Mỹ hứng đau đớn đầu tiên trong cuộc chiến chống IS

10:17, 04/10/2014
|

(VnMedia) - Quân đội Mỹ đã hoãn cuộc tìm kiếm đối với một lính thủy đánh bộ Mỹ - người được cho là đã thiệt mạng. Đây được xem là thương vong đầu tiên trong lực lượng Mỹ kể từ khi họ phát động chiến dịch oanh kích Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
 

Ảnh minh họa

 Mỹ đã hứng chịu tổn thất đầu tiên trong chiến dịch oanh kích IS.


Lính thủy mất tích là Hạ sĩ Jordan Spears, 21 tuổi, đến từ Memphis, Indiana. Binh sĩ này đã có mặt trên chiếc máy bay MV-22 Osprey tham gia vào chiến dịch hỗ trợ cho nhiệm vụ oanh tạc các mục tiêu của nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng – IS (trước đây còn gọi là ISIS) hôm 1/10. Chiếc máy bay đã mất kiểm soát khi cất cánh từ đảo USS Makin và gần như bị rơi. Spears cùng một thành viên phi hành đoàn đã nhảy ra ngoài trước khi viên phi công kiểm soát được máy bay và cho nó hạ cánh an toàn trên tàu tấn công đổ bộ lớp Wasp.
 
"Có 4 người đi trên máy bay khi nó cất cánh, trong đó có 2 phi công và 2 thành viên của quân đội Mỹ. Người lính thủy đánh bộ mất tích là một trong hai thành viên phi hành đoàn thoát ra khỏi máy bay khi nó gần như chuẩn bị lao xuống biển”, Hải quân cho biết trong một tuyên bố.
 
Hải quân Mỹ phối hợp với Lực lượng Thủy quân Lục chiến và Lực lượng Bảo vệ Bờ biển đã tiến hành một chiến dịch tìm kiếm tích cực và rộng khắp ngay sau đó, tìm được một trong những thành viên phi hành đoàn. Tiến trình này đã sử dụng “mọi phương tiện có thể và đã diễn ra suốt đêm đến ngày hôm sau”, tuyên bố của Hải quân Mỹ cho hay.
 
Tuy nhiên, chiến dịch tìm kiếm đã kết thúc vào 3h chiều ngày hôm qua (3/10) theo giờ GMT (tức là 10h tối qua theo giờ Việt Nam) “sau những nỗ lực để xác định vị trí của lính thủy mất tích không thành công. Viên lính thủy đánh bộ này được cho là đã mất tích trên biển”, quân đội Mỹ cho biết.
 
Tên của Spears không được công bố trong 24 giờ cho đến khi các thành viên trong gia đình của Spears biết về thông tin đau buồn này. Đây là quy định của Bộ Quốc phòng Mỹ.
 
Vị lính thủy đánh bộ thứ hai đã hồi phục nhanh chóng sau khi được cứu ở biển. Anh này đang ở trong tình trạng sức khỏe ổn định và Hải quân Mỹ đang điều tra nguyên nhân của sự cố nói trên.
 
Máy bay MV-22 Osprey vốn “nổi danh” là không đáng tin cậy và khó để bay. Loại máy bay này có “một lịch sử phát triển rất rắc rối, trong đó có nhiều vụ tai nạn chết người”, một bài viết trên Washington Post đã viết như vậy.
 
Bắn gục đấu cơ Iraq, IS khiến Mỹ dè chừng
 
Các chiến binh của nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) được trang bị máy phóng rocket hôm qua (3/10) đã bán hạ một chiếc trực thăng tấn công của quân đội Iraq, khiến 2 viên phi công thiệt mạng. Vụ việc này còn làm dấy lên quan ngại về năng lực của IS trong việc tấn công các máy bay trong bối cảnh Mỹ đang dẫn đầu một chiến dịch không kích nhằm vào các mục tiêu của IS ở Iraq và Syria.

Chiếc trực thăng Mi-35 của Iraq đã bị bắn rơi ở bên ngoài thành phố Beiji, cách thủ đô Baghdad về phía bắc khoảng 200km. Đây cũng là nơi có nhà máy lọc dầu lớn nhất của Iraq, giới chức địa phương cho biết. Bộ trưởng Quốc phòng Iraq – ông Mohammed al-Askari nói với đài truyền hình Iraqiyya rằng, vụ rơi máy bay đã giết hại 2 viên phi công và rằng giới chức Iraq đang tiến hành một cuộc điều tra.
 
Một quan chức thuộc Bộ Quốc phòng Iraq cho hay, lực lượng chiến binh IS đã bắn rơi chiếc trực thăng tấn công của họ ở giữa hai thành phố Beiji và al-Senniyah. Một quan chức của Không quân Iraq hiểu rõ về thông tin cho biết, cơ trưởng và phi công phụ của chiếc trực thăng đều đã thiệt mạng trong vụ tấn công.
 
Những kẻ ủng hộ cho nhóm IS trên mạng xã hội cũng đưa tin về vụ trực thăng tấn công của quân đội Iraq bị bắn hạ.
 
Iraq đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ khi Mỹ rút quân khỏi chiến trường này hồi năm 2011. Chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, nhóm IS đã thực hiện những cuộc tấn công mạnh mẽ, chiếm được một loạt lãnh thổ rộng lớn nằm ở phía bắc và tây đất nước, trong đó có thành phố lớn thứ hai của Iraq - Mosul. Nhóm IS đã tuyên bố thành lập nhà nước Hồi giáo ở các khu vực lãnh thổ mà chúng chiếm được ở giữa Iraq và Syria. Được biết, IS đang chiếm 1/3 lãnh thổ Iraq và 1/3 lãnh thổ Syria. Sau khi tuyên bố thành lập cái gọi là nhà nước Hồi giáo, IS đang áp dụng luật Shariah hà khắc lên những khu vực này.
 
Trong một diễn biến khác liên quan đến IS, nhóm khủng bố khét tiếng này lại vừa tung một đoạn clip kinh hoàng mới ghi lại cảnh chặt đầu Alan Henning - một người Anh và đe dọa chặt đầu một con tin người Mỹ khác. Trước khi kết thúc đoạn clip, chiến binh của IS đổ lỗi việc Tổng thống Barack Obama phát động trở lại chiến dịch quân sự ở Syria và Iraq là nguyên nhân dẫn đến cái chết của các con tin khác.
 
Alan Henning – người từng làm nghề tài xế lái xe taxi ở Manchester, 47 tuổi, đã bị nhóm IS bắt giữ hồi năm ngoái. Ông này đã đến Syria để tham gia vào một đoàn cứu trợ và lần cuối cùng người ta thấy ông là khi nhân viên cứu trợ người Anh David Haines bị chặt đầu trong đoạn clip trước đây.
 
Trước khi ông Henning bị IS chặt đầu, vợ ông – bà Barbara từng kêu gọi nhóm khủng bố hãy thả ông ra bởi ông này là “một người hòa bình và luôn nghĩ đến người khác”.
 
Henning là người phương Tây thứ năm bị nhóm IS chặt đầu. Trước đó đã có các nạn nhân là một nhân viên cứu trợ người Anh, hai phóng viên người Mỹ và một du khách người Pháp.
 
Tàn bạo vô giới hạn, IS còn đang đe dọa sẽ tiếp tục chặt đầu một con tin người Mỹ khác – Kassig, một cựu lính Mỹ 26 tuổi.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc