Biển Đông: Đấu trường nảy lửa giữa Mỹ-Trung

09:56, 28/08/2013
|

(VnMedia) - Trung Quốc từ lâu đã có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông với một loạt nước láng giềng Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei. Gầy đây, khi Trung Quốc trở nên hung hăng, quyết liệt trong các cuộc tranh chấp này thì Mỹ cũng bắt đầu thực hiện chiến lược chuyển hướng trọng tâm vào Châu Á. Biển Đông vì thế đã trở thành đấu trường mới chứng kiến cuộc đấu quyết liệt giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm tranh giành các lợi ích ở đây.
 

Ảnh minh họa

Tàu Trung Quốc phóng tên lửa trong một cuộc tập trận ở Biển Đông hồi năm ngoái


Tranh chấp ở Biển Đông

 
Trung Quốc khiến các nước láng giềng tức giận và bất bình khi đưa ra đường 9 đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò để đòi chủ quyền đối với gần 80% Biển Đông. Đường lưỡi bò của Trung Quốc xâm phạm đến vùng đặc quyền kinh tế của nhiều nước thành viên ASEAN và vi phạm luật quốc tế.
 
Để thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông thông qua đường 9 đoạn, Trung Quốc đã dùng nhiều biện pháp, chiến thuật cứng rắn và hung hăng để dần phá vỡ thế nguyên trạng ở Biển Đông, tiến tới giành quyền kiểm soát trên thực tế các vùng tranh chấp. Trung Quốc đã ít nhiều thành công khi chiếm được bãi cạn Scarborough từng là ngư trường đánh cá truyền thống của Philippines. Cường quốc Châu Á đang tiến tới xác lập quyền kiếm soát ở các khu vực tranh chấp khác trên Biển Đông.
 
Phản ứng trước diễn biến trên, Philippines dưới sự ủng hộ ngầm của Mỹ hồi đầu năm nay đã phát đơn kiện nước láng giềng Trung Quốc lên Tòa án Quốc tế về Luật Biển có trụ sở ở Đức. Đây là một tổ chức pháp lý độc lập được thành lập nhằm giải quyết các cuộc tranh chấp hàng hải.
 
Theo giải thích của giới chức Philippines, nước này đã dùng đủ mọi biện pháp để tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho các cuộc tranh chấp với Trung Quốc nhưng không có tác dụng nên họ buộc phải đưa vấn đề ra giải quyết tại tòa án quốc tế. Bắc Kinh phản đối quyết liệt hành động của Mania nhưng điều đó không làm thay đổi được quyết định của giới chức Philippines. Nước này tuyên bố, dù Trung Quốc có đồng ý hay không thì họ vẫn xúc tiến đưa các cuộc tranh chấp ở Biển Đông ra giải quyết tại tòa án quốc tế.
 
Đấu trường mới
 
Đúng thời điểm Trung Quốc ra sức tăng cường sức mạnh hải quân, bành trướng ra các vùng biển thì Mỹ - siêu cường số 1 thế giới bắt đầu thực hiện chiến lược chuyển hướng trọng tâm vào Châu Á. Chiến lược này được xem là một bước đi của Mỹ nhằm làm đối trọng với chính sách bành trướng trên biển của Trung Quốc.
 
Mỹ liên tục nói rằng, họ giữ lập trường trung lập, không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Nước này còn kêu gọi ASEAN đứng ra làm trung gian để giải quyết các cuộc tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
 
Nhiều người tin rằng, những bước đi, động thái cũng như phát biểu của giới quan chức cấp cao Mỹ trong thời gian vừa qua cho thấy, cường quốc số 1 thế giới dường như sẽ không đứng về bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông vì ngại chọc giận Trung Quốc. Dù kình địch với nhau nhưng nền kinh tế của Mỹ và Trung Quốc gắn bó chặt chẽ với nhau. Washington được cho là sẽ không từ bỏ lợi ích to lớn trong mối quan hệ với Trung Quốc để bảo vệ các đồng minh Châu Á. Vậy câu hỏi được đặt ra ở đây là Mỹ muốn gì khi thực hiện chiến lược quay trở về Châu Á đúng thời điểm Trung Quốc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải quyết liệt với các nước láng giềng.
 
Câu trả lời được nhiều người ủng hộ là, Mỹ thực hiện chiến lược chuyển hướng trọng tâm vào Châu Á là vì mục đích riêng, lợi ích riêng của nước này chứ không liên quan gì đến việc bảo vệ các đồng minh của họ. Thực chất, chính quyền Mỹ không muốn giải quyết các cuộc tranh chấp ở Biển Đông mà họ chỉ muốn xúc tiến các kế hoạch, bước đi nhằm bảo vệ lợi ích riêng và đồng thời duy trì ảnh hưởng ở khu vực Châu Á năng động, chứa đựng nhiều tiềm năng này.
 
Hiện tại, người ta hy vọng, ASEAN sẽ đóng vai trò trung gian, giúp tháo “ngòi nổ” ở Biển Đông. Hôm 14 và 15/8 vừa rồi, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã có cuộc họp ởi Thái Lan để bàn về việc tìm kiếm một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (CoC). Bộ Quy tắc này sẽ tạo ra một bộ khung, một cơ chế giúp quản lý các cuộc tranh chấp ở Biển Đông, giảm căng thẳng và tránh xung đột. Tại cuộc họp này, ASEAN tuyên bố sẽ nói cùng “một giọng” trong vấn đề Biển Đông.
 
Ngoại trưởng các nước ASEAN đã đồng lòng nhất trí tìm kiếm CoC để giải quyết các cuộc xung đột ở Biển Đông. Đây là bước chuẩn bị cho hội nghị ngoại trưởng các nước ở thủ đô Bắc Kinh sắp tới. Cuộc họp này là một phần trong lễ kỷ niệm 10 năm ngày thiết lập diễn đàn đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng đã đồng ý thảo luận về một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Cuộc họp này sẽ đặt nền móng cho Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN ở Brunei vào tháng 10 tới.
 
Tuy nhiên, giới chuyên gia tỏ ra không mấy lạc quan về triển vọng ASEAN và Trung Quốc đạt được CoC trong thời gian trước mắt bởi Bắc Kinh mới đây tuyên bố, các nước không nên vội vàng, hấp tấp trong quá trình tìm kiếm một bộ quy tắc ứng xử. Điều này cho thấy, Bắc Kinh chưa thực lòng muốn xúc tiến quá trình thiết lập CoC.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc