(VnMedia) - Người đứng đầu nước cộng hoà Crimea – ông Sergey Aksyonov mới đây đã tuyên bố công khai rằng, Crimea sẽ ủng hộ việc triển khai vũ khí hạt nhân trên bán đảo của họ một khi quyết định đó là do chính quyền ở Moscow đưa ra.
Ảnh minh hoạ |
“Nếu một lệnh như thế được đưa ra từ vị Tổng Tư lệnh quân đội của chúng tôi (Tổng thống Vladimir Putin), thì chúng tôi sẵn sàng ủng hộ”, ông Aksyonov cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Sputnik hồi cuối tuần vừa rồi.
Ông Aksyonov nói thêm rằng, về mặt cá nhân, ông tin tưởng chắc chắn rằng vũ khí hạt nhân sẽ an toàn tuyệt đối cho môi trường của bán đảo Crimea bởi công nghệ của Nga trong lĩnh vực này là tối tân nhất thế giới.
Trong cuộc tập trận mới nhất của Lực lượng Vũ trang Nga gần đây, Bộ Quốc phòng Nga đã hé lộ việc họ triển khai 10 máy bay ném bom chiến lược Tupolev 22M3 đến bán đảo Crimea nhưng không nói rõ những chiếc máy bay này có được trang bị những quả bom hay tên lửa mang đầu đạn hạt nhân hay không.
Việc người đứng đầu Crimea tuyên bố sẵn sàng đón nhận vũ khí hạt nhân đến triển khai trên bán đảo này nếu có lệnh của Tổng thống Putin được đưa ra trong bối cảnh nhiều quan chức cấp cao của Nga từng ám chỉ về một kế hoạch như vậy.
Hồi đầu tháng này, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Nga lên tiếng tuyên bố Nga có quyền triển khai vũ khí hạt nhân đến bán đảo Crimea.
Ông Mikhail Ulyanov – người đứng đầu Vụ Kiểm soát Vũ khí và Không phổ biến Hạt nhân của Bộ Ngoại giao Nga, hôm 11/3 đã lên tiếng khẳng định Nga có quyền triển khai vũ khí hạt nhân trên bán đảo Crimea. "Rõ ràng, Nga có quyền triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình, ở bất kỳ khu vực nào của Nga nếu Nga thấy điều đó là cần thiết”, ông Ulyanov đã phát biểu chắc nịch như vậy tại một cuộc họp báo ở thủ đô Moscow.
Trước đó, hồi tháng 12 năm ngoái, khi phát biểu với hãng tin Interfax của Nga, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng từng nhấn mạnh rằng Moscow có quyền triển khai vũ khí hạt nhân trên bán đảo Crimea.
Theo lời ông Lavrov, trước đây Crimea là một phần của đất nước Ukraine phi hạt nhân nhưng bây giờ điều đó không còn tồn tại. Bán đảo Crimea không còn là một khu vực phi hạt nhân theo luật quốc tế. "Crimea đã trở thành một phần của một đất nước sở hữu vũ khí hạt nhân – đó là Nga. Vì thế, theo luật quốc tế, Nga có quyền triển khai vũ khí hạt nhân ở đây để phục vụ cho lợi ích cũng như các nghĩa vụ pháp lý quốc tế của mình”, nhà ngoại giao hàng đầu của Nga tuyên bố.
Bộ Quốc phòng Nga bàn về an ninh cho bán đảo
Trong một diễn biến khác có liên quan, Bộ Quốc phòng Nga hôm nay sẽ tổ chức một cuộc họp dành riêng cho việc thảo luận, bàn bạc về vấn đề an ninh ở nước cộng hoà Crimea, cơ quan báo chí Bộ Quốc phòng Nga cho hãng tin RIA Novosti biết.
"Theo chương trình nghị sự, các vấn đề liên quan đến việc thực thi những biện pháp nhằm bảo đảm an ninh của Liên ban Nga trên lãnh thổ Crimea và kế hoạch hành động của Lực lượng Phòng Không ở bán đảo này cho đến năm 2020 sẽ được thảo luận”, tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga cho hay.
Nội dung cuộc họp cũng bao gồm cả vấn đề cải thiện công nghệ thông tin và viễn thông từ nay cho đến năm 2025 cho Lực lượng Vũ trang Nga.
Crimea và Sevastopol đã chính thức trở thành một phần của nước Nga sau khi Tổng thống Putin ký sắc lệnh hoàn tất tiến trình sáp nhập hôm 21/3. Việc Crimea sáp nhập vào Nga xuất phát từ nguyên nhân là một cuộc đảo chính vũ trang ở Kiev, trong đó Tổng thống Viktor Yanukovich bị lật đổ. Crimea – một bán đảo tự trị thuộc Ukraine, đã từ chối không thừa nhận tính hợp pháp của chính phủ lâm thời mới ở Kiev . Chính vì thế, Crimea đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để quyết định tương lai của họ với Ukraine và Nga. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý cho thấy, hơn 96% người dân trên bán đảo Crimea lựa chọn ly khai khỏi Ukraine và sáp nhập trở lại Nga – nơi họ vẫn luôn coi là “mái nhà” của mình.
Sự kiện Nga sáp nhập bán đảo nhận được sự ủng hộ rộng khắp của người dân xứ sở Bạch Dương nhưng lại bị Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) ra sức phản đối. Vụ sáp nhập nhanh gọn bán đảo Crimea được xem là một chiến thắng của Tổng thống Putin và là một thất bại của phương Tây. Trong suốt thời gian qua, phương Tây được cho là đang phải tìm cách quên đi “nỗi đau” đó.
Về phía chính quyền Kiev, giới chức nước này luôn miệng khẳng định sẽ tìm mọi cách để lấy lại bán đảo Crimea. Tổng thống Petro Poroshenko từng tuyên bố sẽ xây dựng quân đội Ukraine thành một lực lượng quân sự mạnh nhất Châu Âu để quay trở lại giành bán đảo Crimea.
Đáp lại, Nga liên tục tăng cường sức mạnh phòng thủ trên bán đảo Crimea bằng việc triển khai hàng loạt vũ khí tối tân, thiện chiến của mình như hệ thống tên lửa đất đối không S-300PMU, tên lửa khủng Iskander, chiến đấu cơ Su-27.... và trong tương lai có thể có cả vũ khí hạt nhân.
Ý kiến bạn đọc