(VnMedia) - Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko hôm qua (3/10) lại có động thái chọc giận điện Kremlin khi gợi ý các trường học ở Ukraine dạy môn tiếng Anh thay vì dạy môn tiếng Nga để nâng cao mức sống của người dân.
Tổng thống Poroshenko |
"Tiếng Anh nên trở thành ngôn ngữ thứ hai cần được dạy ở các trường học”, ông Poroshenko phát biểu trong chuyến thăm đến thành phố Lviv – một cái nôi theo chủ nghĩa dân tộc và cũng là cái nôi ủng hộ mạnh mẽ cho Nhà lãnh đạo thân phương Tây. Lviv cũng là nơi có ít người gốc Nga, nói tiếng Nga sinh sống.
"Có sự liên quan giữa mức sống của người dân với khả năng thông thạo tiếng Anh. Càng nhiều người Ukraine nói tiếng Anh thì đất nước Ukraine sẽ ngày càng giàu có hơn”, ông Poroshenko đã nói như vậy.
Phát biểu trên của Nhà lãnh đạo Poroshenko thực sự nhạy cảm khi tiếng Nga từ lâu đã là ngôn ngữ thứ hai ở Ukraine. Nó cũng nhạy cảm khi đất nước Ukraine vốn bị chia rẽ giữa một cộng đồng nói tiếng Ukraine ở phía tây và một cộng đồng nói tiếng Nga ở phía đông. Mâu thuẫn này ngày một sâu sắc và đang được phơi bày rõ nét trong cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài nhiều tháng qua ở quốc gia Đông Âu này.
Cựu Tổng thống Viktor Yanukovych năm 2012 từng ký một dự luật trong đó bảo đảm rằng ngôn ngữ tiếng Nga có thể được nói tự do ở miền đông và là một trong những ngôn ngữ chính thức của Ukraine. Quyết định này đã khiến những chính khách theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan nổi giận.
Bất chấp những lời kêu gọi hủy bỏ dự luật trên sau khi phong trào nổi dậy thân phương Tây thiết lập được chính quyền mới ở Kiev hồi tháng 2, giới lãnh đạo mới vẫn quyết định bảo đảm các quyền của ngôn ngữ tiếng Nga ở miền đông. Đây là một quyết định đúng đắn bởi Ukraine là nơi có rất nhiều người gốc Nga, nói tiếng Nga sinh sống, đặc biệt là ở miền đông nam.
Sở dĩ người miền đông Ukraine quyết định nổi dậy, đòi độc lập với Kiev cũng một phần vì lý do họ bị phân biệt đối xử dưới thời chính quyền mới. Cụ thể, sau khi Tổng thống Yanukovych bị lật đổ, chính quyền mới ở Kiev đã nhăm nhe ý định cấm sử dụng tiếng Nga là ngôn ngữ chính thức ở Ukraine. Bước đi này đã gây ra làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng người nói tiếng Nga chiếm đông đảo ở Ukraine. Trên thực tế, nếu thực hiện quyết định trên, Kiev đã làm khó cho nhiều người gốc Nga bởi từ xưa đến nay họ chỉ nói và hiểu duy nhất một ngôn ngữ tiếng Nga.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc