Trung Quốc lại có phát biểu không thể chấp nhận

19:34, 09/06/2014
|

(VnMedia) - Trung Quốc tự nhận rằng họ đang “kiềm chế hết sức” trước sự “khiêu khích của Việt Nam” ở Biển Đông và rằng họ là “lực lượng bảo vệ chắc chắn cho hòa bình”. Những phát biểu như thế này của Trung Quốc không chỉ khiến người ta cảm thấy nực cười mà còn gây bất bình cho những người hiểu rõ sự thực và chứng kiến tình hình thực tế ở Biển Đông.
 

Ảnh minh họa


Một tàu cá của ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm


Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại vừa đưa ra những lời vu cáo, xuyên tạc trắng trợn sự thật tình hình ở Biển Đông trong một bài báo được đưa lên website của cơ quan này hồi cuối tuần.
 
Sau khi đòi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bằng những luận điệu sai trái, đi ngược với luật pháp quốc tế, và đưa ra những lời vu cáo trắng trợn về việc tàu Việt Nam “khiêu khích” họ, Trung Quốc dám tuyên bố rằng họ đã “hết sức kiềm chế” ở Biển Đông, và rằng họ là “lực lượng bảo vệ vững chắc cho hòa bình và sự ổn định ở Biển Đông cũng như tăng cường sự hợp tác và phát triển của các nước trong khu vực”.
 
Trung Quốc còn tự nhận là nước “duy trì nghiêm túc mục tiêu và các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc, các tiêu chuẩn căn bản trong mối quan hệ quốc tế và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế”. Trung Quốc còn khẳng định, “điều cuối cùng họ muốn là sự bất ổn ở khu vực”. Trung Quốc cũng tuyên bố muốn có một mối quan hệ tốt đẹp với Việt Nam, nhưng “có những nguyên tắc mà Trung Quốc không thể từ bỏ”.
 
Những phát biểu trên của Trung Quốc rất hay ho và có ý nghĩa. Tuy nhiên, bất kỳ ai cũng đều có thể dễ dàng nhận thấy những phát biểu đó không được thực hiện trên thực tế, không được thể hiện qua các hành động của Trung Quốc. Sự thật rõ nhất ở đây là những phát biểu của Trung Quốc hoàn toàn đối lập, đi ngược lại với những gì họ hành động trên thực tế. Trung Quốc vẫn hành xử theo cách lời nói không đi đôi với hành động.
 
Trung Quốc nói họ “kiềm chế hết sức” trước sự “khiêu khích” của Việt Nam. Sự thật là chính Việt Nam mới là nước đang kiềm chế hết sức trước những hành động ngang ngược, hung hăng của tàu thuyền Trung Quốc ở ngay giữa vùng biển của Việt Nam. Trung Quốc nói họ là lực lượng bảo vệ vững chắc cho hòa bình và sự ổn định trong khu vực. Sự thật là họ đang gây bất ổn, sóng gió ở Biển Đông và họ đã phải trả giá bằng việc phải đối diện với làn sóng chỉ trích, lên án mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Trung Quốc nói họ tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế. Sự thật là Trung Quốc đang vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế khi ngang nhiên xâm phạm chủ quyền Việt Nam, dùng vũ lực, sự dọa dẫm đối với lực lượng chấp pháp và ngư dân Việt Nam, gây bất ổn trong khu vực.
 
Đã hơn 1 tháng kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 ở vị trí nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Cũng trong thời gian này, Trung Quốc luôn duy trì một lực lượng hùng hậu tàu thuyền lên tới hàng trăm chiếc, trong đó có nhiều tàu chiến, tàu quân sự, tàu hộ vệ tên lửa, tàu đổ bộ, và cả máy bay chiến đấu vào vùng biển của Việt Nam để bảo vệ cho việc hạ đặt trái phép giàn khoan. Nghiêm trọng hơn, các tàu của Trung Quốc liên tiếp có hành vi hung hăng, gây ảnh hưởng đến lực lượng chấp pháp của Việt Nam.
 
Hành vi này của Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông, đi ngược lại Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) cũng như đi ngược lại cam kết được ký giữa lãnh đạo hai nước về xử lý tình hình Biển Đông. Hành vi của Trung Quốc đã bất chấp dư luận, bỏ qua sự quan tâm và kiến nghị chính đáng của quốc tế, tác động tiêu cực đến nỗ lực phục hồi và tăng trưởng kinh tế của khu vực Châu Á- Thái Bình Dương.
 
Trước sự khiêu khích, hung hăng của Trung Quốc, Việt Nam đã kiên trì sử dụng các biện pháp hòa bình, thể hiện quyết tâm bảo vệ chủ quyền đất nước, luôn kiên quyết yêu cầu Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt những hành động hung hăng, gây hấn trong khu vực. Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã có 30 cuộc trao đổi dưới nhiều hình thức khác nhau với Trung Quốc. Việt Nam đã trao công hàm yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan để 2 nước ngồi lại với nhau trao đổi nhưng Trung Quốc nhất định không đáp ứng.
 
Điều đáng nói là, đáp lại thiện chí của Việt Nam, Trung Quốc ngày một có những hành vi hung hăng hơn, lấn tới hơn đồng thời đưa ra những luận điệu sai trái, đổ lỗi cho Việt Nam và liên tục rêu rao về cái gọi là "chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Tây Sa" mà thực chất là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đặc biệt, Trung Quốc có những hành vi leo thang hết sức nguy hiểm ở biển Đông khi cho thay đổi vị trí giàn khoan, cố tình đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam, chủ động tấn công, cố tình đâm va vào các tàu chấp pháp của Việt Nam, làm hư hỏng hàng chục tàu chấp pháp của Việt Nam và khiến nhiều kiểm ngư bị thương.
 
Trung Quốc trả lời như nào trước công luận quốc tế khi nói mình “kiềm chế” mà huy động hàng chục, hàng trăm tàu thuyền, trong đó có 6 loại tàu chiến hiện đại như tàu hộ vệ tên lửa, khu trục tên lửa, tuần tiễu tấn công nhanh, tuần tiễu săn ngầm, tàu quét mìn, tàu đổ bộ, vào vùng biển Việt Nam để hoành hành, quấy nhiễu lực lượng chấp pháp và ngư dân Việt Nam đang hoạt động hợp pháp trong vùng biển Việt Nam. Trung Quốc sẽ trả lời như thế nào trước công luận quốc tế khi từ ngày 3/5 đến nay, các tàu bảo vệ Trung Quốc đã đâm va, phun nước gây thương tích cho 12 kiểm ngư viên và làm hư hỏng 24 tàu thực thi pháp luật của Việt Nam. Trung Quốc sẽ nói như thế nào trước công luận quốc tế khi cho tàu thuyền cản trở, uy hiếp, phá hoại tài sản 12 tàu cá Việt Nam và đối xử thô bạo, đánh đập các ngư dân Việt Nam. Đỉnh điểm là việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam. Thậm chí, Trung Quốc còn ngăn cản không cho các tàu Việt Nam giải cứu các ngư dân rơi xuống biển.
 
Ngay cả cộng đồng quốc tế cũng thừa nhận và đánh giá cao sự kiềm chế của Việt Nam đồng thời chỉ trích, lên án mạnh mẽ những hành vi gây hấn, gây bất ổn của Trung Quốc ở Biển Đông.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc