(VnMedia) - Dù thừa sức hạ gục Lực lượng Không quân thiện chiến của Tổng thống Bashar al-Assad nhưng chính quyền Mỹ vẫn “án binh bất động” bất chấp những lời cầu cứu khẩn thiết và liên tiếp của phe nổi dậy Syria. Vì sao Washington lại hành động như vậy?
(Ảnh minh hoạ) |
Theo giải thích được Tướng Martin Dempsey – Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Liên quân Mỹ, đưa ra trong một bức thư gửi cho một nghị sĩ Mỹ, sở dĩ chính quyền của Tổng thống Barack Obama phản đối đánh Syria, thậm chí là trong một chiến dịch can thiệp quân sự hạn chế, là bởi vì Washington tin rằng, phe nổi dậy chống chính quyền Assad sẽ không ủng hộ cho các lợi ích của Mỹ khi lực lượng này lên cầm quyền.
Ông Dempsey cũng bác bỏ thẳng thừng khả năng Mỹ tiến hành các cuộc tấn công Syria bằng tên lửa hành trình hay bất kỳ sự lựa chọn nào khách không đòi hỏi Mỹ phải triển khai lính bộ binh. Vị Tướng Mỹ cho biết, Mỹ thừa khả năng tiêu diệt Lực lượng Không quân của Tổng thống Assad cũng như làm thay đổi cán cân trong cuộc nội chiến kéo dài hơn 28 tháng qua ở đất nước Syria. Tuy nhiên, ông Dempsey cho rằng, một cách tiếp cận như vậy sẽ lôi Mỹ dính líu sâu hơn vào một cuộc chiến tranh khác ở thế giới Ả-rập và không đem lại gì cho chiến lược hoà bình ở quốc gia vốn đã quá bất ổn bởi sự mâu thuẫn, đối đầu giữa các phe nhóm sắc tộc.
"Syria ngày nay không phải là sự lựa chọn giữa hai bên: bên này, bên kia, mà là lựa chọn một trong số nhiều phe phái. Tôi tin rằng, phe mà chúng ta lựa chọn phải sẵn sàng thúc đẩy lợi ích của chính họ và của cả chúng ta khi cán cân nghiêng về phía họ. Thực tế hiện nay sẽ không diễn ra như vậy", ông Dempsey viết như vậy trong bức thừ đề ngày 19/8 gửi nghị sĩ Eliot Engel.
Rõ ràng, bất chấp việc liên tục kêu gọi lật đổ ông Assad, Tổng thống Obama vẫn kiên quyết từ chối không cho phép quân Mỹ bị lôi kéo thêm vào một cuộc xung đột ở Trung Đông.
Vì sao Mỹ không muốn can thiệp quân sự vào Syria?
Trong bức thư gửi nghị sĩ Engel, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Liên quan Mỹ đã giải thích lý do vì sao Mỹ bác bỏ một loạt lựa chọn can thiệp quân sự vào Syria.
Theo ông Dempsey, việc thiết lập một vùng cấm bay để bảo vệ phe nổi dậy Syria như phương Tây làm ở Libya trước đây sẽ đòi hỏi Mỹ phải tung ra hàng trăm máy bay với chi phí lên tới 1 tỉ USD trong khi đó chiến dịch này không đảm bảo được rằng, nó sẽ giúp thay đổi thế trận hiện nay trong cuộc nội chiến ở Syria.
Tướng Mỹ cũng loại bỏ những lựa chọn như đào tạo cho các nhóm chiến binh nổi dậy, tiến hành những cuộc tấn công hạn chế vào mạng lưới hệ thống phòng không Syria và tạo vùng đệm an toàn cho phe nổi dậy. Ông này nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tránh hậu quả tương tự như ở Iraq hay Afghanistan bằng cách duy trì một quốc gia hoạt động đúng chức năng để thực hiện quá trình chuyển tiếp quyền lực trong tương lai. Ngoài ra, ông Dempsey cũng chỉ ra nguy cơ về việc Mỹ sẽ mất máy bay khi thực hiện các lựa chọn trên.
Trước đó, nghị sĩ Engel từng lên tiếng ủng hộ Mỹ hành động mạnh tay hơn ở Syria với đề xuất sử dụng tên lửa hành trình và các vũ khí thiện chiến khác để tấn công vào các căn cứ không quân của Syria. Nghị sĩ Mỹ cho rằng, những cuộc tấn công như thế sẽ làm tê liệt Không lực Syria đồng thời cũng giúp giảm nguồn cung cấp vũ khí cho chính quyền Assad từ Iran và Nga. Trong khi đó, biện pháp này sẽ không gây tốn kém tiền đóng thuế của dân Mỹ cũng như không cần Mỹ phải đưa lực lượng vào chiến trường Syria hay bầu trời Syria.
Đáp lại tranh luận trên của ông Engel, Tướng Dempsey khẳng định, cách tiếp cận trên không làm thay đổi được cán cân nghiêng về ông Assad cũng như không giải quyết được những vấn đề sâu hơn đang bào mòn đất nước Syria.
"Chúng ta có thể phá huỷ Lực lượng Không quân Syria. Mất đi Không lực, quân của ông Assad sẽ không còn khả năng tấn công phe nổi dậy từ trên không nhưng điều đó sẽ khiến Mỹ phải leo thang hành động ở Syria và sẽ dính líu sâu hơn vào cuộc xung đột ở đây. Nói theo cách khác, đó không phải là một đòn có tính quyết định về mặt quân sự mà sẽ là hành động quyết định lôi chúng ta vào một cuộc chiến mới”, ông Dempsey phân tích.
"Việc Mỹ huy động lực lượng quân sự có thể thay đổi cán cân trên chiến trường Syria nhưng nó chẳng thể giải quyết được gốc rễ sâu xa của những vấn đề tôn giáo, sắc tộc đang thổi bùng cuộc xung đột hiện nay ở Syria”, ông Dempsey nói thêm.
Với những nhận định ở trên, Tướng Mỹ ủng hộ chính sách hiện nay của chính quyền Syria đối với vấn đề Syria. Cụ thể, Mỹ sẽ cung cấp sự trợ giúp lớn hơn về mặt nhân đạo nếu được đề nghị đồng thời sẽ tăng cường ủng hộ cho phe nổi dậy theo đường lối ôn hoà ở Syria.
Những đánh giá đầy bi quan trên của Tướng Dempsey không làm hài lòng các thành viên của giới lãnh đạo vốn đầy chia rẽ của phe nổi dậy Syria cũng như một số thành viên của chính quyền Mỹ đang ra sức ủng hộ, kêu gọi Mỹ ủng hộ lớn hơn cho cuộc chiến của phe nổi dậy nhằm lật đổ chính quyền của Tổng thống Assad. Bất chấp thực tế phe nổi dậy liên tiếp đối mặt với tình trạng chia rẽ, tranh chấp, đấu đá nội bộ, một số nhóm trong lực lượng này vẫn nỗ lực hợp tác với Mỹ, các quốc gia Châu Âu và Ả-rập để thành lập một phong trào thống nhất, liên kết giúp họ xây dựng một quốc gia dân chủ đa sắc tộc.
Tuy nhiên, các phe nhóm chống Tổng thống Assad khác nhau rất nhiều về mục đích chính trị và niềm tin tôn giáo và không phải nhóm nào cũng mong muốn nhận được sự ủng hộ của phương Tây.
Khi cuộc nội chiến ở Syria tiếp tục diễn ra ác liệt với hơn 100.000 người thiệt mạng và xã hội nước này mỗi lúc một rạn vỡ, các phe nhóm nổi dậy có liên quan đến tổ chức Al-Qaeda và các nhóm chiến binh cực đoan ngày càng nổi lên mạnh hơn và giành được nhiều ảnh hưởng hơn trong phe nổi dậy. Diễn biến này càng khiến chính quyền Mỹ thêm chùn tay trong việc đưa ra bất kỳ hành động nào ở chiến trường Syria.
Tướng Dempsey miêu tả cuộc chiến ở Syria giờ đây “rất phức tạp và thảm khốc”. “Đó là một cuộc xung đột lâu dài với gốc rễ sâu xa là sự đối đầu giữa rất nhiều phe nhóm. Các cuộc đấu tranh bạo lực nhằm tranh giành quyền lực sẽ tiếp tục sau khi chính quyền của ông Assad bị sụp đổ. Vì thế, chúng ta nên đánh giá, cân nhắc hiệu quả của các lựa chọn can thiệp quân sự trong bối cảnh này”, ông Dempsey nhắc nhở.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc