(VnMedia) - Theo các hacker xâm nhập được vào mạng lưới hệ thống của Lực lượng Vũ trang Lithuania, quốc gia Baltic bé nhỏ này đang sẵn sàng chuẩn bị thôn tính khu vực Kaliningrad của Nga.
Ảnh minh họa |
Một nhóm hacker đã xâm nhập vào hệ thống văn phòng chính của Lực lượng Vũ trang Lithuania tối hôm thứ Tư (10/6) và phát hiện ra rằng quốc gia Baltic nhỏ bé này có những kế hạch rất lớn – đó là chiếm vùng đất Kaliningrad của Nga, cổng thông tin của Lithuania – Delfi đưa tin.
Những cuộc tập trận gần đây của NATO ở các quốc gia Baltic và Ba Lan là bước chuẩn bị cho kế hoạch nói trên, Delfi cho biết.
Sau đó, thông tin này đã nhanh chóng bị dỡ bỏ khỏi website của Lực lượng Vũ trang Lithuania. Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Lithuania cho rằng, vụ việc xảy ra là do một cuộc tấn công của hacker và hiện tất cả các chi tiết đang được điều tra.
Trong khi đó, khoảng 2.100 binh sĩ đến từ 9 quốc gia thành viên NATO trong Lực lượng Phản ứng Nhanh NATO đang tham gia vào các cuộc diễn tập quân sự ở phía tây bắc Ba Lan.
Vào cuối mùa hè này, cuộc tập trận “Lá chắn Liên minh” cũng sẽ được tổ chức ở Ba Lan và có sự tham gia của 14.00 binh lính đến từ các nước thành viên NATO cùng 3 quốc gia đối tác.
Thông tin về việc Lithuania và NATO có kế hoạch chiếm vùng đất Kaliningrad của Nga hoàn toàn chưa được kiểm chứng.
Tuy nhiên, kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine nổ ra, báo chí thường có nhiều thông tin không được kiểm chứng về những kế hoạch gây giật mình của Nga và NATO. Trong khi NATO liên tục cáo buộc Nga có kế hoạch xâm lược các nước láng giềng xung quanh thì Moscow cũng tố cáo NATO đang tìm cách bành trường quân sự đến sát biên giới của họ và giờ là cả ý định chiếm đóng vùng đất Kaliningrad của Nga.
Mối quan hệ giữa Nga với NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất từ trước đến nay kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát. Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia. NATO còn tăng cường tiến hành các cuộc tập trận quân sự và đang đối phó với Nga bằng cách tăng cường phòng thủ ở sườn phía đông của Châu Âu với một đội quân mũi nhọn gồm 5.000 binh lính với các trung tâm chỉ huy được lập lên ở các nước Baltic, Bulgari, Ba Lan và Rumani.
Những động thái trên của Mỹ và NATO khiến Nga không thể ngồi yên. Moscow cũng đang nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự để đối phó với kế hoạch thúc đẩy sự hiện diện quân sự của NATO ở Châu Âu. Nga bắt đầu thực hiện kế hoạch triển khai vũ khí tối tân ở nhiều khu vực sát biên giới với các nước thành viên NATO. Cùng với đó, Nga liên tục tổ chức các cuộc tập trận rầm rộ, quy mô lớn nhằm răn đe, cảnh báo các nước NATO cũng như tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Nga. Ngoài ra, việc Moscow tăng cường các chuyến bay quân sự trên bầu trời Châu Âu được cho là một hành động đáp trả.
Mỹ nóng lòng muốn hành động ở Ukraine?
Liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, một số tờ báo mới đây đã công bố những bức ảnh về đoàn xe quân sự của Mỹ rầm rập tiến đến thành phố biên giới Zahony nằm ở phía đông Hungary. Đoàn xe này quân sự này dường như đang tiến vào Ukraine.
Các xe quân sự của Mỹ đã đến Ukraine từ Hungary để tham gia vào cuộc tập trận chung Mỹ-Ukraine ở khu vực Lviv, ông Oleg Slobodyan – thư ký báo chí của Lực lượng Biên phòng Ukraine, cho các phóng viên biết.
"Như các bạn biết đấy, hiện tại, các cuộc tập trận quân sự giữa Mỹ và Ukraine đang diễn ra. Trong khuôn khổ những cuộc tập trận này, các phương tiện và thiết bị quân sự có liên quan của Mỹ đã tiến vào lãnh thổ Ukraine”, ông Slobodyan cho hay. Theo lời ông này, “sau các cuộc tập trận, các phương tiện sẽ rời Ukraine”, vị quan chức biên phòng Ukraine nói thêm.
Trước đó, hồi tháng 4, gần 300 binh lính Mỹ đã đến Ukraine để tập trận và giúp đào tạo cho quân đội Kiev. Lực lượng này đã đến khu vực Lviv của Ukraine.
Mỹ đang cung cấp cho Kiev sự giúp đỡ về kinh tế cũng như thiết bị quân sự không gây sát thương. Hoạt động này diễn ra liên tục kể từ khi Kiev phát động chiến dịch quân sự chống lại lực lượng ly khai ở hai khu vực miền đông Ukraine gồm Donetsk và Luhansk.
Có thể nói, bất chấp việc tình hình ở miền đông Ukraine đang dần ổn định trở lại nhờ vào các thỏa thuận Minsk được ký kết hồi tháng 2, Mỹ vẫn tiếp tục đưa binh lính, vũ khí vào Ukraine để giúp đỡ Kiev đồng thời cân nhắc khả năng cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev.
Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, việc Mỹ đưa quân vào giúp đào tạo binh lính Ukraine trong việc sử dụng thiết bị quân sự phương Tây có thể xem là bước đi đầu tiên để Washington tiến tới việc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine. Nhiều quan chức diều hâu ở Mỹ đang thúc giục chính quyền của Tổng thống Barack Obama thực hiện bước đi này để thay đổi tình thế trên chiến trường Ukraine.
Vân Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc