Sự thực cay đắng về sức mạnh quân đội Ukraine

18:27, 05/03/2014
|

(VnMedia) - Quân đội lạc hậu, không được đầu tư đầy đủ với những công nghệ cũ kỹ từ thời Chiến tranh Lạnh của Ukraine khiến họ không thể là một lực lượng có thể đối đầu với quân đội hùng mạnh, thiện chiến và chuyên nghiệp của Nga. Đây là thực tế đáng buồn mà chính Ukraine phải thừa nhận trong báo cáo của Bộ Quốc phòng Ukraine năm 2012.

 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Quân đội vừa thiếu, vừa yếu, vừa lạc hậu

 

Những chiếc xe tăng và máy bay chiến đấu quá hạn, một lực lượng hải quân yếu ớt và một lực lượng lục quân chỉ với khoảng 100.000 lính được nhận một mức lương khoảng bằng một nửa mức lương trung bình ở một quốc gia 45 triệu dân vốn nghèo nàn kể từ khi tuyên bố độc lập khỏi Nga năm 1991. “Đó là một đội quân không thể chiến đấu. Quân đội Ukraine không hề được đầu tư và lực lượng này thực sự không có bất kỳ năng lực trên không hay trên mặt đất nào có thể so sánh được với những gì Nga có thể triển khai dù Nga hiện tại chưa phải là ở thời đỉnh cao,” ông Anthony Cordesman – một chuyên gia đến từ Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược của Mỹ, nhận định.

 

Chủ đề về việc thiếu nguồn vốn đầu tư và thiếu chương trình hiện đại cho quân đội Ukraine đã được đề cập trong cuốn Sách Trắng mà Fox News có dịp xem xét sau khi rộ lên tin Nga đưa quân vào Crimea những ngày vừa qua.

 

Trong khi Nga đầu tư khoảng 70 tỉ USD vào chi tiêu quốc phòng hàng năm thì ngân sách quân sự của Ukraine trong năm 2011 vỏn vẹn ở con số 1,27 tỉ USD, bản Sách Trắng của Ukraine cho biết. Trên thực tế, các tác giả của cuốn sách trên còn khẳng định, chính phủ thậm chí còn chi ít tiền hơn con số công bố do tình trạng thiếu nguồn vốn.

 

“Việc chi tiêu và phân bổ ngân sách của Bộ Quốc phòng Ukraine năm 2011 không đáp ứng được nhu cầu của Lực lượng Vũ trang. Vì thế, việc quân đội Nga sở hữu thiết bị lạc hậu, cũ kỹ là điều dễ hiểu”, bản báo cáo của Bộ Quốc phòng Ukraine cho hay.

 

Bản báo cáo của quân đội Ukraine cũng cho biết, trong số 22 xe tăng của nước này cần được hiện đại hóa từ năm 2006 đến 2011, chỉ có 10 chiếc được hoàn thiện do ngân sách hạn chế. Trong số 31 chiếc máy bay chiến đấu cần hiện đại hóa, chỉ có 3 chiếc được hoàn thành. Đối với tàu chiến, chỉ có 4 trong 22 chiếc được hiện đại hóa theo yêu cầu trong khi đối với trực thăng chiến đấu, con số này là số 0 tròn trĩnh.

 

Chi tiêu cho quốc phòng của Ukraine thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình trên toàn cầu, “chưa bằng 1/3 tiêu chuẩn được chấp nhận trên toàn cầu”.

 

Cũng theo cuốn Sách Trắng quốc phòng Ukraine, chi tiêu quốc phòng của nước này "trong giai đoạn từ năm 2006 đến 2011 chỉ chiếm 1% GDP… Không có nguồn lực để đổi mới sức chiến đấu của Lực lượng Vũ trang”. Trong khi đó, Mỹ và Nga đầu tư khoảng 4% GDP vào chi tiêu quốc phòng.

 

Có một thực tế đáng buồn khác mà báo cáo của Bộ Quốc phòng Ukraine nêu ra là lương của các quân nhân nước này cực thấp, chỉ bằng một nửa mức lương trung bình của một quốc gia vốn đã có nền kinh tế không mấy phát triển như Ukraine. “Điều đó không khuyến khích các công dân Ukraine tham gia vào quân ngũ”.

 

Trong 5 năm qua, quy mô quân đội cũng đã bị cắt giảm như một phần của kế hoạch tái tổ chức lại lực lượng từ năm 2006 đến 2012 với số binh lính giảm từ 245.000 xuống còn 184.000.

 

Tướng lĩnh thân Nga

 

Với một quân đội vừa thiếu vừa yếu cộng với một thực tế là giới tướng lĩnh quân đội Ukraine được cho là hầu hết đều có mối quan hệ thân thiết với Moscow, quân đội Ukraine được cho là hoàn toàn không muốn đối đầu với Moscow.

 

Sự kiện Tư lệnh Hải quân Ukraine vừa được bổ nhiệm 1 ngày đã “đào ngũ” chạy sang ủng hộ khu tự trị Crimea và Nga đã cho thấy thực tế nói trên.

 

Phần đông giới lãnh đạo quân sự Ukraine đã từng phục vụ rất lâu trong quân đội thời Xô-viết với những đồng nghiệp Nga trước khi Liên Xô tan rã năm 1991. Không chỉ những thành phần này mà ngay cả giới lãnh đạo thân phương Tây của Kiev cũng đều không muốn khiêu khích để gây ra một cuộc đối đầu với Nga mà họ thừa biết là không thể thắng.

 

"Tôi nghĩ rằng, đã có sự chỉ đạo mạnh mẽ từ Kiev về việc tránh đối đầu. Điều này thực sự phù hợp với cách nghĩ và mong muốn của giới tướng lĩnh Ukraine bởi sự thân thiết của họ với người Nga, đặc biệt là ở Crimea – nơi họ cùng nhau sinh sống", ông Dmitry Gorenburg – một nhà phân tích khu vực của Trung tâm Nghiên cứu Hải quân của Mỹ, nhận định.

 

Một vài phép so sánh nhỏ

 

Chỉ làm một phép so sánh nhỏ cũng có thể thấy Ukraine chẳng thể địch nổi Nga. Moscow hiện tại được cho là đã triển khai 16.000 quân đến bán đảo tự trị Crimea . Nước này hồi tuần trước vừa huy động đến 150.000 quân để thực hiện các cuộc tập trận. Moscow còn có thể tăng cường nhiều quân hơn nữa. Quân đội Nga có quân số khoảng 845.000 người, đó là chưa kể lực lượng dự bị lên tới 2 triệu binh lính và thường xuyên được tập trận, rèn luyện.

 

Kể từ cuộc chiến Gruzia năm 2008, Nga đã tăng chi tiêu quốc phòng lên hơn 30% và đạt khoảng mức 68 tỉ USD/1 năm. Tại căn cứ Sevastopol , Hạm đội Biển Đen của Nga có 3 tàu ngầm, 7 tàu khu trục lớn, 5 tàu khu trục nhỏ, 20 tàu tuần tra và 11 tàu đổ bộ.

 

Về máy bay chiến, đấu, Nga có một lực lượng hùng hậu gồm 1.400 chiến đấu cơ.

Về phía Ukraine , quân đội nước này cụ thể có khoảng hơn 180.000 binh lính. Hải quân Ukraine hầu như không có hoặc rất ít có khả năng triển khai ra biển trừ khi được Moscow cho phép bởi lực lượng này hầu hết chỉ ở bên trong căn cứ và ở bên cạnh một Hạm đội Biển Đen hùng mạnh.

 

Thiếu đầu tư, thiếu hoạt động bảo trì, bảo dưỡng đã khiến chiếc tàu ngầm duy nhất của Ukraine chẳng thể hoạt động. Ngoài ra, Ukraine có một tàu khu trục gần đây được triển khai đi tham gia vào chiến dịch chống cướp biển của NATO, và 10 tàu tuần tra, 5 tàu quét thủy lôi, 5 tàu đổ bộ và một vài chục tàu hỗ trợ. Nhiều trong số này được tin là không thể hoạt động. Vấn đề tương tự cũng diễn ra ở phi đội chiến đấu cơ thời Chiến tranh Lạnh của Ukraine . Máy bay chiến đấu của Ukraine chắc chắn là không thể ngăn chặn được lực lượng chiến đấu cơ thiện chiến và dũng mãnh của Nga. Trên giấy tờ, Kiev có 21 máy bay chiến đấu, trong đó có cả MiG-29, Su-27, Su-24 và Su-25. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều chiếc chiến đấu cơ này đã không còn cất cánh được nữa.

 

Phi công của Ukraine chỉ được bay khoảng 40 giờ một năm trong khi con số này ở phía Nga là từ 60 đến 100 giờ.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc