(VnMedia) - Nhật Bản được cho là đang nắm bắt cơ hội để theo đuổi một thỏa thuận quân sự chưa từng có với Australia khi Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng hai nước gặp nhau ở thủ đô Tokyo vào tháng tới. Thỏa thuận có liên quan đến tàu ngầm này được cho là sẽ khiến Trung Quốc phải “run”.
Tàu ngầm Soryu của Nhật Bản |
Nhật Bản đang cân nhắc khả năng bán công nghệ tàu ngầm tối tân cho Australia và thậm chí là cả một hạm đội tàu tàng hình với đầy đủ công nghệ hàng đầu, các quan chức Nhật Bản tiết lộ. Nguồn tin từ cả Australia và Nhật Bản đều cho biết, những cuộc đàm phán, thảo luận giữa hai bên đến nay đang khuyến khích hai bên sẵn sàng tiến xa hơn nữa trong thỏa thuận tàu ngầm nói trên.
Bất kỳ thỏa thuận nào được ký kết đều phải mất nhiều tháng đàm phán và mọi việc cho đến thời điểm hiện tại chưa có gì là chắc chắn nhưng một thỏa thuận để Nhật cung cấp công nghệ sẽ trị giá hàng tỉ USD và nó sẽ chiếm một phần lớn trong chương trình tàu ngầm có tổng trị giá 37 tỉ USD của Australia. Thỏa thuận này chắc chắn cũng là nhằm đối phó với Trung Quốc.
Giới chuyên gia nhận định, một thỏa thuận giữa Nhật Bản và Australia sẽ phát đi một thông điệp đến cường quốc mới nổi Trung Quốc về việc Nhật Bản dưới thời của Thủ tướng Shinzo Abe sẵn sàng xuất khẩu vũ khí đến một khu vực đang ngày càng lo ngại về sức mạnh hải quân của Trung Quốc, đặc biệt khi nước này đang hung hăng theo đuổi việc tranh giành chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Một thỏa thuận như trên cũng giúp kết nối các nhà sản xuất vũ khí của Nhật Bản như tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries và Kawasaki Heavy Industries ra thị trường thế giới bên ngoài để tìm kiếm những vũ khí lớn, có độ tinh vi cao – một mục tiêu mà ông Abe tuyên bố là phù hợp với chính sách an ninh của Nhật Bản.
Thủ tướng Abe đã chấm dứt nhiều thập kỷ hạn chế xuất khẩu vũ khí của Nhật Bản và đang hướng tới việc tạo cho quân đội Nhật khả năng hoạt động tự do hơn trong các cuộc xung đột bằng việc thay đổi cách giải thích về hiến pháp hòa bình có từ thời kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ II.
"Có nguy cơ rõ ràng rằng việc đưa chúng ta lại gần với Nhật Bản trong vấn đề công nghệ nhạy cảm như công nghệ tàu ngầm sẽ bị Trung Quốc hiểu là một hành động thắt chặt đáng kể cái mà họ luôn lo sợ là một liên minh Nhật Bản-Australia”, ông Hugh White – một giáo sư chuyên về nghiên cứu chiến lược ở trường Đại học Quốc gia Australia, nhận định.
Xây dựng một hạm đội tàu ngầm là cốt lõi trong chiến lược phòng thủ lâu dài của Australia. Mặc dù Canberra sẽ chưa bắt đầu thay thế những chiếc tàu lớp Collins cho đến những năm 2030 nhưng công việc thiết kế sẽ mất khoảng một thập kỷ hoặc nhiều hơn và mỗi chiếc tàu ngầm sẽ mất 5 năm để đóng, các nhà phân tích về công nghiệp quốc phòng cho biết.
Quyết định cuối cùng về việc Australia sẽ chọn loại tàu ngầm nào để đóng và với số lượng bao nhiêu sẽ được chính thức đưa ra sau một cuộc xét duyệt vào tháng 3 năm sau.
Tuy nhiên, giới chức Australia đã bày tỏ sự quan tâm đến các hệ thống động cơ đẩy chạy bằng điện-diesel rất êm trong những chiếc tàu ngầm Soryu của Nhật Bản do tập đoàn Mitsubishi Heavy và Kawasaki Heavy chế tạo. Những chiếc tàu ngầm kiểu đó sẽ cho phép Australia xây dựng một lực lượng hải quân có thể vươn sâu vào Ấn Độ Dương.
Gần đây, giới chức quân sự và các nghị sĩ Nhật Bản quan tâm đến chính sách quốc phòng đã phát đi tín hiệu về việc sẵn sàng cung cấp phiên bản toàn diện của tàu ngầm Soryu cho Australia nếu nước này đáp ứng một số điều kiện nhất định của Tokyo. Những điều kiện đó sẽ bao gồm một thỏa thuận khung về chính sách an ninh với Canberra theo đó sẽ hướng chính phủ Australia tiến tới một liên minh với Nhật Bản.
Thủ tướng Australia Tony Abbott từng tuyên bố, ông ủng hộ việc củng cố mối quan hệ hợp tác chiến lược với Nhật Bản. Về phần mình, các nhà lập chính sách quân sự của Australia cũng đặc biệt hăng hái, nhiệt tình trong việc thúc đẩy sự hợp tác với Nhật Bản như một biện pháp để tránh sự phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ.
Tàu ngầm Soryu cực êm của Nhật Bản
Bộ truyền động cực êm của tàu ngầm Soryu của Nhật Bản có thể giúp tránh một vấn đề đang khiến 6 chiếc tàu ngầm hiện nay của Australia dễ bị phát hiện khi hoạt động, các nguồn tin có quan hệ mật thiết với giới chức tham gia đàm phán giữa Nhật Bản và Australia cho biết.
Chính phủ Australian cam kết đóng những chiếc tàu ngầm mới thay thế cho tàu ngầm lớp Collins trong một dự án có trị giá khoảng 37 tỉ USD. Tuy nhiên, Australia được cho là không có đủ lực lượng kỹ sư để thiết kế và xây dựng một con tàu phức tạp như một tàu con thoi vũ trụ. Phương pháp tiếp cận thực tế có thể hiện nay là Australia nên bắt tay kết hợp với một công ty và một chính phủ nước ngoài.
Bộ trưởng Quốc phòng Australia - ông David Johnston đã có cuộc gặp với người đồng cấp Nhật Bản Itsunori onodera ở Perth gần đây và hai ông này sẽ có cuộc găp mới vào tháng 6 tới ở Tokyo cùng với ngoại trưởng hai nước. Thủ tướng Abe sau đó sẽ có chuyến công du đến Australia vào tháng 7, một trong những nguồn tin từ Tokyo tiết lộ.
Bộ trưởng Quốc phòng Australia Johnston hồi tháng này đã từng tuyên bố, ông tin rằng, tàu ngầm Soryu là tàu ngầm thông thường tốt nhất thế giới hiện nay. Ông này cũng bày tỏ rằng, ông mong Nhật Bản và Australia sẽ hợp tác với nhau trong hoạt động nghiên cứu thủy động lực học như là giai đoạn đầu của mối quan hệ hợp tác trong khi nỗ lực tiến tới việc ký kết một thỏa thuận khung về hợp tác công nghệ quân sự.
Vân Linh -
(theo Reuters)
Ý kiến bạn đọc