Làm tổn thương đồng minh, Mỹ hứng quả đắng

07:06, 25/06/2015
|

(VnMedia) - " Pháp sẽ không dung thứ cho bất kỳ hành động nào có thể gây nguy hiểm cho an ninh của mình" - Điện Elysee đã tuyên bố như vậy trong một thông báo được phát đi ngày hôm qua (24/6), sau một cuộc họp khẩn cấp về việc có thông tin Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) tiến hành do thám, theo dõi các Tổng thống của Pháp.

 

Ảnh minh họa

Tổng thống Pháp Hollande (bên phải) và người tiền nhiệm Sarkozy (bên trái) đều là mục tiêu do thám của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ


Trước đó, hôm 23/6, WikiLeaks bắt đầu công bố một loạt tài liệu được cho là chứng minh NSA đã chặn các cuộc điện thoại của Tổng thống Pháp Francois Hollande và hai người tiền nhiệm của ông - Nicolas Sarkozy, Jacques Chirac cũng như của các quan chức cấp cao hàng đầu khác của Pháp trong suốt 6 năm qua.

 

Phản ứng trước thông tin gây giật mình trên, giới chức Pháp vô cùng phẫn nộ, tung ra một loạt những lời chỉ trích gay gắt nhằm vào đồng minh Mỹ.

 

Tổng thống Pháp Francois Hollande đã miêu tả hành động do thám của Mỹ là một sự vi phạm an ninh “không thể chấp nhận được”. Ông Hollande đã nhanh chóng triệu tập hai cuộc họp khẩn cấp với các quan chức an ninh hàng đầu Pháp, và sau đó là với các nghị sĩ hàng đầu của nước này.

 

Sau hai cuộc họp với giới chức an ninh và các nghị sĩ, Tổng thống Hollande đã ra một tuyên bố, trong đó nói rằng: “Pháp sẽ không dung thứ cho bất kỳ hành động nào gây đe dọa đến an ninh và lợi ích của mình”. Tuyên bố cũng cho hay, những cáo buộc về việc có hành động do thám, theo dõi các lợi ích của Pháp từng được đưa ra trong quá khứ. Washington phải tôn trọng, thực hiện nghiêm túc lời hứa mà họ từng đưa ra sau khi chiến dịch do thám quy mô lớn của NSA bị phơi bày ra ánh sáng năm 2013.

 

Pháp tuyên bố sẽ tăng cường biện pháp bảo vệ trước hoạt động do thám của Mỹ nhưng không công bố cụ thể đó là những biện pháp gì.

 

Tại một cuộc họp nội các, phát ngôn viên chính phủ - ông Stephane Le Foll cho biết, “chúng tôi đã nhắc nhở tất cả các bộ trưởng phải cảnh giác với những cuộc điện thoại của họ”.

 

Hai trong số những bức điện tín được tiết lộ liên quan đến cuộc trò chuyện của cựu Tổng thống Sarkozy và Jacques Chirac đã được đánh dấu bằng một loạt chữ sau " USA , AUS, CAN, GBR, NZL". Điều này cho thấy, những thông tin mà Mỹ do thám được từ giới lãnh đạo Pháp đã được chia sẻ cho Anh , Canada và nhiều thành viên khác trong cái gọi là liên minh tình báo "Five Eyes" (Năm Mắt).

 

Tiết lộ mới nhất về việc giới lãnh đạo Pháp bị Mỹ do thám, nghe lén điện thoại đồng nghĩa với việc Pháp cùng Đức nằm trong danh sách những đồng minh của Mỹ bị NSA thực hiện hoạt động theo dõi.

 

Sau Tổng thống Hollande, cựu Tổng thống Pháp Sarkozy cũng lên tiếng chỉ trích những biện pháp của Mỹ là không thể chấp nhận.

 

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã nhanh chóng triệu tập Đại sứ Mỹ tại thủ đô Paris đến để phản đối.

 

Trong khi đó, Đảng Xã hội của Pháp ra tuyên bố cho biết, họ cảm thấy “kinh sợ” trước quyết định của Pháp trong việc tiến hành do thám một cách có hệ thống đối với các chính phủ đồng minh.

 

"Làm sao một nước vốn đặt sự tự do cá nhân lên trên tất cả mọi thứ lại chà đạp lên tự do cá nhân của người khác dưới bàn chân của họ?", tuyên bố của Đảng Xã hội gay gắt lên án.

 

Mỹ vội vã trấn an đồng minh

 

Trước làn sóng tức giận ở Pháp, một phát ngôn viên của NSA đã lên tiếng nói rằng, Mỹ không nghe lén những cuộc điện thoại của Tổng thống Hollande.

 

Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng bảo đảm với người đồng cấp Pháp Hollande rằng Washington không tiến hành nghe lén các cuộc điện đàm của ông này, Nhà Trắng cho hay.

 

Hai nhà lãnh đạo Pháp và Mỹ đã có cuộc điện đàm ngày hôm qua sau khi nổ ra vụ scandal liên quan đến tiết lộ trên WikiLeaks về việc Mỹ do thám 3 Tổng thống Pháp trong suốt giai đoạn từ năm 2006 đến 2012. Sau hai cuộc họp khẩn, Tổng thống Hollande đã trực tiếp gọi điện cho người đồng cấp Mỹ Obama để trao đổi thẳng thắn về vấn đề này.

 

Trong cuộc điện đàm, Tổng thống Obama “tái khẳng định rằng chúng tôi đã tuân theo cam kết được đưa ra với Pháp hồi cuối năm 2013 về việc chúng tôi không nhằm mục tiêu do thám vào các cuộc điện đàm của Tổng thống Pháp”, Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố.

 

Tuy nhiên, ông Obama không đả động gì đến thông tin về chiến dịch do thám từ năm 2006 đến 2012 mà Wikileaks đề cập đến.

Nhà Trắng hồi cuối năm 2013 từng phải đối mặt với cơn thịnh nộ của các nhà lãnh đạo Châu Âu sau khi Tờ The Guardian của Anh cho biết tờ báo này đã có trong tay một tài liệu mật trong đó tiết lộ Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ có thể đã giám sát, theo dõi các cuộc liên lạc của 35 nhà lãnh đạo trên thế giới năm 2006. Tài liệu trên còn cho biết, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ đã khuyến khích giới chức cấp cao ở Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và các cơ quan khác chia sẻ thông tin liên lạc mà họ có được để cơ quan tình báo có thể thêm số điện thoại di động cá nhân của các nhà lãnh đạo nước ngoài vào hệ thống do thám, giám sát của nước này.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc