Mỹ bị “ghẻ lạnh” ngay trong “sân nhà”

15:39, 02/04/2015
|

(VnMedia) - Lãnh đạo đến từ Mỹ, Canada và các nước Châu Mỹ Latin khác sẽ có cuộc họp vào ngày 10-11/4 tới tại Hội nghị Thượng đỉnh Châu Mỹ lần thứ 7 ở thành phố Panama để bàn về một loạt vấn đề có ảnh hưởng đến Bán Cầu Phía Tây, trong đó có mối quan hệ giữa Cuba với Mỹ khi hai nước này đang nối lại quan hệ sau hơn nửa thế kỷ thù địch.

Ảnh minh họa

Ảnh minh hoạ


Tuy nhiên, điều gây chú ý hơn là và có thể sẽ là vấn đề nóng hàng đầu của hội nghị sắp tới là việc nhiều nước muốn Mỹ đóng tất cả các căn cứ quân sự ở khu vực Châu Mỹ Latin. Phải chăng Mỹ đang bị “ghẻ lạnh” ngay chính ở khu vực vốn được coi là “sân sau”, “sân nhà” của mình.
 
Giới quan sát chính trị cho rằng hội nghị thượng đỉnh Châu Mỹ sắp tới có ý nghĩa “lịch sử” bởi sự có mặt của Cuba và điều đó có thể đồng nghĩa với những cuộc hội đàm trực tiếp giữa hai cựu kẻ thù Mỹ-Cuba. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1962 Cuba tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Châu Mỹ. Thậm chí còn đang có thông tin đồn đoán rộ lên về việc Tổng thống Obama sẽ bắt tay với Nhà lãnh đạo Cuba Raúl Castro (ông Fidel Castro được cho là sẽ không tham gia hội nghị) bởi Mỹ đang thúc đẩy nỗ lực bình thường hoá quan hệ với Cuba. Đây sẽ là điểm sáng trong hội nghị thượng đỉnh Châu Mỹ dự kiến có sự tham dự của 31 nhà lãnh đạo, trong đó có nguyên thủ của các nước như Mỹ, Mexico, Argentina, Cuba và Venezuela.
 
Tuy nhiên, trong hội nghị sắp tới, người ta tin rằng sẽ có cuộc đối đầu giữa Mỹ với phần còn lại của Châu Mỹ Latin. Mỹ hiện tại đang ở thế khá “cô đơn” ở ngay giữa “sân nhà” của mình. Điều này được thể hiện qua việc nhiều nước Châu Mỹ Latin muốn Mỹ đóng toàn bộ căn cứ quân sự của siêu cường này trong khu vực và nhiều nước phản đối chính sách của Mỹ đối với Venezuela.
 
Mỹ “cô đơn” giữa “sân nhà”
 
Một số nước thành viên của Châu Mỹ Latin cho biết, họ muốn đưa vấn đề liên quan đến căn cứ quân sự của Mỹ ở khu vực ra bàn bạc tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới. Các nước này cho rằng Mỹ nên đóng cửa toàn bộ các căn cứ quân sự của họ ở Châu Mỹ Latin. "Đó là một điều đã thuộc về thời Chiến tranh Lạnh”, cựu Tổng thống Colombia - ông Ernesto Samper phát biểu.
 
"Đây là thời nền kinh tế toàn cầu đang phát triển và chúng ta cần phải gạt bỏ sang một bên tất cả tàn dư của quá khứ, đặc biệt là của thời chính trị đơn phương. Các căn cứ đó không có có ích gì nữa và nên được phá bỏ”, ông Samper nói thêm.
 
Đây không phải là lần đầu tiên giới lãnh đạo Châu Mỹ Latin lên tiếng yêu cầu siêu cường Mỹ đóng cửa toàn bộ các căn cứ quân sự của nước này trong khu vực, và cũng giống như mọi lần trước, người ta tin rằng việc này sẽ chẳng đi đến đâu.
 
Mỹ có nhiều căn cứ quân sự nằm rải rác khắp khu vực Châu Mỹ Latin, trong đó có cả ở Cuba (Vịnh Guantánamo), Brazil, Puerto Rico, và Honduras.
 
Ông Samper cùng với giới lãnh đạo Châu Mỹ Latin còn chỉ trích Mỹ về những phát biểu gần đây liên quan đến Venezuela, trong đó chính quyền của Tổng thống Barack Obama tuyên bố Venezuela là “một mối đe doạ an ninh”.
 
"Không nước nào có quyền phán xét một nước khác và đơn phương áp đặt các biện pháp trừng phạt lên các nước khác", ông Samper cho hay.
 
Mỹ đã châm ngòi cho một “cuộc chiến” mới với Venezuela khi hôm 9/3 tuyên bố Venezuela là một mối đe doạ an ninh quốc gia đồng thời tung ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào hàng loạt quan chức cấp cao của Venezuela . Caracas ngay lập tức phản ứng, lên tiếng đe doạ sẽ đáp trả lại Mỹ. Việc tuyên bố bất kỳ nước nào là một mối đe doạ đối với an ninh quốc gia Mỹ luôn là bước đầu tiên để siêu cường số 1 thế giới tiến hành khởi động một chương trình trừng phạt. Tiến trình tương tự từng được áp dụng với những nước như Iran và Syria.
 
Động thái của Mỹ gây ra một làn sóng phản đối gay gắt của các nước Châu Mỹ Latin. Các nước này đã thể hiện tinh thần đoàn kết với Venezuela trong cuộc đối đầu với Mỹ
 
Các nhà lãnh đạo Châu Mỹ Latin phần lớn đều thể hiện sự ủng hộ đối với Venezuela, nói rằng Mỹ đã bước qua phạm vi ranh giới của mình và can thiệp vào các vấn đề khu vực mà Mỹ chẳng có liên quan gì.
 
"Đây là một cuộc tấn công không thể chấp nhận được vào chủ quyền của Venezuela ", giới chức Ecuador tuyên bố. Trong khi đó, nữ Tổng thống Argentine Cristina Fernández de Kirchner cho rằng, thật là nực cười khi nghĩ rằng Venezuela có thể gây ra một mối đe dọa cho một siêu cường như vậy. "Tuyệt đối không thể nghĩ rằng Venezuela là một vấn đề. Đó là một điều phi lý và lố bịch”, bà Cristina Fernández de Kirchner cho hay. Về phần mình, Cuba miêu tả hành động của thủ đô Washington là “hành động hung hăng, tùy tiện” trong khi chính phủ Bolivia chỉ trích sắc lệnh của Tổng thống Obama phản ánh “chủ nghĩa can thiệp”, khiến người ta nhớ đến một chế độ độc tài.
 
Trong bối cảnh này, Mỹ còn bị thêm một “cú giáng” từ đối thủ chính là Nga khi Moscow đang có chiến dịch ve vãn các nước Châu Mỹ Latin và có vẻ như họ đã thành công. Hồi cuối tháng 3, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã có chuyến công du đến 4 nước Châu Mỹ Latin và chuyến đi này đã đem lại nhiều kết quả giúp củng cố vị thế của Nga ngay tại “sân sau” của Mỹ. Bước đi này được tiến hành nhằm mục đích chống lại các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và phương Tây đang áp đặt lên Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. 


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc