Nữ Thủ tướng Ba Lan muốn được Mỹ "bảo vệ"

06:48, 03/10/2014
|

(VnMedia) - Thủ tướng mới của Ba Lan - bà Ewa Kopacz hôm 1/10 cho biết, bà muốn quân đội Mỹ hiện diện nhiều hơn ở Ba Lan trước tình hình cuộc xung đột ở quốc gia láng giềng Ukraine đang gây lo ngại về an ninh cho Ba Lan. Và để trấn an cũng như khẳng định cam kết sẽ bảo vệ đồng minh của mình, Mỹ đã cho triển khai xe tăng và binh lính tới Ba Lan.
 
Bà Ewa Kopacz (57 tuổi) là Thủ tướng thứ 14 của Ba Lan và là người phụ nữ thứ hai trong lịch sử quốc gia Đông Âu trở thành người đứng đầu chính phủ. Bà Ewa Kopacz chính thức tuyên thệ nhậm chức vào ngày hôm qua (1/10).
 
Bà tiếp quản vị trí Thủ tướng Ba Lan từ ông Donald Tusk, vị thủ tướng dân chủ cầm quyền lâu nhất ở Ba Lan. Ông này đã từ nhiệm chức Thủ tướng Ba Lan để lên nắm giữ một vị trí chủ chốt trong Liên minh Châu Âu.

Ảnh minh họa
Xe tăng chiến đấu chủ lực M1A1 Abrams

Tại buổi lễ tuyên thệ nhậm chức, bà Ewa Kopacz hứa sẽ có hướng đi “thực tiễn” với vấn đề Ukraine, đặt an ninh Ba Lan lên hàng đầu, nhưng cũng cho hay sẽ không chấp nhận có sự "thay đổi biên giới ở Châu Âu bằng vũ lực, như từng thấy ở Crimea".
 
Ba Lan từ lâu nay vẫn ủng hộ các cải cách của Ukraine và là một trong những quốc gia ở Châu Âu lên án Nga mạnh mẽ nhất dưới thời của ông Donald Tusk. Tuy nhiên, các phát biểu mới nhất của bà Kopacz cho thấy chính phủ của bà có thể sẽ không mạnh mẽ chỉ trích Nga như chính phủ tiền nhiệm.
 
Bài phát biểu của bà có đoạn: “Chúng ta ủng hộ đường hướng thân Tây phương ở Ukraine, nhưng chúng ta không thể bước vào thay thế người dân Ukraine, vốn có nhiệm vụ thay đổi chính quốc gia của họ”.
 
Bà Kopacz nhấn mạnh, trước cuộc xung đột ở Ukraine, chính quyền của bà “sẽ làm mọi nỗ lực” để có thêm sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Ba Lan. Bà cũng khẳng định rằng, chính phủ của bà sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách của người tiền nhiệm trong việc thúc đẩy vị thế của Ba Lan ở EU và cũng nỗ lực xây dựng một chính sách chung mạnh mẽ. 
 
Nữ Thủ tướng Ba Lan cũng tuyên bố sẽ kêu gọi EU có chính sách năng lượng chung để bảo vệ các quốc gia trong khối và đảm bảo khả năng đối phó với áp lực cung cấp khí đốt của Nga. Ba Lan và các quốc gia Ðông Âu khác phải trông cậy nhiều vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga và lo sợ rằng Moscow sẽ cắt nguồn này vào mùa Ðông để tạo áp lực như đã làm trước đây.
 
Chính phủ của bà Kopacz sẽ cầm quyền cho tới khi cuộc bầu cử quốc gia được tiến hành vào mùa thu tới.

Mỹ rầm rộ triển khai xe tăng và binh lính tới "sát nách" Nga
 
Trong một diễn biến liên quan, Mỹ tuyên bố sẽ triển khai binh lính và xe tăng tới 3 quốc gia Baltic và Ba Lan trong 2 tuần tới trong một sứ mệnh nhằm ứng phó với Moscow.
 
Theo hãng tin Reuters, đơn vị xe bọc thép mang tên “Ngựa sắt” với 700 binh lính và khoảng 20 xe tăng chiến đấu chủ lực M1A1 Abrams cùng với xe bọc thép tấn công Bradley và Stryker sẽ là một trong những lực lượng “đáng gờm” nhất của quân đội Mỹ được triển khai tới Baltic.
 
Mục tiêu của đợt triển khai lần này là nhằm gửi tới Moscow một thông điệp sắc lạnh của NATO rằng, bất cứ sự can thiệp nào của Nga ở ba quốc gia Baltic gồm Lithuania, Latvia và Estonia cũng như Ba Lan sẽ khiến Nga rơi vào một cuộc chiến với khối liên minh quân sự này.
 
Theo các chuyên gia phân tích, vì 3 quốc gia Lithuania, Latvia và Estonia đều là các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, bởi vậy Moscow chắc chắn muốn tái khẳng định tầm ảnh hưởng của họ ở đó, đặc biệt là các khu vực thiếu số nói tiếng Nga. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, Nga có thể sẽ phải trả giá đắt vì "tham vọng" này của mình.
 
Còn Ba Lan, quốc gia trước đây từng nằm dưới quyền kiểm soát của Liên Xô trong cuộc Chiến tranh Lạnh và giờ là thành viên của cả NATO và EU, gần đây đang tỏ ra ngày càng "đứng ngồi không yên" hơn trước những động thái của Nga và thường xuyên kêu gọi sự hỗ trợ của lực lượng Mỹ.
 
Đại úy John Farmer, một quan chức thuộc đơn vị “Ngựa sắt” khẳng định: “Mục đích của động thái này là nhằm chứng minh một cách trực quan những cam kết của chúng tôi với đồng minh của mình. Sẽ không có vũ khí nào hữu hiệu hơn xe tăng trong mục đích này”.
 
Bên cạnh đó, lực lượng Mỹ cũng sẽ tổ chức các cuộc tập trận luân phiên tại Ba Lan và Baltic, một phần trong Chiến dịch Quyết tâm Thái Bình Dương của NATO nhằm “đảm bảo an ninh của các đồng minh châu Âu trước việc Nga gây hấn ở Ukraine”.
 
Cùng với đó, quân đội Mỹ cũng sẽ giúp Ba Lan đào tạo cho binh sĩ cho nước này. Trong thời gian qua, Ba Lan là một trong những quốc gia chỉ trích Nga dữ dội nhất vì cuộc khủng hoảng ở miền đông Ukraine. Ngoài ra, một lực lượng phản ứng nhanh cũng sẽ được thành lập, đóng tại Ba Lan và sẵn sàng triển khai tới bất cứ đâu ở châu Âu trong 48 giờ.
 
Quân đội Mỹ cho biết, đây là lần đầu tiên Mỹ triển khai xe bọc thép tới châu Âu kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh hồi đầu thập niên 1990.  Lực lượng này sẽ thay thế các lính dù Mỹ có vũ trang nhẹ hơn, được điều động tới Baltic sau khi Nga giành Crimea.


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc