Mỹ tung "đòn hiểm" vào Trung Quốc ở Biển Đông

15:47, 13/05/2015
|

(VnMedia) - Căng thẳng ở Biển Đông đang nóng lên từng ngày. Theo một quan chức Mỹ vừa mới đây tiết lộ, Lầu Năm Góc đang lên kế hoạch tiến hành hoạt động tuần tra quân sự ở xung quanh các dự án bồi đắp, xây dựng và cải tạo trái phép của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh hoạ


Trung Quốc đang đẩy mạnh hoạt động xây dựng trái phép các đảo nhân tạo trên các bãi đá, bãi san hô ngầm ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong nhiều tháng nay. Cùng với đó, Trung Quốc xây dựng hàng loạt công trình bao gồm các đường băng và những cơ sở quân sự tiềm năng, gây ra sự quan ngại rất lớn đối với các nước trong khu vực và cả cộng đồng thế giới. Các nước lo ngại rằng Bắc Kinh có thể đang tìm cách kiểm soát tuyến đường biển chiến lược có tính sống còn ở Biển Đông.
 
Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ thậm chí còn cáo buộc Trung Quốc đang xây “Vạn lý trường thành cát” ở Biển Đông.
 
Trung Quốc ngang nhiên cho rằng, họ có “toàn quyền để xây dựng trên lãnh thổ của mình” và rằng “các hòn đảo đó cuối cùng sẽ cung cấp nơi trú ẩn tránh thảm hoạ, địa điểm cho nghiên cứu khoa học và an toàn hàng hải". Trên thực tế, khu vực quần đảo mà Trung Quốc nhận là của họ hoàn toàn là thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.
 
Những lời đảm bảo của Trung Quốc chẳng trấn an nổi nỗi quan ngại của các nước láng giềng cũng như cộng đồng quốc tế. Theo một quan chức giấu tên của Lầu Năm Góc cho tờ Thời báo Phố Wall biết, Mỹ có thể sẽ sớm đưa máy bay quân sự và tàu hải quân đến để thực thi “quyền tự do hàng hải” xung quanh những quần đảo tranh chấp.
 
"Chúng tôi đang cân nhắc xem làm thế nào để thể hiện sự tự do hàng hải trong một khu vực có vai trò sống còn đối với thương mại thế giới. Mỹ và các đồng minh có một quan điểm rất khác so với Trung Quốc trong vấn đề thực hiện các quy định trên tuyến đường hàng hải ở Biển Đông”.
 
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã trực tiếp đề xuất việc đưa tàu và máy bay quân sự đến tuần tra ở những khu vực tranh chấp thuộc Biển Đông. Cụ thể, Mỹ đang cân nhắc các lựa chọn đưa phương tiện quân sự vào khu vực cách các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang xây dựng ở Biển Đông khoảng 12 hải lý.
 
Washington đang tiến hành các bước đi nhằm củng cố sự hiện diện ở Biển Đông. Đô đốc Harry Harris Jr. thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ hồi tháng 3 thông báo, Hải quân Mỹ sẽ chuyển 60% hạm đội của họ đến Thái Bình Dương vào năm 2020, và sẽ mở rộng sự hợp tác với Ấn Độ.
 
Hải quân Mỹ cũng thừa nhận đã triển khai máy bay do thám tối tân nhất - P-8A Poseidon đến khu vực ngoài khơi Philippines ở Biển Đông. Vừa có khả năng chống tàu ngầm lẫn chống tàu nổi, máy bay P-8A Poseidon đang giám sát hàng ngày nhất cử nhất động ở khu vực Biển Đông.
 
Hồi tháng 3 vừa rồi, Thượng viện Mỹ cũng đề xuất nước này thông qua một chiến lược chính thức để đối phó với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Bắc Kinh ở Biển Đông. Việc Lầu Năm Góc tính chuyện đưa máy bay và tàu quân sự đến tuần tra sát khu vực Trung Quốc đang tiến hành bồi đắp, xây dựng và cải tạo ở Biển Đông có thể là một câu trả lời cho đề xuất của Thượng viện Mỹ.
 
Cùng với Mỹ, Nhật Bản cũng bắt đầu can thiệp vào Biển Đông mặc dù cũng giống như Mỹ, Nhật Bản không có tranh chấp ở Biển Đông. Tuy nhiên, cả Mỹ và Nhật Bản cũng giống như nhiều nước khác có lợi ích quan trọng trong việc duy trì sự tự do hàng hải ở Biển Đông chiến lược. Hải quân Nhật Bản mới đây đã tiến hành tập trận quân sự chung với Philippines. Ngoài ra, Tokyo gần đây cũng ám chỉ, nước này có thể phối hợp với đồng minh Mỹ để tiến hành các cuộc tuần tra trên không ở Biển Đông.
 
Tất cả những bước đi trên của Mỹ và Nhật Bản chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc mất ăn mất ngủ, đứng ngồi không yên vì lo ngại.
 
Đã không ít lần, Bắc Kinh lên tiếng đòi Mỹ tránh xa Biển Đông, nói rằng các cuộc tranh chấp trong khu vực chỉ do các nước có liên quan trực tiếp giải quyết.

Biển Đông đang là nơi chứng kiến những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải gay gắt giữa Trung Quốc với 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia, và Vùng lãnh thổ Đài Loan.
 
Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới bởi nó chứa các tuyến đường hàng hải sống còn. Đồng thời Biển Đông còn được cho là chứa đựng một trữ lượng tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, đặc biệt là dầu mỏ. Chính vì thế, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông. Trong những năm gần đây, Trung Quốc có nhiều hành động quyết liệt và hung hăng nhằm thực hiện giành quyền kiểm soát gần như toàn bộ Biển Đông. Đặc biệt, gần đây, Trung Quốc đang đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng trên 6 bãi san hô mà nước này chiếm đóng trái phép trên quần đảo Trường Sa vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.
 
Hoạt động bồi đắp làm thay đổi thế nguyên trạng ở Biển Đông của Trung Quốc hiện nay đang gây ra sự lo ngại, bất bình rất lớn trong khu vực nói riêng và cộng đồng thế giới nói chung. Hàng loạt các nước đã lên tiếng trong đó có Mỹ, Nhật Bản, Philippines, Việt Nam, nhóm G-7, ASEAN...


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc