(VnMedia) - Các máy bay của Không quân Việt Nam ngày hôm qua (8/3) đã phát hiện hai vệt dầu loang lớn gần nơi chiếc máy bay Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích một cách đầy bí ẩn trước đó cùng ngày. Đây là dấu hiệu đầu tiên được phát hiện sau nhiều giờ chiếc máy bay chở 239 khách bị rơi.
Ảnh minh họa |
Máy bay không quân là một phần trong lực lượng đa quốc gia đang tích cực tham gia vào công việc tìm kiếm và cứu hộ chiếc máy bay của Malaysia sau khi nó biến mất khỏi màn hình radar chưa đầy một giờ sau khi cất cánh từ thủ đô Kuala Lumpur để đến Bắc Kinh vào rạng sáng ngày hôm qua.
Hai vệ dầu loang lớn đã được phát hiện vào chiều ngày hôm qua ở đầu phía nam của Việt Nam và mỗi vệt dầu loang dài 10 và 15km. Hiện tại, chưa có lời xác nhận nào được đưa ra về việc những vệt dầu loang đó có liên quan đến chiếc máy bay mất tích nhưng những vệt dầu này rất phù hợp với kiểu mà hai bình nhiên liệu của máy bay Boeing 777 thải ra nếu nó rơi.
2/3 hành khách đi trên chiếc máy bay mất tích là từ Trung Quốc trong khi các hành khách khác đến từ các khu vực như Châu Á, Bắc Mỹ và Châu Âu.
Tổng Giám đốc điều hành hãng hàng không Malaysia Airlines – ông Ahmad Jauhari cho biết, không có dấu hiệu nào chứng tỏ các phi công của họ đã phát đi tín hiệu kêu cứu. Điều này cho thấy, dù có chuyện gì xảy ra với chiếc máy bay thì nó đã diễn ra quá chóng vánh và quá thảm khốc.
Khi được hỏi liệu có khả năng chủ nghĩa khủng bố có liên quan trong vụ việc này, Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho biết, "Chúng tôi đang xem xét mọi khả năng có thể nhưng còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận nào”.
Các quan chức Bộ Ngoại giao ở Italia và Áo cho biết tên của hai người đến từ nước họ có trong danh sách hành khách của chuyến bay mất tích là dùng hộ chiếu giả ăn cắp được ở Thái Lan.
Bộ Ngoại giao Italia cho biết, người đàn ông Italia có tên trong danh sách hàng khách là Luigi Maraldi đang đi du lịch ở Thái Lan và không có mặt trên chuyến bay gặp nạn. Theo cơ quan này, ông Maraldi đã trình báo về việc mình bị mất hộ chiếu hồi tháng 8 năm ngoái.
Bộ Ngoại giao Áo cũng xác nhận một cái tên khác có trong danh sách hành khách của máy bay Boeing 777 là tên của một người Áo đã mất hộ chiếu từ cách đây 2 năm ở Thái Lan. Người Áo đó không đi trên máy bay.
Tại thủ đô Bắc Kinh, giới chức đã đã cho đăng thông báo yêu cầu người thân và bạn bè của các hành khách tập hợp tại một khách sạn gần đó để chờ đợi thông tin và họ cung cấp các chuyến xe buýt đi lại như con thoi cho những người này. Một người phụ nữ khóc trên xe buýt và nói qua điện thoại rằng: “Họ muốn chúng tôi đến khách sạn. Điều đó không thể tốt”.
Những người thân và bạn bè của hành khách được dẫn đến một khu vực riêng của khách sạn và phóng viên không được tiếp cận. Một người đàn ông sau đó đã xông ra phàn nàn về việc thiếu thông tin. Người đàn ông này cho biết, anh đang rất lo lắng bởi mẹ của mình có mặt trên chuyến bay của hãng hàng không Malaysia Airlines với một nhóm 10 du khách.
"Chúng tôi đã chờ đợi nhiều giờ đồng hồ và chẳng có thông tin xác nhận nào cả”, người đàn ông nói trên cho biết.
Theo hãng hàng không Malaysia Airlines, chiếc máy bay Boeing 777-200 đã biến mất lúc khoảng 2h40 sáng theo giờ địa phương (tức khoảng 1h40 theo giờ Hà Nội) vào rạng sáng ngày hôm qua, khoảng 1 giờ sau khi cất cánh từ Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur. Theo lịch trình, chiếc máy bay này phải hạ cánh ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc lúc khoảng 6h30 sáng qua theo giờ địa phương (tức 5h30 theo giờ Hà Nội).
Chiếc máy bay trên được nhìn thấy trên radar lần cuối cùng lúc khoảng 1h30 sáng theo giờ địa phương ở khu vực giữa Biển Đông với vịnh Thái Lan, giới chức Malaysia và Việt Nam cho biết. Một quan chức cấp cao của Cục Hàng không Dân sự Việt Nam cho biết, các nhân viên không lưu của Việt Nam chưa hề liên lạc được với máy bay.
Chiếc máy bay “đã hoàn toàn mất liên lạc cũng như mất tín hiệu trên radar chỉ một phút sau khu vừa vào không phận Việt Nam.
Chiếc Boeing 777-200 mất tích khi đang chở 227 hành khách, trong đó có 2 trẻ nhỏ, cùng với 12 thành viên phi hành đoàn. Những hành khách này đến từ 13 nước khác nhau. Đài truyền hình Trung Quốc đưa tin, trong số 227 hành khách đi trên chuyến bay nói trên có tới 152 người Trung Quốc, 38 người Malaysia, 7 người Indonesia, 6 người Australia, 5 người Ấn Độ, 3 người Mỹ và một số người đến từ các nước Pháp, New Zealand, Canada, Nga, Vùng lãnh thổ Đài Loan và Hà Lan.
Hãng hàng không Malaysia Airlines xác định phi công trưởng lái máy bay 777-200 là ông Zaharie Ahmad Shah, 53 tuổi. Ông này đã làm việc cho hãng hàng không từ năm 1981.
Malaysia đã phái 15 máy bay và 9 tàu đến khu vực máy bay của họ gặp nạn để tìm kiếm. Hải quân Mỹ cũng đã cử một tàu chiến và một máy bay do thám trong khi Singapore phái một tàu ngầm và một máy bay. Cả Việt Nam và Trung Quốc đều huy động lực lượng tích cực tham gia công tác tìm kiếm cứu hộ.
Sẽ không có gì là lạ nếu phải mất nhiều ngày để tìm kiếm các mảnh vỡ của máy bay trôi nổi trên biển. Việc xác định vị trí của máy bay sau đó tìm kiếm hộp đen là điều vô cùng cần thiết cho cuộc điều tra. Quá trình này có thể kéo dài đến vài tháng hoặc thậm chí là vài năm.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc