứng hết sức mạnh mẽ của Moscow.
 
Nga kiên quyết bác bỏ những cáo buộc cho rằng họ có dính líu, liên quan trực tiếp đến cuộc xung đột kéo dài 15 tháng quả ở miền đông Ukraine – một cuộc xung đột đẫm máu đã cướp đi sinh mạng của 6.500 người.
 
Kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát và vụ sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga, giới chức phương Tây và các đồng minh Baltic cùng một số nước láng giềng khác của Nga luôn rêu rao nói về khả năng Nga sẽ tiếp tục tấn công, xâm lược và chiếm đóng các nước láng giềng xung quanh.
 
Nga và phương Tây do Mỹ dẫn đầu đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Trong thời gian qua, Mỹ cùng với phương Tây bị cáo buộc là đang tìm cách thổi phồng về mối đe dọa của Nga đối với các nước láng giềng. Điều đó khiến cho các nước láng giềng xung quanh cuống cuồng kêu gọi NATO đưa quân và vũ khí vào nước họ. Những nước này đồng thời cũng tăng chi tiêu quân sự để đối phó với cái mà họ gọi là mối đe dọa Nga. Một số nước láng giềng xung quanh Nga thậm chí còn coi Nga là thách thức lớn nhất đối với an ninh Châu Âu. Dựa trên cái cớ về mối đe doạ mang tên Nga, NATO đang ra sức đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga cũng như liên tục có các hành động dươi oai diễu võ ngay sát nách Nga.
 
Đáp lại, Moscow phản ứng một cách mạnh mẽ và cứng rắn không kém khi liên tục điều động binh lính, vũ khí đến khu vực biên giới đồng thời thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận quân sự rầm rộ, trên quy mô lớn để chứng tỏ sức mạnh của mình trước đối thủ. Nga còn không ngần ngại đưa ra những lời cảnh báo sắc lạnh nhằm vào phương Tây, kèm theo đó là những thông tin về khả năng triển khai vũ khí hạt nhân đến bán đảo Crimea và tăng cường thêm kho vũ khí hạt nhân của nước này. Đây là lời nhắc nhở nghiêm khắc của Nga đối với NATO về sức mạnh hạt nhân của Nga. Lời nhắc nhở này có vẻ như đã khiến NATO ít nhiều phải chùn bước.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc