IS tuyên bố bắn rơi máy bay Su 25 của Iraq

13:52, 18/06/2015
|

(VnMedia) - Tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hôm qua (17/6) tuyên bố, nhóm này đã bắn hạ một máy bay quân sự của quân đội Iraq ở phía bắc thành phố Ramadi, tỉnh Anbar.
 

IS đang thắng thế tại thành phố Ramadi
 
Nhóm khủng bố IS vừa cho đăng tải thông tin đáng chú ý trên tài khoản Twitter của chúng. Theo đó, các tay súng IS đã bắn hạ một chiếc tiêm kích Su 25 do Nga sản xuất của quân đội Iraq. Chiếc máy bay này đang tham gia nhiệm vụ tuần tra và hỗ trợ tấn công vào thành phố Ramadi vốn nằm trong tầm kiểm soát của IS.

  Ảnh minh họa

 Máy bay Su 25 của Iraq đã bị IS bắn hạ?


Hiện tại phía Mỹ và Iraq từ chối xác nhận thông tin trên do chưa được kiểm chứng. Trong khi đó, một thành viên của Sahwa – tổ chức của người Hồi giáo dòng Sunni chống đối IS – cho biết, người này đã tận mắt nhìn thấy một chiếc máy bay của Iraq bốc cháy và rơi xuống khu vực phía bắc thành phố Ramadi. Hiện chưa rõ tính mạng của viên phi công có được đảm bảo hay không.

Được biết, đây là một trong năm chiếc Su 25 được Nga bàn giao cho Iraq theo một thỏa thuận giữa 2 nước hồi năm ngoái. Với hơn 4 tấn vũ khí mang theo, Su 25 được cho sẽ là vũ khí quan trọng của Iraq trong cuộc chiến chống lại IS.
 
Tổ chức khủng bố IS hiện đang chiếm giữ 1/3 lãnh thổ Iraq và một vùng rộng lớn tại Syria. Chính quyền Baghdad hiện đang phải trông cậy vào sự giúp đỡ của liên quân do Mỹ dẫn đầu cùng như các tay súng dòng Shiite do Iran hậu thuẫn để hy vọng có thể giành lại quyền kiểm soát đất nước.
 
Trong khi nỗ lực từ bên ngoài chưa đạt được hiệu quả, cách đây đúng 1 tháng, IS tiếp tục đánh chiếm thành phố Ramadi. Chúng liên tục tăng cường các đợt tấn công vào Ramadi. Nhóm IS với súng máy, súng cối, pháo cuối cùng vượt qua vòng bảo vệ an ninh của lực lượng quân đội Chính phủ Iraq, bất chấp liên quân do Mỹ dẫn đầu dội bom, đạn dữ dội để cản bước tiến của chúng.
 
Cuộc giao tranh khốc liệt đã cướp đi sinh mạng của khoảng 500 người, trong đó phần lớn là thường dân và các binh sỹ. Gần 8000 dân thường đã phải rời bỏ nhà cửa để chạy trốn nhóm IS. Ngay sau khi chiếm quyền kiểm soát Ramadi, nhóm IS lùng sục từng ngôi nhà, trụ sở để bắt giữ hoặc sát hại nhân viên an ninh, cảnh sát và các tay súng chống đối.
 
Theo một số nhân chứng, nhóm khủng bố thẳng tay giết người và quẳng xác xuống con sông Euphrates, biến khúc sông này thành một bể máu. Một cảnh tượng vô cùng kinh hãi và thương tâm.
 
Liên quân đổ lỗi cho chỉ huy Iraq quá “nhát gan”
 
Thất bại tại Ramadi không khỏi khiến giới quan sát đặt ra những câu chất vấn về tính hiệu quả của liên quân do Mỹ dẫn đầu trong cuộc chiến chống lại IS.

  Ảnh minh họa

  Được trang bị nhiều vũ khí hiện đại nhưng sức chiến đấu của quân đội Iraq vẫn chưa được cải thiện. Trong ảnh nhiều xe tăng, xe thiết giáp bị quân đội Iraq bỏ lại trong lúc tháo chạy trước sự tấn công của IS

 
Mới đây, một đoạn clip ngắn ghi lại cảnh IS tiến công vào Ramadi khi lực lượng an ninh Iraq vội vã bỏ chạy! Điều đáng nói là vào thời điểm đó máy bay liên quân liên tục dội bom, đạn xuống nhóm khủng bố này. Việc phối hợp thiếu ăn ý và thiếu chuyên nghiệp của lực lượng an ninh bản địa đã khiến cho nỗ lực của liên quân đang trở nên vô nghĩa.
 
Liên quan tới vấn đề này, Tướng Christopher Ghika – chỉ huy quân Anh trong liên quân do Mỹ dẫn đầu – đã chỉ trích quyết định rút quân của Iraq.
 
“Ramadi thất thủ là do chỉ huy lực lượng quân đội Iraq đã chỉ thị rút quân. Nếu ông ấy quyết định ở lại tiếp tục chiến đấu thì giờ này IS không có chuyện chiếm được thành phố này. Nói cách khác đây không phải là chiến thắng của IS. Nhóm khủng bố này không hề đánh bại quân đội Iraq tại Ramadi. Quân đội Iraq đã tự đầu hàng trước IS”, ông Christopher Ghika gay gắt nói.
 
Cũng theo vị tướng này, người chỉ huy lực lượng phòng vệ tỉnh Anbar – Tướng Mohammed Khalaf al-Fahdawi - phải chịu trách nhiệm cho thất bại này. Sau sự cố trên một lần nữa người ta phải đặt câu hỏi về những vị chỉ huy quân sự năng lực hạn chế của Iraq. Một số người được dựng lên do yếu tố chính trị, chứ không hề được qua trường lớp đào tạo hoặc kinh qua chiến trường.
 
Tướng Mohammed Khalaf al-Fahdawi cũng bị thương trong đợt giao tranh với IS tại Ramadi. Ông hiện từ chối bình luận về việc bại trận vì không được phép của cấp trên.
 
Bàn về vấn đề Iraq cũng như cuộc chiến chống lại IS trước Ủy ban Quân lực thuộc Hạ viên Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter thừa nhận, Mỹ đã không kịp đào tạo và vũ trang cho quân đội Iraq khiến nước này khó đối đầu với nhóm khủng bố.
 
Ngoài ra ông Ashton Carter cũng tiết lộ Mỹ chỉ đào tạo cho 7.000 quân nhân Iraq thay vì con số 24.000 do thiếu quân tuyển mộ. Lý giải vì sao có sự chậm trễ này, ông Carter cho rằng nguyên nhân xuất phát từ bộ máy quan liêu của Baghdad nhưng đôi khi cũng do lỗi của Washington.
 
“Nếu Chính phủ Iraq không sẵn sàng giúp đỡ liên quân thì chúng ta buộc phải tính tới việc hỗ trợ lực lượng nổi dậy địa phương như các bộ tộc người Kurrd và Hồi giáo dòng Sunni, những người sẽ luôn sát cánh với liên quân để tìm lại sự ổn định cho Iraq. Đó là lý do vì sao chúng ta cần phải cung cấp ngay các vũ khí thiết yếu cho họ”, ông Carter nhấn mạnh.


Minh Quang - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc