Nga chính thức tung đòn trả đũa phương Tây

07:16, 25/06/2015
|

(VnMedia) - Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chính thức ký sắc lệnh kéo dài thời hạn áp dụng các biện pháp trả đũa nhằm vào phương Tây. Những biện pháp trừng phạt mà Nga dùng để đáp trả phương Tây sẽ được kéo dài thêm một năm, bắt đầu từ ngày 24/6/2015.

 

Ảnh minh họa

Tổng thống Putin


"Chính phủ đã gửi một bức thư cho tôi đề nghị kéo dài thời hạn áp dụng các biện pháp trừng phạt mà chúng tôi đang dùng để trả đũa những hành động của các đối tác của chúng tôi từ nhiều nước”, ông Putin cho hay. “Hôm nay, theo bức thư này, tôi đã ký một sắc lệnh kéo dài thời hạn áp dụng các biện pháp kinh tế đặc biệt nhằm đảm bảo sự an toàn cho Liên bang Nga”, ông chủ điện Kremlin cho biết đồng thời yêu cầu chính phủ chuẩn bị và công bố sắc lệnh nói trên trong thời gian sớm nhất có thể.

 

Biện pháp trả đũa của Nga là lệnh cấm nhập khẩu các mặt hàng nông phẩm, thực phẩm từ các nước đang áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Đòn trả đũa này của Moscow đã gây tổn thất không ít cho các đối tác Châu Âu của họ.

 

Tổng thống Putin đã tung ra đòn đáp trả sau khi Liên minh Châu Âu (EU) hồi đầu tuần này đã ra quyết định chính thức kéo dài thời hạn áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Nga thêm thời hạn 6 tháng.

 

Động thái “ăn miếng trả miếng” nói trên giữa Nga và EU khiến cuộc chiến trừng phạt giữa hai bên thêm nóng bỏng và đương nhiên là sẽ có thêm những tổn thương, mất mát xảy ra với cả hai bên.

 

Quan hệ giữa Nga và phương Tây đang rơi vào tình trạng xấu chưa từng thấy kể từ thời Chiến tranh Lạnh sau khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát kéo theo vụ sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga hồi tháng 3 năm ngoái và cuộc chiến đẫm máu ở miền đông UKraine .

 

Mỹ, EU cùng với các đồng minh liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột ở miền đông nam Ukraine. Bất chấp việc Nga liên tục lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên, phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Cuộc chiến trừng phạt leo lên cao trào sau khi xảy ra vụ một chiếc máy bay dân sự của hãng hàng không Malaysia Airlines bị bắn rơi ở miền đông Ukraine hồi tháng 7 năm ngoái.

 

Phương Tây nhanh chóng đổ lỗi cho Nga và lực lượng ly khai miền đông Ukraine đã gây ra thảm họa hàng không khủng khiếp trên. Kết quả là phương Tây tung ra thêm các biện pháp trừng phạt Nga và đây đều là những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc, gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga khi nó nhằm vào các ngành then chốt như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng.

 

Đáp lại, Moscow cũng tung đòn trả đũa bằng cách áp dụng lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm và nông sản từ các nước đang trừng phạt Nga.

 

Cuộc chiến trừng phạt giữa Nga và phương Tây đang khiến cả hai bên đầu chịu tổn thương và thiệt thòi. Nền kinh tế Nga thực sự lao đao, loạng choạng trước những khó khăn khách quan cũng như do ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

 

Tuy nhiên, các nước EU cũng không tránh khỏi ảnh hưởng “gậy ông đập lưng ông” từ chính những biện pháp trừng phạt mà họ áp dụng lên Nga cũng như bị ảnh hưởng từ đòn trả đũa của Nga. Đây là điều đã được dự báo từ trước bởi Nga vốn là đối tác thương mại và năng lượng hàng đầu của Nga. Ngấm đòn đau từ chính sách trừng phạt Nga, nội bộ Châu Âu bắt đầu nảy sinh mâu thuẫn. Hiện đang có hai phe ở Châu Âu với một bên quyết liệt đòi theo đuổi chính sách trừng phạt cứng rắn đối với Nga và bên kia cũng đang ra sức đòi huỷ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Có thể kể ra đây hàng loạt cái tên mong muốn nối lại quan hệ với Nga như Áo, Slovakia, Hungary, Hy Lạp, Italia, Cyprus...

 

Nga sẽ nương nhẹ tay với một số nước Châu Âu?

 

Trong sắc lệnh ngày hôm qua, Tổng thống Putin không nói gì đến việc nương nhẹ với các nước Châu Âu đang phản đối chính sách trừng phạt Nga. Tuy nhiên, trước đó, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga - bà Valentina Matviyenko đã nói với các phóng viên rằng, khi đề ra các biện pháp trả đũa EU, Moscow nên tính đến lập trường của các nước đang có mối quan hệ kinh tế và chính trị tốt đẹp với Nga như Hungary , Hy Lạp và Cyprus .

 

Bà Matviyenko cho hay, bà lấy làm tiếc về việc EU đã ra quyết định kéo dài thời hạn áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Nga thêm 6 tháng nữa. Nữ Chủ tịch Thượng viện Nga tuyên bố, “Nga sẽ tung ra những biện pháp trừng phạt trả đũa thích đáng và có tính toán”.

 

Người đứng đầu Hội đồng Liên bang Nga đồng thời cũng lên tiếng ủng hộ việc Moscow có phương pháp tiếp cận khác nhau với những quốc gia Châu Âu có quan điểm khác nhau về chính sách trừng phạt Nga. "Tôi tin rằng, khi vạch ra chính sách trả đũa, chúng ta phải tính đến lập trường của một số nước như Hungary, Hy Lạp và Cyprus. Đây là những nước mà chúng ta không chỉ có mối quan hệ tốt đẹp về kinh tế, thương mại mà cả trong lĩnh vực chính trị. Họ đang tích cực phản đối chính sách trừng phạt”, bà Matviyenko phát biểu, nói thêm rằng “những nước như vậy nên được ủng hộ.

 

Bà Matviyenko cũng kêu gọi giám sát chặt chẽ hơn việc tuân thủ lệnh cấm nhập khẩu nông sản, thực phẩm từ EU. Theo bà này, đang có tình trạng gia tăng nguồn cung cấp nông sản, thực phẩm từ những nước bị áp đặt lệnh cấm. Một số mặt hàng gán mác của những nước không bị trừng phạt nhưng thực chất lại có nguồn gốc từ các nước đang chịu lệnh cấm của Moscow .


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc