(VnMedia) - Binh lính Trung Quốc lại tái diễn kịch bản hồi tháng 4 khi xâm nhập vào sâu trong vùng lãnh thổ của Ấn Độ 20km và ở đó trong vài ngày. Hành động khiêu khích này diễn ra trong bối cảnh có tin Ấn Độ vừa thách thức nước láng giềng Trung Quốc bằng cách phô trương sức mạnh ở khu vực biên giới tranh chấp.
Khu vực biên giới Trung Quốc-Ấn Độ |
Báo chí Ấn Độ hôm qua (21/8) đưa tin, một nhóm binh lính Trung Quốc đã xâm nhập vào hai khu vực thuộc Arunachal Pradesh hồi tuần trước. Nguồn tin từ lực lượng quân đội và cảnh sát Ấn Độ xác nhận, các binh lính Trung Quốc đã dựng trại ở sâu trong lãnh thổ Ấn Độ 20km và ở lại đó ít nhất 3 đến 4 ngày.
Lần xâm nhập đầu tiên vào Arunachal Pradesh của quân lính Trung Quốc bị phía Ấn Độ phát hiện là vào ngày 11/8 ở Plam Plam – một khu vực ở trên cao, hẻo lánh và thưa thớt dân. Tiếp đó, cách đây vài ngày, Ấn Độ lại phát hiện lần xâm nhập thứ hai của binh lính Trung Quốc vào Hadig La, chỉ cách Plam Plam vài km.
Sau khi xâm nhập vào Plam Plam, nhóm binh lính Trung Quốc đã dựng trại lên ở đây.
Theo nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ, hôm 13/8, lực lượng nước này đã yêu cầu Trung Quốc hạ trại, rút khỏi lãnh thổ của họ. Cả hai bên đều giương ra những biểu ngữ yêu cầu bên kia rút khỏi khu vực. Binh lính Trung Quốc chỉ rời đi sau đó 4 ngày, tức là vào ngày 15/8.
Nguồn tin từ Ấn Độ cho biết, binh lính Trung Quốc chỉ thực hiện động tác rút lui chiến thuật để quay trở lại với một lực lượng tuần tra được củng cố mạnh mẽ hơn. Trước khi rút đi hôm 15/8, binh lính Trung Quốc đã tuyên bố, họ đang xây dựng một con đường nối tới Kapatu - khu vực nằm sâu trong lãnh thổ Ấn Độ 20km.
Trung Quốc cũng tuyên bố, họ đã ra vào khu vực này trong suốt 12 năm qua, kể từ năm 2001.
Giới quan chức Ấn Độ ở Itanagar cho hay, binh lính Trung Quốc chỉ đồng ý rút đi sau một cuộc họp kéo dài 15 phút giữa lực lượng biên phòng hai nước. "Họ đến và đi. Binh lính Ấn Độ hiện giờ đã được tăng cường trong khu vực”.
Tuy nhiên, vào ngày 19/8, một nhóm binh lính khác của Trung Quốc lại xâm nhập vào khu vực Hadig La. Nhóm này không dựng trại ở đây mà rút đi ngay lập tức. Vì thế, quân đội Ấn Độ cũng rút theo.
Bắc Kinh trong nhiều năm nay luôn đòi chủ quyền đối với toàn bộ bang Arunachal Pradesh rộng lớn của Ấn Độ. Vì thế, binh lính Trung Quốc nhiều lần xâm phạm nơi này nhưng đều rút đi ngay lập tức. Sự kiện hôm 11/8 đánh dấu lần đầu tiên binh lính Trung Quốc dựng trại ở Arunachal. Vụ việc này tương tự như vụ xâm nhập hồi tháng 4, gây ra một trận "sóng gió" kéo dài suốt 21 ngày trong quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu Châu Á. Khi đó, binh lính Trung Quốc đã ngang nhiên kéo vào khu vực biên giới do Ấn Độ kiểm soát và dựng trại lên ở đó. Ngay lập tức phía Ấn Độ cũng dựng trại ở khu vực đối diện, cách nhau khoảng 30m, tạo ra một tình huống “chạm trán” nguy hiểm kéo dài suốt gần 3 tuần ở Daulat Beg Oldi (DBO), phía đông Ladakh. Binh lính Trung Quốc chỉ rút đi sau rất nhiều những cuộc đàm phán căng thẳng giữa hai nước.
Hai vụ việc trên chỉ là một vài trong một loạt những cuộc chạm trán căng thẳng giữa binh lính Trung Quốc với Ấn Độ ở khu vực biên giới tranh chấp trong thời gian gần đây. Mới đây nhất, hôm 16/7, khoảng 50 binh lính Trung Quốc (có nguồn tin khẳng định là 100 binh lính) đã táo tợn cưỡi ngựa phi thẳng vào vùng lãnh thổ Chuma ở Ladakh của Ấn Độ. Trước đó chỉ vài ngày, hôm 11/7, hai máy bay trực thăng Trung Quốc đã xâm phạm không phận Ấn Độ ở khu vực biên giới. Cũng tại đó, hôm 17/6, một loạt binh lính Trung Quốc cũng đã thực hiện một cuộc xâm nhập, đập phá đài quan sát và cướp đi máy quay camera mà Ấn Độ lắp đặt tại đây.
Trong những vụ xâm nhập liên tiếp nói trên của binh lính Trung Quốc, chính phủ Ấn Độ thường bị phe đối lập chỉ trích là quá “mềm yếu” trước hành động hung hăng của nước láng giềng.
Tuy nhiên, hôm 20/8 mới đây, Ấn Độ đã phát đi một thông điệp cứng rắn và mang tính răn đe với Trung Quốc ở khu vực biên giới tranh chấp. Không quân Ấn Độ đã “khoe” sức mạnh bằng cách lần đầu tiên cho hạ cánh một chiếc máy bay vận tải quân sự hiện đại C 130J-30 Super Hercules ở đường băng nằm ngay trên vùng biên giới tranh chấp với Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Ấn Độ gọi đây là “minh chứng cho năng lực ngày càng mạnh” của họ.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc