Báo Úc: Đã đến lúc phải rắn với Trung Quốc

09:18, 22/05/2014
|

(VnMedia) - Tờ Businessspectator của Australia hôm qua (21/5) đã đăng tải một bài viết có nhan đề “Đã đến lúc phải nói mạnh về vấn đề Biển Đông”, trong đó phân tích rằng nếu “các bên thứ ba” tiếp tục chỉ quan tâm đến việc của riêng mình thì Bắc Kinh sẽ ngày càng trở nên bạo gan hơn, ngang ngược hơn ở Biển Đông. Theo bài báo này, đã đến lúc Australia phải thể hiện lập trường cứng rắn với Trung Quốc.

 

Ảnh minh họa

Trung Quốc ngang nhiên và trắng trợn đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam


Tác giả của bài báo “Đã đến lúc phải nói mạnh về vấn đề Biển Đông” là Tiến sĩ John Lee - một giảng viên của chương trình giảng dạy Michael Hintze, một giáo sư thuộc trường Đại học Sydney, học giả cấp cao của Viện Hudson ở Washington DC và là Giám đốc của Quỹ Kokoda.


Dưới đây là nội dung bài viết của ông John Lee.
 

Đã có quá nhiều bài viết về cuộc khủng hoảng hiện nay ở Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc, và khi tình hình ngày một tồi tệ thì sẽ có nhiều bài viết về vấn đề này xuất hiện. Vị trí địa lý của Australia có nhiều thuận lợi giúp nước này thoải mái tránh được những biến động có thể xảy ra ở Đông Á. Tuy nhiên, theo nhà phân tích John Lee, Australia không phải là hoàn toàn “miễn nhiễm” trước tình hình khủng hoảng ở khu vực Đông Á. Khoảng 2/3 mặt hàng xuất khẩu của Australia và một nửa hàng nhập khẩu vào Australia đi qua Biển Đông. Và nếu xu hướng hiện nay cứ tiếp tục trôi đi thì các cuộc khủng hoảng sẽ diễn ra ngày càng thường xuyên hơn và ít có khả năng kiểm soát hơn. “Điều này đồng nghĩa với việc trong tương lai, chúng ta không thể đứng ở bên ngoài, ít nhất là về mặt ngoại giao”, ông Lee cho hay.

 

Đầu tiên là điểm lại tình hình. Hồi đầu tháng này, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã ngang nhiên đưa giàn khoan hiện đại Hải Dương 981 vào khu vực chỉ cách bờ biển Việt Nam có 120 hải lý. Đây là vị trí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 - một bộ luật đã được Trung Quốc ký kết. Cùng với đó, Trung Quốc kéo 80 tàu thuyền, trong đó có 7 tàu chiến, vào khu vực biển của Việt Nam để bảo vệ cho việc hạ đặt giàn khoan trái phép trong khu vực thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam. Tàu thuyền Trung Quốc còn hung hăng chủ động đâm va và bắn súng vòi rồng vào các tàu Việt Nam đang thực thi hoạt động chấp pháp trên biển.

 

Theo chuyên gia John Lee, mặc dù các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông đã có từ nhiều thập kỷ nay, nhưng vụ việc mới nhất nói trên đã khiến người ta phải lo ngại vì một số lý do.

 

Thứ nhất, hành động của Trung Quốc trong việc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam diễn ra vào một thời điểm khi quan hệ song phương Việt-Trung đang diễn ra tốt đẹp, không giống như quan hệ giữa Trung Quốc với Philippines và Nhật Bản. Người ta không thể ngờ được rằng, đây là lần đầu tiên Trung Quốc thực sự đưa một giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của một nước khác có tranh chấp ở Biển Đông và rằng Trung Quốc lại chọn Việt Nam để làm như vậy.

 

Lý do đáng lo ngại thứ hai, theo ông Lee, chính là quy mô của lực lượng tàu mà Trung Quốc kéo vào vùng biển của Việt Nam . Vị chuyên gia người Australia cho rằng, quy mô của đội tàu đó cho thấy mức độ lên kế hoạch và phối hợp rất cao giữa các cơ quan chính phủ, bộ, ngành và địa phương ở Trung Quốc trong vụ đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam. Hơn nữa, sự xuất hiện của những chiếc tàu chiến ngoài lực lượng bán quân sự đã cho thấy một cấp độ mới trong việc quân sự hóa các cuộc tranh chấp hàng hải của Trung Quốc.
 

Thứ ba, sự thực về việc giàn khoan Hải Dương 981 thuộc CNOOC là rất đáng quan tâm. Với tư cách là tập đoàn quốc gia hàng đầu của Trung Quốc trong một ngành được xác định là chiến lược như năng lượng với sự liên quan mật thiết đến lợi ích quốc gia trong tương lai, CNOOC nhận được sự hào phóng của chính phủ về mọi thứ, từ ngoại giao, tài chính, quy định, luật lệ và nhiều sự ủng hộ khác. Ngược lại, mối liên kết về mặt thể chế và cá nhân giữa CNOOC với bộ máy lãnh đạo Trung Quốc là rất sâu sắc. Việc đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam của CNOOC chắc chắn nhận được sự ủng hộ của giới chính khách ở cấp cao nhất của Trung Quốc.

 

Kết hợp tất cả ba lý do trên, những nhân tố đó có nghĩa rằng, giai đoạn đưa giàn khoan 981 vào Việt Nam chính là một bước lấn tới mạnh mẽ và đầy phô trương mới của Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp hàng hải ở Đông Á với các nước như Nhật Bản, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia.

 

Trung Quốc đang ngày càng lấn tới trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Chính sách hàng hải và cách cư xử của Trung Quốc ở những vùng biển này đang trở thành mối quan ngại chính của Mỹ đối với khu vực Châu Á - nơi Mỹ có nghĩa vụ về mặt hiệp ước với Nhật Bản và Philippines và cả với những quốc gia ven biển nhỏ như Singapore.

 

Trở lại với lợi ích và mối quan ngại của Australia, t heo ông Lee, tầm quan trọng của sự ổn định và tự do hàng hải ở khu vực phía bắc Australia đã được thừa nhận công khai là một trong những mục tiêu chiến lược quốc gia then chốt trong Sách Trắng Quốc phòng năm 2000 của Australia . Điều này tiếp tục được khẳng định trong các cuốn sách trắng năm 2009 và 2013. Một mục tiêu then chốt như thế sẽ bị ảnh hưởng khi các nước có tranh chấp, đặc biệt là nước lớn, sử dụng vũ lực hay các hình thức dọa dẫm để tranh giành chủ quyền ở Biển Đông và biển Hoa Đông; và khi có sự thay đổi đáng kể về biên giới hàng hải chung hay vấn đề tự do hàng hải ở khu vực đã được quy định kể từ sau Thế chiến II.

 

“Nói theo cách khác, nếu có một người chơi mạnh muốn đòi chủ quyền đối với lối đi lại ngay trước cửa nhà mình thì liệu chúng ta có thực sự nên xem đó không phải là chuyện của nhà mình và không lên tiếng về lập trường của mình hay không? Hay chúng ta sẽ tự trấn an mình rằng, lối đi đó sẽ vẫn dành cho mình khi kẻ chơi kia đã chiếm mất nó”, ông Lee đặt câu hỏi. “Khu vực xung quanh quần đảo Hoàng Sa chỉ là một phần của Biển Đông. Nhưng Trung Quốc đang cố tình mập mờ trong yêu sách của họ để đòi chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Không có gì ngạc nhiên khi các nước trong khu vực cảm thấy rằng, nhân nhượng với Trung Quốc ở một khu vực nhỏ sẽ là bước đầu tiên để Trung Quốc đòi phần lớn hơn nữa”, ông Lee phân tích.

 

Theo nhà phân tích Lee , Australia có ràng buộc với vấn đề Biển Đông. “Chính phủ của chúng ta thường né tránh, thậm chí là thụ động trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Có một số ngoại lệ. Điều đó xảy ra khi Ngoại trưởng Australia Julie Bishop bất ngờ triệu tập Đại sứ Trung Quốc đến để phản đối việc nước này thành lập vùng nhận diện phòng không ở biển Hoa Đông hồi năm ngoái. Nhưng đây chỉ là một ngoại lệ. Nói chung, chúng ta vẫn tránh chỉ trích Trung Quốc vì sợ làm ảnh hưởng đến đối tác thương mại lớn nhất của chúng ta. Một phương pháp tiếp cận như vậy là dễ hiểu, khi Australia chẳng thể làm được gì nhiều để giải quyết cuộc tranh chấp hay thay đổi cán cân quân sự ở Đông Á. Nói cách khác, sự thụ động, bị động của chúng ta là do thực thế, chúng ta không có liên quan và thực tế cũng không có ảnh hưởng để nói về điều đó”, chuyên gia Lee cho hay.

 

Tuy nhiên, ông Lee bày tỏ sự băn khoăn, “liệu sự im lặng của chúng ta có phải là một phần của vấn đề? Rốt cuộc, những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông cũng như cách hành xử của họ để thực hiện điều đó đã gây ra những cuộc đối đầu trực tiếp giữa nước này với Nhật Bản, Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia và Brunei. Các nước hàng hải như Singapore  - quốc gia phụ thuộc vào sự tiếp cận tự do và đảm bảo đối với các vùng biển, đang quan ngại sâu sắc trước những gì mà Trung Quốc đang làm. Mỹ cũng như vậy. Một phần lớn trong chiến lược ngoại giao của Trung Quốc là thay vì thuyết phục nước đang trực tiếp tranh chấp với họ, Bắc Kinh tìm cách để các nước khác tin rằng, họ nên quan tâm đến lợi ích của riêng mình thay vì bình luận về những việc Bắc Kinh đang làm trong các cuộc “tranh chấp song phương”, thậm chí kể cả khi lợi ích của các nước đó cũng bị ảnh hưởng sâu sắc. Và khi “các bên thứ ba” chỉ quan tâm đến việc của mình thì Bắc Kinh dường như càng trở nên bạo gan và ngang ngược hơn”.

 

Với những phân tích ở trên, ông Lee cho rằng, “thậm chí nếu chúng ta có mối quan hệ ngoại giao tuyệt vời với Trung Quốc, thì sự lấn tới của họ trong tranh chấp chủ quyền và các hành vi ngày một hung hăng của họ ở Đông Á cũng sẽ gây hại đến các lợi ích của chúng ta. Mọi thứ ở Đông Á xung quanh Trung Quốc sẽ trở nên tồi tệ đi và không có gì đảm bảo là chúng ta cuối cùng sẽ tốt hơn lên, thậm chí nếu xung đột thực sự có thể tránh được”.

 

“Hãy coi chính chúng ta là một ‘mục tiêu nhỏ’ và từ bỏ lựa chọn không làm gì. Đã đến lúc chúng ta cần phải đối mặt với Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng ta không cô đơn. Tất cả các quốc gia hàng hải ở Châu Á cũng sẽ bị buộc phải làm như vậy”, ông Lee nhấn mạnh.


Kiệt Linh - (theo Businessspectator)

Ý kiến bạn đọc