Ấn Độ, Nhật Bản "trêu ngươi" lại Trung Quốc?

07:54, 22/08/2013
|

(VnMedia) - Ấn Độ phô trương sức mạnh bằng cách hạ cánh một chiếc máy bay tối tân ngay sát khu vực biên giới tranh chấp với Trung Quốc trong khi Nhật Bản tổ chức tập trận rầm rộ với hàng loạt vũ khí thiện chiến. Đây được cho là những hành động “dương oai diễu võ” nhằm thách thức Trung Quốc.

 

Ảnh minh họa

Máy bay vận tải quân sự C 130J-30 Super Hercules của Ấn Độ lần đầu hạ cánh xuống biên giới tranh chấp với Trung Quốc.


Ấn Độ thách thức Trung Quốc

 

Không quân Ấn Độ đã “khoe” sức mạnh bằng cách lần đầu tiên cho hạ cánh một chiếc máy bay vận tải quân sự hiện đại C 130J-30 Super Hercules ở đường băng nằm ngay trên vùng biên giới tranh chấp với Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Ấn Độ gọi đây là “minh chứng cho năng lực ngày càng mạnh” của họ.

 

Theo Bộ Quốc phòng Ấn Độ, chiếc máy bay C 130J-30 Super Hercules đã hạ cánh lúc 6h54 sáng ngày hôm qua (20/8) xuống Daulat Beg Oldie – đường băng cao nhất thế giới ở độ cao 5.065m so với mực nước biển. Đường băng này nằm ở khu vực biên giới tranh chấp Aksai Chin và được xây dựng trong cuộc chiến tranh Trung-Ấn năm 1962.

 

Sự kiện hạ cánh xuống khu vực tranh chấp của một loại máy bay thường được sử dụng cho các chiến dịch đặc biệt và các cuộc tấn công từ trên không đã cho thấy lập trường cứng rắn của Ấn Độ đối với Trung Quốc sau một loạt những vụ đụng độ gần đây giữa lực lượng hai nước ở đường biên giới tranh chấp hay còn gọi là Đường Kiểm soát Thực tế (LAC).

 

Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã miêu tả sự kiện này là một minh chứng cho thấy năng lực và sức mạnh của Không quân Ấn Độ đã tăng lên đáng kể. Điều đáng chú ý là máy bay của Ấn Độ hạ cánh ở đúng nơi từng chứng kiến binh lính Trung, Ấn có cuộc đối đầu trực diện đầy nguy hiểm kéo dài suốt 3 tuần hồi tháng 4 sau một cuộc xâm nhập của phía Trung Quốc.

 

Động thái đầy thách thức trên của New Delhi chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh không thể không cảm thấy bất an. Bắc Kinh từ lâu vốn đã hoài nghi sâu sắc về việc Không quân Ấn Độ tái xây dựng lại một loạt bãi đáp ở khu vực Ladakh trong những năm gần đây.

 

Không quân Án Độ đã tái xây dựng ít nhất 3 bãi đáp trong vòng 5 năm qua với mục đích là có thể rút ngắn thời gian triển khai binh lính cũng như cung cấp hậu cần cho lực lượng Ấn Độ trong trường hợp xảy ra xung đột ở khu vực biên giới tranh chấp với Trung Quốc.

 

“Thành tựu ngày hôm nay (sự kiện máy bay C 130J-30 Super Hercules hạ cánh ở Daulat Beg Oldie – DBO) sẽ giúp cho lực lượng của chúng ta có thể khai thác tiềm năng sẵn có của máy bay bằng cách tăng cường năng lực triển khai binh lính”, một quan chức Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho hay. Ấn Độ đã ký hợp đồng trị giá 1,2 tỉ USD năm 2008 để mua 6 chiếc máy bay vận tải quân sự tối tân C-130 J của Mỹ. Không quân Ấn Độ đang có kế hoạch đặt thêm 6 chiếc máy bay loại này.

 

Đường băng ở DBO đã được tái khởi động hồi tháng 5 năm 2008, sau đó đến lượt bãi đáp Fukche vào tháng 11 cùng năm và bãi đáp Nyoma hồi tháng 9 năm 2009. Tất cả các đường băng này đều nằm ở khu vực biên giới tranh chấp với Trung Quốc và chúng đều đã không được sử dụng trong suốt hơn 43 năm qua kể từ sau cuộc chiến Trung-Ấn năm 1962.

 

Trung Quốc đã đòi Ấn Độ phải đóng cửa các đường băng ở DBO và Fukche.

 

Ấn Độ từng cho hạ cánh những chiếc máy bay quân sự AN-32 do Nga chế tạo nhưng những chiếc máy bay đó có năng lực vận tải hạn chế. Khi chiếc AN-32 lần đầu tiên hạ cánh ở khu vực biên giới tranh chấp cách đây 5 năm, Trung Quốc đã kêu gọi tiến hành một cuộc họp với Ấn Độ để bàn về chuyện này.

 

“Sự kiện chiếc máy bay vận tải tối tân C-130J hạ cánh ở DBO tuy là hành động chiến thuật nhỏ nhưng có ảnh hưởng chiến lược rất lớn”, cựu Tư lệnh Không quân Ấn Độ - ông Fali Major đã nhận định như vậy.

 

C-130J với 4 động cơ Rolls Royce có thể được sử dụng vào một loạt nhiệm vụ khác nhau như các chiến dịch đặc biệt, vận chuyển trong chiến tranh, gìn giữ hòa bình, tham gia các cuộc xung đột nhỏ, các chiến dịch tìm kiếm, cứu trợ thảm họa và nhân đạo. C-130J có mặt trong Không quân của 15 nước trong đó có Mỹ, Anh, Australia, Canada, Đan Mạch và Italia.

 

Động thái mới nhất nói trên của chính phủ Ấn Độ diễn ra trong bối cảnh nước này vừa có một loạt cuộc chạm trán căng thẳng với Trung Quốc ở khu vực biên giới tranh chấp. Mới đây nhất, hôm 16/7, khoảng 50 binh lính Trung Quốc (có nguồn tin khẳng định là 100 binh lính) đã táo tợn cưỡi ngựa phi thẳng vào vùng lãnh thổ Chuma ở Ladakh của Ấn Độ. Trước đó chỉ vài ngày, hôm 11/7, hai máy bay trực thăng Trung Quốc đã xâm phạm không phận Ấn Độ ở khu vực biên giới. Cũng tại đó, hôm 17/6, một loạt binh lính Trung Quốc cũng đã thực hiện một cuộc xâm nhập, đập phá đài quan sát và cướp đi máy quay camera mà Ấn Độ lắp đặt tại đây. Đáng chú ý nhất là vụ xảy ra vào hồi tháng 4. Khi đó, binh lính Trung Quốc đã ngang nhiên kéo vào khu vực biên giới do Ấn Độ kiểm soát và dựng trại lên ở đó. Ngay lập tức phía Ấn Độ cũng dựng trại ở khu vực đối diện, cách nhau khoảng 30m, tạo ra một tình huống “chạm trán” nguy hiểm kéo dài suốt gần 3 tuần ở Daulat Beg Oldi (DBO), phía đông Ladakh.

Những vụ xâm nhập của binh lính Trung Quốc vào phần đất Ấn Độ gần đây trở nên thường xuyên hơn. Giữa hai cường quốc hàng đầu Châu Á - Trung Quốc và Ấn Độ tồn tại một cuộc tranh chấp lãnh thổ kéo dài và đã từng leo thang thành một cuộc chiến tranh năm 1962. Bất chấp 15 vòng đàm phán cấp cao đã diễn ra, Trung Quốc và Ấn Độ đến nay vẫn chưa thể giải quyết được cuộc tranh chấp lãnh thổ ở khu vực biên giới giữa hai nước.

 

Nhật Bản phô trương sức mạnh dưới chân Núi Phú Sĩ

Nhật Bản hôm qua (20/8) đã tiến hành một cuộc tập trận rầm rộ ở dưới chân Núi Phú Sĩ. Mục đích của cuộc tập trận này là nhằm phô trương năng lực và sức mạnh của Nhật Bản trong việc bảo vệ đất nước cũng như tập hợp sự ủng hộ cho các kế hoạch nhằm giúp quân đội Nhật có vai trò lớn hơn ở cả trong nước và nước ngoài.

 

Ảnh minh họa

Lực lượng Nhật Bản đang tập trận rầm rộ


Được thiết kế như một sự kiện mang tính phô trương nhiều hơn là diễn tập, cuộc tập trận mới nhất của Nhật Bản dựa trên kịch bản nước này bị tấn công từ biển. Theo kịch bản giả định, một loạt máy bay, các đơn vị pháo binh, xe tăng và trực thăng đã tập trung hỏa lực vào các mục tiêu ở căn cứ của Nhật Bản dưới chân núi Phú Sĩ – một biểu tượng hùng mạnh của Nhật Bản.

 

Để đối phó với cuộc tấn công giả định trên, Nhật Bản đã tung ra 2.400 binh lính, 30 máy bay và 80 xe tăng, thiết giáp. Cuộc tập trận này sẽ diễn ra trong vài ngày. Được khởi động từ năm 1961, những cuộc tập trận kiểu này được tổ chức thường niên và là sự kiện phô trương sức mạnh lớn nhất của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất của Nhật Bản mỗi năm.

 

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản - ông Itsunori onodera cho biết trong một tuyên bố rằng, cuộc tập trận đang diễn ra là nhằm để thể hiện quyết tâm của Nhật Bản trong việc đối phó với “những bất ổn ngày càng sâu” trong khu vực cũng như phô trương năng lực của họ trong việc bảo vệ lãnh thổ của nước này.

 

Mặc dù không nói cụ thể nhưng giới chuyên gia tin rằng, cuộc tập trận trên của Nhật Bản là nhằm vào Trung Quốc bởi hai nước này đang có cuộc đối đầu quyết liệt vì tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Trước một Trung Quốc ngày càng quyết liệt, giới chức Nhật Bản đang kêu gọi tăng cường sức mạnh cho quân đội để họ có thể đối phó với nước láng giềng.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc