Những giây phút hoảng loạn cuối cùng trên tàu chìm

08:53, 21/04/2014
|

(VnMedia) - Hàng trăm hành khách trên chiếc tàu chìm của Hàn Quốc đã không thể mặc áo phao nhằm thoát ra ngoài bởi con tàu nghiêng quá nhanh và họ không thể di chuyển được. Đã có sự hoảng loạn và bối rối thực sự trên con tàu trong những giây phút cuối cùng. Diễn biến này có thể được thấy rõ qua đoạn trao đổi giữa con tàu với bờ.

 

Ảnh minh họa

Nỗi đau buồn của người thân, gia đình các nạn nhân


"Xin hãy thông báo với Lực lượng Bảo vệ Bờ biển. Con tàu của chúng tôi đang gặp nguy hiểm. Con tàu đang rung lắc nghiêng ngả", một thành viên trong thủy thủ đoàn trên tàu đầu tiên đã nói với giới chức trên bờ trong một cuộc trao đổi diễn ra đúng thời điểm tàu Sewol đang nghiêng và chìm dần.

 

Một thành viên thủy thủ chưa được xác định danh tính đã điện đàm với hai trung tâm khác nhau của Cơ quan Giao thông Đường Thủy khi con tàu bắt đầu chìm vào sáng ngày 17/4. Một người nào đó trên tàu đã liên lạc với trung tâm của cơ quan trên ở Jeju – điểm đến của con tàu, lúc khoảng 8h55 sáng và phát đi tín hiệu kêu cứu trước khi chuyển đến cuộc trao đổi với trung tâm ở Jindo gần hơn khoảng 11 phút sau đó.

 

"Lúc này, con tàu rung lắc liên tục. Không thể di chuyển. Xin hãy đến nhanh”, thành viên thủy thủ trên tàu cho biết một phút sau khi vừa bắt được liên lạc trong cú điện đàm đầu tiên nối với Jeju. Người ở trung tâm của Cơ quan Giao thông Đường Thủy ở Jeju đã khuyên các thủy thủ cho mọi người mặc áo phao vào.

 

"Rất khó để mọi người di chuyển", Sewol trả lời.

 

Sau đoạn trao đổi trên, cuộc điện đàm được chuyển sang trung tâm ở Jindo. Vị thủy thủ trên tiếp tục nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng con tàu đang nghiêng rất nhiều đến mức hành khách không thể di chuyển được.

 

Sewol: "Tàu của chúng tôi đang nghiêng và có thể lật”.

 

Trung tâm của Cơ quan Giao thông Đường Thủy ở Jindo (Jindo VTS): "Vậy liệu hành khách bây giờ có thể làm gì?”

 

Sewol: "Tàu quá nghiêng và họ không thể di chuyển được”.

 

Một thời gian ngắn sau, một đoạn trao đổi lại diễn ra:

 

Jindo VTS: "Liệu hành khách có thể thoát ra?"

 

Sewol: "Tàu quá nghiêng, điều đó là không thể".

 

Đoạn trao đổi trên đã trả lời cho một trong những câu hỏi chính về vụ chìm tàu, đó là câu hỏi: Tại sao nhiều hành khách không thể mặc áo phao thoát ra ngoài?

 

Diễn biến trên cũng cho thấy sự bối rối, hoảng loạn thực sự của chính các thành viên thủy thủ đoàn và ngay cả giới chức năng trên bờ cũng tỏ ra lúng túng trong tình huống nguy cấp đó.

 

Đến thời điểm này, đã có ít nhất 64 người thiệt mạng trong vụ chìm tàu. 238 người vẫn còn đang mất tích, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hàn Quốc sáng nay (21/4) thông báo.

 

Sáng ngày hôm qua (20/4), lực lượng cứu hộ đã tìm được thi thể của 13 hành khách cùng lúc. Chẳng ai có thể tả được nỗi đau xé lòng của người thân, gia đình của các nạn nhân khi nhận được hung tin này.

 

Cảnh tượng đau lòng diễn ra sau khi 4 chiếc xuồng của cảnh sát nối đuôi nhau cập bờ. Chiếc xuồng đầu tiên mang theo thi thể của 4 nạn nhân. Chiếc thứ hai mang theo 3 thi thể. Chiếc xuồng thứ ba và thứ tư mỗi chiếc mang theo 3 thi thể. Lần lượt từng thi thể được đưa lên cáng, phủ vải trắng và mang đi. Một số người thân của các nạn nhân không chấp nhận được thực tế đau lòng này. Một người đàn ông hét lên: “Tỉnh dậy đi! Xin hãy tỉnh dậy đi!”. Một loạt cảnh sát đứng xung quanh cũng không thể kiềm chế được những giọt nước mắt.

 

Với việc hàng trăm người vẫn còn mất tích ngoài kia, cảnh tượng đau thương trên có thể sẽ còn diễn đi diễn lại nhiều lần.

 

Mặc dù 174 người đã được cứu sống ngay sau khi con tàu bị chìm nhưng trong suốt mấy ngày qua, không có hành khách sống sót nào được tìm thấy.

 

Tuy nhiên, 563 thợ lặn vẫn tiếp tục lặn xuống Biển Hoàng Hải trong thời tiết cực kỳ giá lạnh để tìm kiếm những người mất tích. 34 máy bay và 204 tàu thuyền vẫn đang tích cực trợ giúp hoạt động tìm kiếm và cứu hộ.

 

Một thợ lặn đã nói về công việc và trải nghiệm của ông trong thảm kịch đau thương trên. Các đội lặn tập trung vào tầng 3 và tầng 4 của con tàu bởi nhóm điều tra tìn rằng nhiều người mất tích đang ở đó.

 

"Rất khó để có thể nói bạn đang ở đâu khi bạn vào con tàu đó bởi nó hoàn toàn tối đen và về cơ bản, bạn chỉ có thể cảm nhận đường đi dựa trên thứ duy nhất là bản đồ chi tiết về cấu tạo của con tàu", người đứng đầu đội thợ lặn – ông Hwang Dae Sik cho biết. Ông này cũng nói thêm rằng: "cũng rất khó để nói chắc chắn về việc bạn đang ở phòng nào trong con tàu và bạn nhìn thấy gì”.

 

Trong khi chờ đợi, người thân của các hành khách mất tích đã được yêu cầu cung cấp mẫu ADN.

 

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye hôm qua đã tuyên bố hai thành phố Ansan và Jindo thành vùng thảm họa đặc biệt để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiến hành các chương trình cứu trợ thảm họa.

 

Thuyền trưởng ở đâu?

 

Theo một cuộc trao đổi, người của Cơ quan Giao thông Đường Thủy Jindo đã kêu gọi thuyền trưởng hành động.

 

Jindo VTS: "Thuyền trưởng nên ra quyết định sơ tán hành khách. Chúng tôi không nắm rõ tình hình vì vậy, thuyền trưởng phải đưa ra quyết định cuối cùng về việc giải cứu hành khách”.

 

Thuyền trưởng Lee Joon Seok đã lên tiếng bảo vệ cho quyết định trì hoãn việc sơ tán hành khách trong thời gian một nửa giờ đồng hồ.

 

"Đó là khu vực sóng dữ và nhiệt độ nước cực lạnh. Tôi cho rằng, việc rời con tàu một cách liều lĩnh cho thể làm cho bạn bị đẩy ra khoảng cách rất xa và gây nhiều khó khăn hơn. Đồng thời tàu giải cứu không đến và không có tàu đánh cá cũng như tàu hỗ trợ ở đó để giúp ngay”, ông Lee nói.

 

Thuyền trưởng tàu chìm đang bị đối mặt với các tội danh bỏ rơi con tàu, lơ là trách nhiệm, gây thương vong, không tìm cách cầu cứu từ các con tàu khác và vi phạm luật hàng hải.

 

Công tố viên Lee Bong-chang cho biết: “Thuyền trưởng Lee bị cáo buộc gây ra vụ chìm tàu Sewol bằng cách không giảm tốc độ con tàu khi đi qua vùng biển hẹp cũng như bẻ ngoặt tay lái đột ngột và quá mức. Ông Lee cũng bị cáo buộc không làm những điều đúng đắn để hướng dẫn hành khách thoát thân và do vậy dẫn đến nhiều thương vong”.

 

Nếu bị kết tội, ông Lee sẽ phải đối mặt với án phạt từ 5 năm tù giam đến chung thân.

 

Thuyền trưởng Lee đã không trực tiếp cầm tay lái khi con tàu gặp nạn mà để cho người lái thứ ba điều khiển con tàu.

 

Thuyền trưởng không có mặt trong buồng lái. Ông Lee nói rằng, ông đã vạch ra đường đi cho con tàu và về phòng của mình một lúc “để làm một điều gì đó”. Đây chính là lúc con tàu gặp nạn.

 

Thành viên thủy thủ Park được miêu tả là người lái thứ ba cũng đã bị bắt cùng thuyền trưởng Lee. Cô này cho biết, cô không bẻ ngoặt tay lái nhưng “bánh lái rõ ràng đã bị bẻ ngoặt hơn rất nhiều so với mức bình thường”.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc