"Phũ" với Nga, Pháp bán tàu Mistral cho Trung Quốc?

16:14, 11/05/2015
|

(VnMedia) - Gần đây xuất hiện tin đồn cho rằng, Pháp đang muốn bán tàu trực thăng đổ bộ lớp Mistral cho Trung Quốc khi hai tàu chiến của Pháp đang có chuyến thăm kéo dài 7 ngày tới Thượng Hải.
 
Theo tờ Watch China Times của Trung Quốc, Hải quân Pháp có thể đã đề xuất việc mua lại tàu chiến lớp Mistral mà Pháp chế tạo cho Nga thay vì chế tạo tàu mới. Theo nguồn tin không chính thức, trong hai tàu chiến Pháp đến thăm Trung Quốc lần này có một tàu chỉ huy lớp Mistral - tàu Dixmude. Đây là lần đầu tiên một tàu chiến Mistral cập cảng Trung Quốc.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, chỉ cách đây mấy ngày, hôm 6/5 có thông tin cho rằng, thay vì bàn giao chúng, chính phủ Pháp có thể sẽ đánh đắm chúng, đưa chúng xuống đáy đại dương nếu hợp đồng thực sự bị hủy bỏ. 
 
Tờ Le Figaro số ra ngày hôm 6/5 đăng tải một bài báo nói rằng, Pháp có thể sẽ dùng đến biện pháp cuối cùng là đánh chìm những chiếc siêu tàu chiến tối tân, đắt đỏ nếu chính phủ nước này tiếp tục từ chối không thực hiện hợp đồng với Nga.
 
“Trong số những lựa chọn mà chính phủ Pháp đang cân nhắc, xem xét có khả năng là những chiếc tàu chiến hiện đại lớp Mistral sẽ bị phá hủy. Chúng sẽ bị tháo dỡ thiết bị, máy móc và vũ khí hay được sửa lại hoặc bị đánh chìm xuống đáy biển”, tờ báo của Pháp dẫn lời một sĩ quan giấu tên hiểu rõ về tình hình hiện nay xung quanh hai chiếc tàu Mistral đã tiết lộ như vậy.
 
Thông tin trên đã gây ra một sự phẫn nộ rất lớn đối với một quan chức quân sự cấp cao của Pháp. Ông này nói rằng, điều đó là “không thể chấp nhận được” vì nhà máy đóng tàu ở Saint-Nazaire – một trong những xưởng đóng tàu lớn nhất nước Pháp, đã phải bỏ ra biết bao nhiêu nỗ lực và tiền bạc để đóng hai chiếc siêu tàu chiến Mistral tối tân đó.
 
Hợp đồng mua hai tàu lớp Mistral trị giá 1,12 tỉ euro (1,6 tỉ USD) đã được tập đoàn xuất khẩu vũ khí của Nga - Rosoboronexport ký với tập đoàn DCNS của Pháp hồi tháng 6 năm 2011. Chiếc tàu chiến đầu tiên được đặt tên là Vladivostok dự kiến được chuyển giao vào đầu tháng 11 này trong khi chiếc thứ hai mang tên Sevastopol sẽ được bàn giao vào cuối năm 2015. Tuy nhiên, Paris đã không giao tàu chiến lớp Mistral cho Nga đúng như thời hạn hợp đồng đưa ra mặc dù công tác bàn giao đã sẵn sàng.
 
Pháp đã phải chịu sức ép rất mạnh mẽ từ các đồng minh phương Tây, đặc biệt là Mỹ, trong việc phải hủy bỏ hợp đồng bán siêu tàu chiến lớp Mistral cho Hải quân Nga. Sau một thời gian dài chờ đợi với đủ những lời cảnh báo, đe dọa, Nga vẫn chưa nhận được những gì mình mong muốn khi Pháp vẫn chần chừ không chịu giao tàu chiến lớp Mistral đầu tiên cho Nga theo đúng như hợp đồng quy định. Điều này đã khiến Moscow hết kiên nhẫn.  
   
Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) đổ lỗi cho Moscow đứng đằng sau cuộc khủng hoảng ở Ukraine, châm ngòi cho cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông nước này. Vì thế, Mỹ cùng EU đã gây sức ép để buộc Pháp  phải ngừng bàn giao siêu tàu chiến lớp Mistral cho Nga. 

Siêu tàu chiến lớp Mistral là loại tàu đổ bộ tấn công hiện đại, có khả năng chỉ huy, triển khai chớp nhoáng lực lượng hỗ trợ hậu cần, di tản nhân đạo, bệnh viện dã chiến và thưc hiện các sứ mệnh tác chiến Hải quân khác.
 
Siêu tàu chiến Mistral có trọng tải tối đa 21.300 tấn; có thể chuyên chở bốn sà lan đổ quân, 16 trực thăng hạng nặng, 2 tàu đệm không khí, một tiểu đoàn 40 xe tăng hạng nặng Leclerc, 450 binh sỹ... Tàu đổ bộ trực thăng lớp Mistral dài 199m, chiều ngang 32m, độ mớn nước 6,2m. Tàu được lắp đặt hệ thống radar cảnh giới MRR3D-NG, radar dẫn đường DRBN-38A; hệ thống hỏa lực gồm 2 hệ thống tên lửa phòng không MBDA Simbad, 2 khẩu đội pháo phòng không Breda-Mauser 30 mm, 4 súng máy 12,7 mm Browing M2-HB. Tàu chiến này sẽ được trang bị 8 chiếc máy bay trực thăng tấn công Kamov Ka-52K và 8 chiếc máy bay trực thăng vận tải tấn công Ka-29/31 Helix. Tàu có phạm vi hoạt động 40.000km, hứa hẹn sẽ góp phần nâng cao khả năng tác chiến của lực lượng Hải quân Nga.
 
Hợp đồng với Pháp là thỏa thuận mua vũ khí nước ngoài đầu tiên của Nga kể từ sau Chiến tranh Lạnh và nó được Tổng thống Pháp khi đó là ông Sarkozy ca ngợi là một bước đi quan trọng trong mối quan hệ Nga-Pháp. Pháp cũng trở thành nước thành viên NATO đầu tiên cung cấp vũ khí cho Nga. Hợp đồng này đã tạo ra việc làm cho khoảng 1.000 người ở các xưởng đóng tàu của Pháp. Mỹ và phương Tây đã ra sức ép Pháp phải hủy bỏ hợp đồng cung cấp tàu chiến lớp Mistral cho Nga.
 
Vì giá trị kinh tế to lớn của hợp đồng này, Pháp đang bị rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu thỏa mãn mong muốn của các đồng minh, Pháp sẽ phải hứng chịu tổn thất cực kỳ lớn vì phá hợp đồng với Nga. Không chỉ phải trả lại khoản tiền lớn của hợp đồng mà Nga thanh toán trước cho Pháp, Paris còn phải trả khoản tiền phạt khổng lồ lên tới hơn 10 tỉ euro (13 tỉ USD) vì không tuân thủ hợp đồng với Nga. Đây được xem là một thảm họa đối với cả nền kinh tế Pháp lẫn uy tín của ngành công nghiệp vũ khí Pháp. Ngoài ra, hành động đó còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến 600 lao động đang trực tiếp tham gia vào dự án đóng tàu lớp Mistral. Còn nếu Pháp giao tàu chiến cho Nga, nước này sẽ khiến các đồng minh phương Tây nổi giận.
 
Được biết, chiếc đầu tiên Vladivostok đã được hạ thủy hồi tháng 10/2013 và đáng lẽ đã bàn giao cho Nga vào tháng 11/2014. Tuy nhiên, đến nay, tàu Vladivostok vẫn được lưu tại xưởng St. Nazaire trong khi tàu Sevastopol dự kiến được hoàn tất vào cuối năm nay.
 
Cùng số phận với chiếc tàu đầu tiên, tàu chiến Sebastopol lẽ ra cũng được bàn giao cho Nga vào mùa thu năm 2015 sau khi trải qua một loạt các cuộc thử nghiệm trên biển nhưng đến nay vẫn bị Pháp giữ lại do các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine.


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc