Trung Quốc bị bẽ mặt ở Biển Đông

19:03, 02/05/2015
|

(VnMedia) - Trung Quốc mới đây bất ngờ đưa ra một lời đề nghị có tính “ve vuốt”, trấn an làn sóng nổi giận đang sục sôi về những hành động của nước này ở Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc đã bị bẽ mặt trước phản ứng của Mỹ.

 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Lời đề nghị bất ngờ của Trung Quốc

 

Mỹ và các nước khác sẽ được hoan nghênh sử dụng các cơ sở dân sự mà Trung Quốc đang xây dựng ở Biển Đông cho mục đích tìm kiếm, cứu hộ và dự báo thời tiết “khi các điều kiện chín muồi”, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc đã nói như vậy với một sĩ quan cấp cao của Mỹ.

 

Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông với 4 nước láng giềng Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Trung Quốc đang trắng trợn đòi chủ quyền đến 90% Biển Đông - một khu vực biển có những tuyến đường hàng hải chiến lược có tính sống còn đồng thời chưa các nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú.

 

Những hình ảnh thu được từ vệ tinh gần đây cho thấy Trung Quốc đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động xây dựng trái phép một đường băng thích hợp cho mục đích quân sự ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam và có thể còn đang ấp ủ kế hoạch xây dựng một đường băng khác tương tự.

 

Động thái trên cùng với hàng loạt hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng đảo nhân tạo một cách phi pháp khác của Trung Quốc ở Biển Đông đang gây ra nỗi quan ngại sâu sắc không chỉ với các nước láng giềng mà với cả cộng đồng quốc tế.

 

Trong một hội nghị qua điện thoại với Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ Jonathan Greenert, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Wu Shengli đã nói rằng, hoạt động xây dựng của nước này ở Biển Đông không làm ảnh hưởng gì đến sự tự do hàng hải cũng như tự do đi lại trên không. "Thay vào đó, hoạt động xây dựng sẽ củng cố khả năng thực hiện các dịch vụ công cộng ở những khu vực biển này, trong đó có việc dự báo thời tiết và tìm kiếm, giải cứu hàng hải, thực hiện các nghĩa vụ quốc tế về duy trì an ninh trên các vùng biển quốc tế. Chúng tôi hoan nghênh các tổ chức quốc tế, Mỹ và các nước có liên quan đến sử dụng những cơ sở đó trong tương lai khi điều kiện chín muồi đồng thời cùng hợp tác trong hoạt động tìm kiếm, giải cứu và cứu trợ thảm họa”, ông Wu đã ngang nhiên phát biểu như vậy bất chấp thực tế Trung Quốc đang thực hiện trái phép các hoạt động xây dựng, cải tạo, bồi đắp ở quần đảo Trường Sa vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.

 

Trung Quốc đã cho thấy sự ngang ngược, bất chấp luật pháp và đạo lý khi tiến hành các hoạt động xây dựng trái phép trên vùng đất, vùng biển của nước khác và giờ lại đưa ra đề nghị cho các nước sử dụng những cơ sở phi pháp đó của họ.

 

Trung Quốc bẽ mặt trước câu trả lời của Mỹ

 

Trung Quốc đã bị Mỹ tạt cho một gáo nước lạnh bằng việc quay lưng với đề nghị có tính “ve vuốt” của Bắc Kinh. Mỹ hôm qua (1/5) đã nhanh chóng và thẳng thừng bác bỏ đề xuất của Bắc Kinh về việc sử dụng các cơ sở trái phép mà Trung Quốc đang xây dựng ở Biển Đông.

 

Bắc Kinh đang phải đối mặt với làn sóng chỉ trích, lên án gay gắt của nhiều nước phương Tây về việc đẩy mạnh hoạt động xây dựng, cải tạo và bồi đắp trái phép trên Biển Đông, trong đó có việc xây dựng đường băng và nhiều cơ sở hạ tầng có thể sử dụng cho mục đích quân sự khác.

 

Trước lời đề nghị của Bắc Kinh, quyền phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ - ông Jeff Rathke tuyên bố, Washington không quan tâm. Ông này lên tiếng chỉ trích: “Việc xây dựng các cơ sở hạ tầng trên những vùng đất bồi đắp ở các khu vực tranh chấp của Biển Đông sẽ không đóng góp cho hòa bình và sự ổn định trong khu vực. Điều này vẫn đúng thậm chí kể cả khi một số quan chức Trung Quốc tuyên bố những cơ sở gây hoài nghi của họ được sử dụng cho các mục đích phản ứng với thảm họa dân sự".

 

Ông Rathke còn thêm rằng, "nếu thật sự mong muốn làm dịu căng thẳng, Trung Quốc cần phải tích cực và nỗ lực bằng cách có những bước đi cụ thể nhằm ngừng ngay các hoạt động cải tạo, bồi đắp và xây dựng” ở Biển Đông.

 

Bắc Kinh nên “dùng các cơ chế đa phương hiện nay cho mục đích cứu trợ thảm họa và nhân đạo” như là cơ chế dưới cái ô của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

 

ASEAN hồi đầu tuần đã ra tuyên bố tại lễ bế mạc hội nghị thượng đỉnh ở Malaysia, trong đó bày tỏ “sự quan ngại sâu sắc” trước hoạt động bồi đắp, xây dựng và cải tạo của Trung Quốc ở các bãi đá ở Biển Đông.

 

Những bước đi của Trung Quốc đang làm dấy lên nỗi lo ngại về khả năng nước này dần dần kiểm soát Biển Đông trước khi độc chiếm vùng biển chiến lược và giàu tài nguyên này.

 

Trong những năm trở lại đây, Trung Quốc đang quyết liệt và hung hăng theo đuổi tham vọng độc chiếm Biển Đông. Điều này đã biến khu vực biển này trở thành một trong những điểm nóng dễ bùng phát xung đột quân sự nhất ở Châu Á cũng như thế giới.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc