(VnMedia) - Nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm qua (10/5) đã đến thủ đô Moscow để đặt vòng hoa tại Đài Tưởng niệm các Liệt sĩ Vô danh nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Vệ Quốc vĩ đại của Nga và có cuộc gặp với Tổng thống Vladimir Putin.
Nữ Thủ tướng Merkel tại Đài tưởng niệm các Liệt sĩ Vô danh ở Nga |
Báo chí phương Tây cho rằng chuyến thăm của bà Merkel đến thủ đô Moscow nhằm kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng phát xít Đức là một dấu hiệu của sự hoà giải giữa hai nước sau những căng thẳng gây ra từ cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Ví dụ như theo tờ N-tv.de, bất chấp tất cả những bất đồng chính trị đang tồn tại hiện nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin và nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn có quan hệ gắn bó với nhau theo một cách nào đó và rằng Thủ tướng Đức không muốn phá vỡ những mối quan hệ tiếp xúc với người đồng cấp Nga.
Nguồn tin từ tờ N-tv.de cũng nhấn mạnh, một trong những lý do giải thích tại sao Thủ tướng Đức Merkel quyết định đến Moscow dù đa số các nhà lãnh đạo phương Tây khác khước từ lời mời là do “gánh nặng lịch sử của Đức." Trước chuyến công du đến Nga, bà Merkel đã nói, việc bà đến tưởng niệm, tôn vinh hàng triệu người đã hy sinh trong cuộc chiến chống phát xít là vô cùng quan trọng.
Theo tờ Thời báo Phố Wall, chuyến thăm của bà Merkel đã phá vỡ một kiểu “cấm kỵ” đang lan rộng khắp giới lãnh đạo phương Tây - đó là tránh đến Nga kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bắt đầu bùng phát.
Tờ báo Tagesschau của Đức cũng tin rằng, chuyến thăm của bà Merkel đến Nga là một “cử chỉ của sự hoà giải".
"Đây là một chuyến thăm tuy ngắn nhưng rất quan trọng của Thủ tướng Merkel”. Nó là một tín hiệu quan trọng, tờ báo của Đức nhận xét đồng thời nhấn mạnh chuyến đi đó cũng như phản ứng của Nga chứng tỏ bà Merkel vẫn là “một trong những nhà đối thoại then chốt” của Nga ở phương Tây.
Hành động làm lành của Đức rõ ràng sẽ khiến các đồng minh phương Tây không khỏi lo lắng, tức giận. Đức vốn được xem là cường quốc có sức ảnh hưởng hàng đầu trong Liên minh Châu Âu (EU). Sự thay đổi lập trường của Đức với Nga khiến phương Tây lo ngại mặt trận thống nhất mà họ lập nên để chống Nga sẽ bị tan vỡ.
Tuy nhiên, việc người Đức muốn hoà dịu, nhượng bộ với Nga là điều dễ hiểu bởi giữa hai nước này có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ không chỉ về mặt lịch sử, địa lý mà cả về lợi ích kinh tế. Đức và Nga lâu nay vẫn là những người bạn thân thiết nhất, tốt nhất của nhau ở Châu Âu.
Thủ tướng Đức kêu gọi Nga hợp tác
Sau khi tưởng niệm những người lính Xô-viết hy sinh trong cuộc Chiến tranh Thế giới thứ II, Thủ tướng Đức Merkel đã lên tiếng kêu gọi sự hợp tác của Nga trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Trong cuộc gặp với Tổng thống Putin, bà Merkel nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự hợp tác. "Rất cần thiết để chúng ta cùng làm việc, hợp tác với nhau trong mọi việc, trong đó có những tình huống phức tạp như hiện nay và nỗ lực tìm kiếm một giải pháp ngoại giao”, bà Merkel phát biểu ngay đầu cuộc gặp với ông Putin.
Tổng thống Putin cho rằng, chính phủ của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko có nghĩa vụ và trách nhiệm thực thi các thoả thuận Minsk để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.
“Thành công của sáng kiến hoà bình phụ thuộc vào những người đang nắm quyền ở Ukraine. Ý tôi là phụ thuộc chủ yếu vào chính phủ ở Kiev. Về phần mình, Nga sẽ cố gắng sử dụng ảnh hưởng của mình với giới lãnh đạo ở Donetsk và Luhansk”, Tổng thống Nga đã nói như vậy.
“Chúng tôi tin rằng, Kiev cần phải dỡ bỏ sự phong toả về kinh tế đối với khu vực Donbass, khôi phục lại các dịch vụ ngân hàng và tiến hành cải cách hiến pháp với sự tham gia của những đại diện đến từ khu vực đông nam của đất nước”, ông Putin cho biết đồng thời nhấn mạnh tất cả những điều kiện trên đều đã được đưa vào lộ trình thực hiện thoả thuận Minsk đã được ký kết giữa 4 nước thuộc Bộ Tứ Normandy gồm Ukraine, Nga, Pháp và Đức.
Tổng thống Putin thừa nhận, có “những vấn đề trong việc tuân thủ thoả thuận Minsk từ cả hai phía”, nhưng ông nhấn mạnh tình trạng bạo lực có hệ thống đã giảm rõ rệt trong 3 tháng qua và rằng không có sự lựa chọn nào khác ngoài kế hoạch hoà bình đã được thông qua.
Hồi tháng trước, Liên Hợp Quốc ước tính, tổng số người thiệt mạng trong cuộc xung đột bùng phát từ cách đây hơn một năm đã vượt qua con số 6.100 người. Sau một thời gian lắng dịu, bạo lực giữa quân đội Kiev và lực lượng ly khai đang tăng trở lại và hai bên ra sức đổ lỗi cho nhau.
Về phần mình, nữ Thủ tướng Đức Merkel tin rằng Tổng thống Nga Putin đã “sử dụng đủ sức ép của mình đối với lực lượng ly khai để ít nhất bảo đảm lệnh ngừng bắn được thực thi” đồng thời kêu gọi “khôi phục lại sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”, đề cập không chỉ đến miền đông Ukraine mà cả Crimea - bán đảo đã trở thành một phần của nước Nga sau vụ sáp nhâp hồi tháng 3 năm ngoái.
Ông Putin tiếp tục chỉ trích phương pháp tiếp cận “tiêu chuẩn kép” của giới lãnh đạo phương Tây trong các vấn đề quốc tế. Ông này dẫn đến ví dụ gần đây về việc phương Tây can thiệp vào Yemen để giúp ông Abd-Rabbu Mansour Hadi khôi phục quyền lực sau khi ông này bị lực lượng nổi dậy người Shiite lật đổ hồi đầu năm.
Cảm ơn nữ Thủ tướng Merkel - nhà lãnh đạo duy nhất của một cường quốc phương Tây đến thăm Nga để kỷ niệm Ngày Chiến thắng, Tổng thống Putin thừa nhận rằng, vẫn còn “nhiều khó khăn” giữa hai nước trong việc vượt qua “những lập trường mâu thuẫn nhau về các sự kiện xảy ra ở Ukraine”, gây ra cuộc đối đầu, nhưng ông Putin bày tỏ hy vọng tình hình sẽ tiến triển trong tương lai gần.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc