Phe đối lập lấn tới, đòi xử tội nữ Thủ tướng Thái

19:16, 11/12/2013
|

(VnMedia) - Bất chấp sự nhân nhượng và có cả những giọt nước mắt, nữ Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra vẫn không làm lay chuyển được những người biểu tình sắt đá. Lực lượng này tiếp tục lấn tới, dồn ép bà Yingluck khi đòi xử bà tội phản quốc và đòi săn đuổi gia đình Shinawatra cho đến họ phải từ bỏ hoàn toàn chính trường. Đây là đòn giáng choáng váng mới nữa mà phe đối lập Thái Lan nhằm vào Thủ tướng Yingluck. Tuy nhiên, bên cạnh bà vẫn có một lực lượng ủng hộ hùng hậu và mạnh mẽ, sẵn sàng đứng ra để bảo vệ bà cũng như chính phủ dân túy của bà.

 

Ảnh minh họa

Thủ lĩnh phong trào biểu tình chống chính phủ - ông Suthep


Những người biểu tình chống chính phủ muốn "xóa sổ" hoàn toàn ảnh hưởng của anh trai bà Yingluck – cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra mặc dù ông này đã phải chọn đi sống lưu vong ở nước ngoài để trốn tránh án tù trong suốt nhiều năm qua.

 

Tối hôm thứ Hai (9/12), thủ lĩnh phong trào biểu tình chống chính phủ Thái Lan – cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban đã ra một tối hậu thư yêu cầu bà Yingluck phải từ chức trong vòng 24h đồng. Tuy nhiên, bà Yingluck đã bác bỏ yêu cầu này.

 

Ông Suthep hôm qua tuyên bố, vì nữ Thủ tướng không chịu từ bỏ chức vụ của mình trong vòng 24 giờ đồng hồ như yêu cầu của Ủy ban Cải cách Dân chủ của Nhân dân (PDRC) nên họ sẽ phải hành động. Cụ thể, theo ông Suthep, để đối phó với sự thách thức của bà Yingluck, PDRC sẽ “tung đòn pháp lý” chống lại nữ Thủ tướng và các quan chức trong chính quyền của bà. Thủ lĩnh Suthep cho rằng, cảnh sát nên bắt giữ bà Yingluck.

 

"Tôi đã yêu cầu cảnh sát bắt giữ nữ Thủ tướng Yingluck vì tội phản quốc bởi bà ấy đã không tuân theo mệnh lệnh của chúng tôi”, ông Suthep cho biết.

 

Trong các phát biểu trước đó, ông Suthep nói rằng, toàn bộ gia đình Shinawatra đầy ảnh hưởng ở Thái Lan nên rời khỏi đất nước. Trước khi hạn định cuối cùng kết thúc (tức là vào tối nay (11/12), ông Suthep đã nói rằng những người biểu tình sẽ tiếp tục chiến đấu cho đến khi gia đình Shinawatra buộc phải từ bỏ.

 

"Nếu các bạn không lắng nghe, chúng tôi sẽ đẩy cao cuộc biểu tình hiện nay cho đến khi các bạn và phần còn lại của gia đình Shinawatra không thể đứng vững thêm được nữa. Làm sao các bạn có thể đứng vững nếu mọi người khạc nhổ vào xe bạn mỗi ngày", ông Suthep đã phát biểu như vậy.

 

Theo lời ông Suthep, chính phủ của bà Yingluck đã vi phạm hiến pháp theo nhiều cách. Ngược lại, ông Suthep đang đối mặt với tội danh nổi loạn nhưng cảnh sát chưa muốn bắt giữ ông này vì e ngại sẽ làm leo thang căng thẳng.

 

Trong bài phát biểu của mình, ông Suthep còn kêu gọi quân đội – đồng minh truyền thống của lực lượng hoàng gia, trung lưu chống ông Thaksin hãy giành quyền kiểm soát các tòa nhà chính phủ thay vì để cảnh sát làm việc này. Lực lượng cảnh sát được xem là gần gũi hơn với phe của ông Thaksin.

Báo chí Thái Lan đưa tin, Tư lệnh quân đội Thái Lan – ông Prayuth Chan-ocha đã có cuộc gặp với ông Suthep ở một căn cứ quân sự nhưng một phát ngôn viên của lực lượng biểu tình phủ nhận thông tin này. "Tôi đã hỏi ông Suthep và ông ấy nói rằng điều đó không đúng. Đó chỉ là một đống những tin đồn lung tung và một người nào đó đã dựng lên chuyện này”, phát ngôn viên Akanat Promphan cho hay.

 

Mặc dù quân đội trong thời gian qua liên tiếp khẳng định không có ý định can thiệp vào tình hình chính trường Thái Lan nhưng người ta vẫn lo ngại quân đội thực hiện một cuộc đảo chính quân sự để giúp phe đối lập lật đổ chính phủ của Thủ tướng Yingluck.

 

Phe áo đỏ thề bảo vệ bà Yingluck

 

Trước việc nữ Thủ tướng Yingluck bị phe đối lập dồn ép tứ phía, phe áo đỏ ủng hộ bà hôm qua đã lên tiếng thề sẽ bảo vệ chính quyền dân túy này.

 

Lực lượng áo đỏ cho biết, họ có thể sẽ sớm đổ ra đường để bảo vệ chính phủ Thái Lan trước những người biểu tình, ông Jatuporn Promphan – một trong những nhà lãnh đạo của phe áo đỏ, cho hay.

 

“Nhiệm vụ của Mặt trận Dân tộc Thống nhất chống Độc tài là tập hợp hàng ngũ những người áo đỏ và những người yêu chuộng nền dân chủ. Chúng tôi không đồng ý với phương cách của ông Suthep. Sẽ có nhiều người đổ ra đường hơn là số mà ông Suthep có thể tập hợp”, ông Jatuporn tự tin tuyên bố.

 

Lời cảnh báo trên của phe áo đổ làm dấy lên quan ngại về khả năng bùng nổ xung đột giữa lực lượng chống chính phủ và lực lượng ủng hộ chính phủ. Nếu để tình hình vượt qua khỏi tầm kiểm soát thì Thái Lan rất có thể sẽ rơi vào một cuộc nội chiến đáng sợ.

 

Phe áo đỏ có lý do để tự tin về số lượng người biểu tình ủng hộ chính phủ đông hơn lực lượng chống chính phủ. Đất nước Thái Lan vốn bị chia rẽ sâu sắc giữa một bên là phe chống cựu Thủ tướng Thaksin còn gọi là áo vàng và bên kia là lực lượng ủng hộ chính phủ còn là là áo đỏ. Ông Thaksin – anh trai của bà Yingluck vốn được đông đảo người dân nghèo và người dân vùng nông thôn yêu mến. Trong khi đó, ông lại là kẻ thù của tầng lớp hoàng gia, trung lưu dù ít hơn về số lượng nhưng lại có thế lực hơn.

 

Trong thời gian qua, phe áo đỏ vẫn ẩn mình, không đổ ra đường biểu tình vì muốn tránh một cuộc đụng độ đổ máu với lực lượng áo vàng. Phe áo đỏ tin rằng, tình trạng đổ máu xảy ra sẽ là “cái cớ” để quân đội quyền lực của Thái Lan can thiệp vào chính trường, thực hiện một cuộc đảo chính quân sự như họ từng làm với ông Thaksin năm 2006.

 

Hiện tại, cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan đang rơi vào bế tắc hoàn toàn bởi phe đối lập nhất quyết không chịu đi theo phương án bầu cử sớm mà nữ Thủ tướng Yingluck đưa ra. Phe đối lập thừa hiểu họ không thể giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử nên đòi thành lập một hội đồng nhân dân với “những người tốt” nhưng không do dân bầu nên để thay thế cho chính phủ hiện thời. Cách làm phi dân chủ này tất nhiên là không được chính phủ và phe áo đỏ đồng ý. Bản thân giới chuyên gia và các nhà phân tích cũng lên tiếng chỉ trích đòi hỏi không hợp lý của phe đối lập.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc