Ấn Độ: Tên lửa mới sẽ khiến mọi kẻ thù "bất lực"

15:46, 20/08/2014
|

(VnMedia) - Một quả tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos do Nga và Ấn Độ cùng phát triển, có thể khiến bất cứ kẻ thù nào trở nên “bất lực” đến nay đã được chế tạo. Thông tin trên vừa được ông Sudhir Mishra, Giám đốc điều hành mới của Tập đoàn Không gian Vũ trụ BrahMos tiết lộ với Hãng thông tấn quốc tế Rossiya Segodnya.
 
“Tốc độ siêu thanh là một lợi thế lớn của BrahMos. Chưa kẻ thù nào có biện pháp phòng thủ trước loại tên lửa này. Sau khi tên lửa này được “trình làng”, tất cả những gì kẻ thù có thể là là tháo chạy, thậm chí họ còn không có đủ thời gian để tháo chạy.
 
Theo ông, đó chính là lý do tại sao BrahMos lại là một loại vũ khí đầy hứa hẹn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

"Đến nay, nó (tên lửa BrahMos) không có bất cứ đối thủ nào trên thế giới", ông Mishra khẳng định trong một cuộc phỏng vấn, đồng thời thêm rằng “ngay cả khi một ngày nào đó, một quốc gia nào đó có thể phát triển các loại tên lửa có những đặc tính tương tự, thì chúng tôi vẫn tiến trước họ một bước”.
 
Lãnh đạo mới của tập đoàn này cũng nói thêm rằng, hiện đang rất nhiều quốc gia trên thế giới đang quan tâm đến dự án này.
 
Ông Sudhir Kumar Mishra cho biết: “Một vài quốc gia Đông Nam Á và Mỹ Latinh muốn có BrahMos, đã bày tỏ mối quan tâm tới nó, đặc biệt là phiên bản hải quân và bảo vệ bờ biển. Hiện đã có danh sách những nước như vậy và chúng tôi đang xúc tiến chiến lược tiếp thị để xuất khẩu tên lửa BrahMos tới một số nước. Chúng tôi dự kiến một số hợp đồng xuất khẩu sẽ được ký với các nước bạn bè của cả Ấn Độ và Nga trong tương lai gần”.
 
Ông Mishra từ chối nêu tên các quốc gia đang muốn nhập khẩu hệ thống tên lửa này, nhưng nguồn tin Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết các quốc gia này bao gồm 2 quốc gia ở Đông Nam Á trong đó có Indonesia và Venezuela ở Mỹ Latinh.
 
Trước đó, người đứng đầu cơ quan nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) Avinash Chander  cũng bày tỏ mong muốn xuất khẩu vũ khí quốc phòng cho các quốc gia bạn bè.
 
Ông Sudhir Kumar Mishra cũng cho biết, công ty BrahMos Aerospace đã sẵn sàng bàn giao cho Không lực Ấn Độ phiên bản phòng không của tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos vào năm 2016.
 
Theo ông, tên lửa phòng không BrahMos sẽ được triển khai trên chiến đấu cơ Sukhoi Su-30MKI.
 
“Việc phát triển tên lửa này đang được tiến hành đúng kế hoạch. Việc phóng thử tên lửa này từ chiến đấu cơ Su-30MKI sẽ được tiến hành trước cuối năm nay, và công tác bàn giao sẽ được bắt đầu từ năm 2016”, ông nói.
 
Quân đội Ấn Độ đang lên kế hoạch chi 1,17 tỉ USD mua 216 đạn tên lửa hành trình siêu thành BrahMos trang bị cho 42 chiến đấu cơ Su-30MKI nâng cấp lên chuẩn Super Sukhoi.
 
Tên lửa BrahMos có tầm bắn khoảng 290 km và có thể mang tới 300 kg đầu đạn thông thường. Tên lửa này có thể đạt tốc độ tối đa là 2,8 Mach, nhanh gấp 3 lần so với tên lửa hành trình siêu thanh Tomahawk của Mỹ.
 
Tên lửa BrahMos được thiết kế dựa trên phiên bản tên lửa 3M55 Yakhont (SS-N-26) của Nga. 
 
Trước đây, Ấn Độ  đã từng phóng thử thành công phiên bản phóng từ tàu nổi và từ mặt đất của dòng tên lửa này cho Hải quân và Lục quân nước mình.  Hồi tháng 6 vừa qua, lực lượng vũ trang Ấn Độ cũng đã phóng thử thành công một quả tên lửa hành trình chống tàu siêu thanh BrahMos từ một tàu chiến mới nhất mang tên INS Kolkata của nước này.
 
Hiện phiên bản tên lửa BrahMos phóng đi từ mặt đất đã được đưa vào biên chế của Hải quân và Lục quân Ấn Độ. Phiên bản trên không của tên lửa này cũng đã được hoàn tất thử nghiệm từ cuối năm 2012 vừa qua. Trước đó, hồi tháng 11 năm ngoái, Giám đốc Điều hành của BrahMos - ông Sivathanu Pillai cho biết, tiến độ phát triển tên lửa này của Ấn Độ đã sớm 3 năm so với kế hoạch.
 
Chương trình tên lửa BrahMos là một liên doanh giữa Tổ chức Nghiên cứu và phát triển quốc phòng của Ấn Độ với Công ty NPO Mashinostroeyenia của Nga. Cái tên BrahMos là sự kết hợp giữa tên hai dòng sông Brahmaputra ở Ấn Độ và Moskva ở Nga.


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc