(VnMedia) - Ba Lan đã yêu cầu Uỷ ban Châu Âu đệ đơn kiện Nga lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm, rau quả từ Mỹ và các nước Liên minh Châu Âu (EU). Lệnh cấm này đã gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Ba Lan, Bộ Kinh tế Ba Lan hôm qua (19/8) cho biết.
|
Uỷ ban Châu Âu đến nay vẫn thận trọng trong việc thực hiện các bước đi trong vấn đề liên quan đến lệnh cấm vận rau quả và thực phẩm của Nga bởi các luật sư ở Brussels khuyên rằng, nếu kiện Nga là WTO sẽ chỉ làm cho cuộc đối đầu với Nga thêm căng thẳng.
Moscow đã cấm nhập khẩu các sản phẩm nông sản, thực phẩm và rau quả từ các nước EU trong đó có Ba Lan. Tổng xuất khẩu rau quả của Ba Lan sang Nga hồi năm ngoái đạt tổng giá trị 1,5 tỉ USD.
Lệnh cấm của Nga được tung ra nhằm đáp trả các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Mỹ và các đồng minh Châu Âu đang áp dụng những biện pháp trừng phạt ngày một hà khắc lên Nga như một cách để gây áp lực buộc Moscow phải thay đổi lập trường trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Phương Tây cáo buộc Nga ủng hộ cho lực lượng ly khai miền đông Ukraine trong cuộc chiến chống lại chính quyền Kiev. Moscow cáo buộc các nước phương Tây đạo đức giả, nói rằng những nước này đang nhắm mắt làm ngơ trước những tội ác do chính quyền Kiev gây ra và rằng cũng chính phương Tây ngay từ đầu đã hậu thuẫn để đưa lực lượng này lên cầm quyền ở Ukraine.
Sau khi Mỹ và EU tung ra một loạt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, Moscow cũng đã bắt đầu tung ra đòn trả đũa đầu tiên là lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm, rau quả từ Mỹ và các nước Châu Âu. “Đòn” đáp trả này đã ngay lập tức gây ảnh hưởng đến một loạt nước Châu Âu, khiến nội bộ EU xáo động và lục đục.
Bộ Kinh tế Ba Lan cho hãng tin Reuters biết, họ đã gửi đề nghị kiện Nga lên Cao uỷ Thương mại Châu Âu Karel De Gucht – người đại diện cho các nước thành viên EU trong tất cả các vụ kiện ở WTO.
Sau cuộc gặp với Cao uỷ Thương mại Châu Âu Gucht ngày hôm qua (19/8), Bộ trưởng Nông nghiệp Ba Lan Marek Sawicki tiết lộ, các cuộc tham vấn sơ bộ ban đầu trong nội bộ EU đang được tiến hành và những quyết định đầu tiên liên quan đến vụ kiện sẽ được đưa ra sớm nhất là vào ngày 12/9.
"Ý kiến của Mỹ, Australia và Canada cũng sẽ rất quan trọng”, ông Sawicki cho biết. "Tôi tin rằng, Phó Thủ tướng Ba Lan Janusz Piechocinski sẽ có cuộc gặp với đại diện của các nước nói trên".
Trong khi đó, phát ngôn viên của Uỷ ban Châu Âu – ông Peter Stano cho biết trong một tuyên bố được gửi qua email rằng, uỷ ban này đang phân tích chi tiết, cẩn thận về ảnh hưởng gây ra từ lệnh cấm vận của Nga. "Liên quan đến WTO, Cao uỷ Thương mại đã thông báo với Bộ trưởng Sawicki rằng, Uỷ ban Châu Âu đang tích cực chuẩn bị các thủ tục cho khả năng tiến hành đề nghị tư vấn theo thủ tục giải quyết tranh chấp ở WTO", ông Stano cho biết.
Nếu WTO đưa ra phán quyết có lợi cho Uỷ ban Châu Âu thì tổ chức này có thể phạt Nga vì vi phạm các quy định trên thị trường mở. Tuy nhiên, Bộ trưởng Ba Lan Sawicki cho rằng, Nga sẽ không phản ứng trước áp lực từ EU hay Mỹ.
EU lập luận rằng, các biện pháp trừng phạt của họ được áp đặt lên Nga để bảo vệ chủ quyền của Ukraine. Nga khẳng định họ không đóng bất kỳ vai trò nào trong việc cung cấp vũ khí, tư vấn hay hậu thuẫn cho lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine như lời phương Tây và Kiev cáo buộc.
Hà Lan tổn thất 400 triệu USD từ đòn trừng phạt của Nga
Có thể nói, đòn trừng phạt của Nga đang gây tổn thất cho nhiều nước Châu Âu và điều đó dẫn đến tình trạng mâu thuẫn nội bộ. Nhiều nước đã bắt đầu lên tiếng phản đối chính sách trừng phạt Nga mà EU đang theo đuổi. Một số nước bất mãn trước việc họ phải hứng chịu hậu quả nặng nề từ đòn trừng phạt của Nga trong khi các nước thành viên khác lại ít bị ảnh hưởng hoặc hầu như không bị ảnh hưởng.
Trong một diễn biến mới nhất, Cục Thống kê của Hà Lan hôm qua công bố, lệnh trừng phạt cấm nhập khẩu các sản phẩm nông sản từ Châu Âu đã khiến xuất khẩu của Hà Lan sụt giảm “ít nhất 300 triệu euro” (tương đương với 400 triệu USD”..
Tổng giá trị xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm bao gồm hoa quả, rau, thịt và các sản phẩm từ sữa của Hà Lan sang Nga hồi năm ngoái đạt 500 triệu euro. Hoạt động xuất khẩu này đem đến 300 triệu euro cho các doanh nghiệp Hà Lan trong khi 200 triệu còn lại là cho các nhà cung cấp dịch vụ ở các nước láng giềng, Cục Thống kê Hà Lan cho biết.
Đòn trừng phạt đau đớn của Nga được tung ra trong thời điểm không thể tồi tệ hơn cho Hà Lan khi nền kinh tế lớn thứ 5 của khu vực đồng euro đang phải vật lộn để tìm cách thoát ra khỏi tình trạng suy thoái.
Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Hà Lan được cho là chỉ tăng ở mức rất khiêm tốn là 0,75% trong năm 2014 và 1,25% năm 2015. Các nhà dự báo kinh tế hàng đầu của Hà Lan hôm 18/8 cảnh báo rằng, cuộc khủng hoảng hiện tại có thể cắt mất từ 0,25 đến 0,50% tăng trưởng GDP của Hà Lan trong năm nay.
Hà Lan là nước xuất khẩu nông sản lớn thứ hai của thế giới và khoảng 2% giá trị xuất khẩu của nước này là sang Nga. Khoảng 5.000 việc làm ở Hà Lan, hầu hết là ở các công ty nông sản và cung ứng, có liên quan đến hoạt động xuất khẩu sản phẩm sang Nga, Cục Thống kê Hà Lan cho hay.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc