“Đòn đánh” của Mỹ không làm Assad suy yếu

06:23, 31/08/2013
|

(VnMedia) - Bất chấp sự phản đối của nhiều người dân Mỹ, của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và nguy cơ "bỏ ngang chừng" của đồng minh Anh, chính quyền của Tổng thống Barack Obama dường như vẫn quyết tâm tiến đánh Syria để từng phạt chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad vì tội sử dụng vũ khí hóa học.

Sự quyết tâm của Mỹ sẽ được khích lệ khi Pháp mới đây tuyên bố sẽ sát cánh cùng với cường quốc số 1 thế giới trong chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria . Tuy nhiên, ông Obama có thể sẽ phải băn khoăn khi nhiều chuyên gia nhận định, “đòn đánh” của Mỹ sẽ không làm suy yếu được sức mạnh của quân đội trung thành với ông Assad.

 

Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa


Pháp sát cánh với Mỹ

 

Mỹ có thể đơn phương hành động ở Syria sau khi Quốc hội Anh phản đối kế hoạch trừng phạt chính quyền của Tổng thống Assad, giới chức Mỹ hôm 29/8 đã tuyên bố như vậy. Theo lời phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng - bà Caitlin Hayden cho biết trong một tuyên bố rằng, các cuộc tham vấn với Anh sẽ tiếp tục nhưng “việc đưa ra quyết định của Tổng thống Obama sẽ được đưa ra dựa trên lợi ích cao nhất của nước Mỹ”.

 

"Ông ấy tin rằng, những lợi ích cốt lỗi của nước Mỹ đang gặp nguy hiểm và rằng những nước vi phạm quy định quốc tế liên quan đến vấn đề vũ khí hóa học cần phải chịu trách nhiệm”, bà Hayden nói.

 

Trước đó, phát ngôn viên Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đều đồng loạt lên tiếng, nước này sẵn sàng hành động theo kế hoạch riêng sau khi có tin Thủ tướng Anh không thể thuyết phục được Quốc hội ủng hộ cho chiến dịch tấn công Syria.

 

Người nhiều đã dự đoán đến kịch bản Mỹ “đơn thương độc mã” tấn công vào Syria để trừng phạt cho hành động “bước qua lằn ranh đỏ” mà Tổng thống Obama từng nhiều lần cảnh báo.

 

Tuy nhiên, sau tin không tốt lành từ Anh, Mỹ đã nhận được tín hiệu vui từ Pháp khi Tổng thống François Hollande hôm 30/8 mạnh miệng tuyên bố sẽ ủng hộ mạnh mẽ cho hành động quân sự của quốc tế nhằm chống lại chính phủ Syria . Trả lời phỏng vấn tờ Nhật báo Le Monde của Pháp, ông Hollande cho rằng, vụ tấn công bằng vũ khí hóa học hôm 21/8 ở ngoại ô thủ đô Damascus “không thể không bị trừng phạt”. Phương Tây đổ lỗi chính quyền của ông Assad đã gây ra vụ tấn công này.

 

Theo Tổng thống Pháp, nếu không trừng phạt Syria , “điều đó sẽ gây ra nguy cơ leo thang đến mức việc sử dụng vũ khí hóa học hay đe dọa các nước khác trở thành bình thường”.

 

Một cuộc tấn công quân sự nhằm phá hủy các mục tiêu của chính phủ Syria sẽ có “giá trị làm chùn bước” và thúc đẩy chính phủ của Tổng thống Assad tiến tới một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột, Tổng thống Holland nói thêm.

 

Pháp trước đó đã công khai kêu gọi trừng phạt chính phủ của Tổng thống Assad vì những cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học.

 

“Đòn đánh” của Obama sẽ không làm suyyếu sức mạnh của quân Assad

 

Trong khi chính quyền Mỹ được cho là đang cấp tập chuẩn bị “tung đòn” trừng phạt chính quyền Syria thì nhiều nhà phân tích nhận định, chiến dịch của Mỹ sẽ không làm suy yếu được sức mạnh quân sự của ông Assad.

 

Hiện tại, Nhà Trắng đang đặt lên bàn một loạt sự lựa chọn quân sự nhưng lựa chọn được đặt lên hàng đầu hiện nay là một chiến dịch “thận trọng và hạn chế” cả về quy mô lẫn thời gian. Chính quyền Obama thẳng thừng bác bỏ những lựa chọn quân sự mạnh mẽ vượt hơn cả quy mô của một cuộc tấn công bằng tên lửa từ biển hay một chiến dịch không kích ngắn.

 

Cụ thể, Mỹ hoàn toàn không có ý định đưa lính bộ binh vào chiến trường Syria hay dùng những lựa chọn quân sự có thể làm thay đổi chính quyền của Tổng thống Assad. “Chúng tôi khong bàn đến một chiến dịch như kiểu ở Libya ”, phó nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ - bà Marie Harf nhấn mạnh. Mỹ cũng không có ý định tấn công vào kho vũ khí hạt nhân hay các cơ sở hạ tầng của quân đội Syria . Chiến dịch của Mỹ được cho là chỉ kéo dài vỏn vẹn trong 3 ngày.

 

Tính toán trên của Nhà Trắng đã phản ánh thực tế Mỹ không muốn bị lôi vào cuộc nội chiến ở Syria .

 

Với một chiến dịch hạn chế cả về quy mô và thời gian như trên, thì nhận định cho rằng, Mỹ không thể làm suy yếu sức mạnh của quân ông Assad dường như là đúng.

 

Trong hơn 2 năm qua, cả quân Assad lẫn phe nổi dậy đều không không thể giành được một chiến thắng quyết định. Giới phân tích quân sự cảnh báo, năng lực của quân đội Syria, trong đó có cả năng lực về kho vũ khí hạt nhân, sẽ không bị suy yếu mấy sau một đợt không kích hay tấn công bằng tên lửa hành trình của Mỹ.

 

Theo các nhà phân tích, khả năng phục hồi của quân Assad sau đợt tấn công có thể tạo áp lực cho chính quyền Tổng thống Obama can thiệp sâu hơn vào Syria nhưng đây là điều mà Mỹ đang hết sức muốn tránh.

 

Trong khi đó, người ta tin rằng, Mỹ chắc chắn sẽ không tấn công vào các kho vũ khí hóa học bởi điều đó gây nguy cơ lớn về môi trường cũng như dẫn đế khả năng những thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt đó rơi vào tay lực lượng khủng bố và sau này được dùng để chống lại chính phương Tây.

 

Vì thế, chiến dịch tấn công của phương Tây được cho là sẽ nhằm vào các mục tiêu của giới lãnh đạo chính trị, quân sự Syria hay các phương tiện mà quân Assad có thể dùng để thực hiện các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học. Đòn đánh này có thể làm suy yếu khả năng của Tổng thống Assad trong việc dùng vũ khí hóa học tấn công phe nổi dậy nhưng sẽ không xóa bỏ hoàn toàn được thứ vũ khí này trừ khi cuộc nội chiến khủng khiếp ở Syria kết thúc.

 

Phương Tây cũng có thể hướng tới các mục tiêu như những hệ thống radar phòng không, các căn cứ không quân, máy bay, các đơn vị mặt đất và cả những cơ sở kiểm soát, chỉ huy của quân đội Syria .

 

Tuy nhiên, nếu chỉ thực hiện trong thời gian ngắn với quy mô hạn chế, chiến dịch của phương Tây chỉ phá hủy một phần cơ sở của quân đội Syria chứ không chôn vùi được chúng. Như vậy, quân Assad vẫn có thể phục hồi và tiếp tục chiến đấu với phe nổi dậy.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc