(VnMedia) - Phe nổi dậy Syria đã nhận được những chuyến hàng vũ khí thiện chiến hơn, uy lực hơn từ các nước đồng minh vùng Vịnh trong những tuần gần đây, trong đó có cả tên lửa phòng không, tên lửa chống tăng. Đây là hai thứ vũ khí mà từ lâu phe nổi dậy vẫn thèm muốn và những vũ khí này được cho là có thể giúp phe nổi dậy đẩy lùi đà tiến quân mạnh mẽ của quân chính phủ.
Phe nổi dậy không thể mạnh lên vì những mâu thuẫn nội bộ sâu sắc. |
Tuy nhiên, khi mà tác dụng thay đổi thế trận còn chưa thấy đâu thì những chuyến hàng vũ khí hạng nặng trên lại đang làm dấy lên một loạt cuộc tranh giành, cãi cọ “sứt đầu mẻ trán” giữa các phe nhóm trong nội bộ lực lượng nổi dậy. Đây là thực tế vô cùng rắc rối mà Mỹ sẽ phải đối mặt khi cường quốc này bắt đầu trực tiếp cung cấp vũ khí cho các chiến binh nổi dậy – bước chuyển hướng lớn của chính quyền Mỹ trong việc can thiệp vào cuộc nội chiến ở đất nước Syria.
Mỗi chuyến hàng vũ khí đến đều rơi vào một mớ bòng bong chính trị phức tạp của phe nổi dậy Syria với hàng chục sư đoàn, tiểu đoàn hoạt động trên chiến trường bị chia rẽ vì sự ghen tị, ganh đua và cạnh tranh. Đáng lo ngại hơn, thành phần các chiến binh Hồi giáo cực đoan lại đang chiếm ưu thế trong phe nổi dậy. Các sư đoàn có quan điểm ôn hòa phàn nàn rằng, lực lượng chiến binh Hồi giáo đang được ưu tiên. Trong khi đó, các chiến binh Hồi giáo lại nói rằng, họ đang bị đổ lỗi một cách không công bằng. Trên chiến trường, phe nổi dậy đang tìm cách tổ chức lại lực lượng một cách tốt hơn để được cung cấp vũ khí thiện chiến và có thể chiến đấu hiệu quả hơn nhưng lực lượng này thường xuyên “vấp ngã” vì những mâu thuẫn nói trên.
Chuyến hàng vũ khí mới nhất được chuyển đến hồi đầu tháng này là chuyến hàng thứ hai mà các nước vùng Vịnh gửi cho phe nổi dậy từ hồi tháng 11 năm ngoái và là chuyến hàng đầu tiên có tên lửa phòng không. Tuy nhiên, chuyến hàng này lại gây ra tranh cãi lớn trong nội bộ phe nổi dậy. Nhiều chiến binh “tố” rằng, số vũ khí mà các nước vùng Vịnh chuyển cho họ chỉ đến tay một trong những nhóm chiến binh Hồi giáo cực đoan có tên Ahrar al-Sham. Đây là nhóm mạnh nhất trong Mặt trận Hồi giáo Syria gồm 11 phe nhóm. Mặt trận Hồi giáo Syria ngày càng có ảnh hưởng và sức mạnh ngang hàng với Quân đội Syria Tự do được phương Tây hậu thuẫn.
"Sự phân phát vũ khí không công bằng. Nó diễn ra bừa bãi, dựa trên sự quen biết", ông Zeineddine al-Shami – một phát ngôn viên của Sư đoàn Số 1 thuộc Quân đội Syria Tự do ở khu vực Damascus, cho biết.
Nhóm Ahrar al-Sham sau đó đã nhanh chóng lên tiếng phủ nhận việc họ nhận được chuyến hàng vũ khí mới nhất từ các nước vùng Vịnh. Thủ lĩnh của nhóm - Abdullah al-Hamawi viết trên tài khoản Twitter cá nhân của ông này rằng, những thông tin về việc nhóm của ông nhận được các tên lửa chống tăng mới “chỉ được đưa ra là nhằm để khích động các phe nhóm quay ra chống lại nhau”.
Không rõ lời của ông Hamawi chính xác đến đâu nhưng nó đã phản ánh rõ ràng sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ phe nổi dậy vì vấn đề phân chia vũ khí.
Chính quyền Assad: Ngày càng tự tin
Trong khi phe nổi dậy càng lúc càng nảy sinh nhiều vấn đề khiến sức mạnh của họ suy giảm thì ở bên kia, lực lượng của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad mỗi lúc một thêm tự tin. Ngày hôm qua (20/6), Thứ trưởng Ngoại giao Syria – ông Faisal Mekdad tuyên bố, ông này “hoàn toàn tự tin” rằng, quân đội sẽ giành lại được toàn bộ những phần lãnh thổ đang nằm trong tay phe nổi dậy và rằng chiến thắng đang trong tầm với của họ bất chấp thực tế nguồn vũ khí ồ ạt đang được đổ vào nước này.
Phát biểu trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin AP tại văn phòng của ông này ở thủ đô Damascus, Thứ trưởng Mekdad đã chỉ trích Mỹ “đạo đức giả” đồng thời kêu gọi Washington chấm dứt việc cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy đang tìm cách lật đổ Tổng thống Assad. Ông Mekdad tuyên bố, Syria có thể và sẽ tiếp tục bảo vệ mình.
"Chúng tôi tin rằng, Mỹ nên cư xử như một siêu cường có trách nhiệm, Mỹ không nên cam kết tài trợ và trang bị vũ khí cho những kẻ khủng bố”, ông Mekdad cho biết.
Chính quyền Syria thường dùng từ “khủng bố” hay là “các băng nhóm vũ trang” để nói đến phe đối lập. Theo chính phủ của ông Assad, lực lượng “khủng bố” hay “các băng nhóm vũ trang” được các thế lực nước ngoài thuê để gây bất ổn và làm suy yếu đất nước Syria. Tổng thống Obama hồi tuần trước vừa quyết định cung cấp vũ khí, đạn dược cho phe nổi dậy Syria sau khi cáo buộc chính quyền của ông Assad nhiều lần sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc nội chiến kéo dài hơn 2 năm qua ở đất nước này.
Ông Mekdad đã trả lời phỏng vấn báo AP khi quân đội Syria đang thực hiện một chiến dịch quy mô lớn nhằm chiếm lại các khu vực đã rơi vào tay phe nổi dậy ở xung quanh thủ đô Damascus và ở các tỉnh miền trung cũng như phía bắc nước này. Chính phủ cho biết, họ đang tận dụng đà chiến thắng liên tiếp trong thời gian vừa qua, đặc biệt là ở thành phố chiến lược Qusair, để tiến lên giành lại quyền kiểm soát các khu vực khác.
"Tôi nghĩ, nhiệm vụ của quân đội Syria là có mặt khắp nơi trên đất nước”, ông Mekdad cho biết. Tuy nhiên, ông này cũng khẳng định mong muốn tìm kiếm một biện pháp hòa bình để giải quyết cuộc xung đột đẫm máu hiện nay ở đất nước ông. Cuộc xung đột này đã bước sang năm thứ ba và cướp đi sinh mạng của khoảng 92.000 người.
Khi được hỏi liệu chính phủ có thể giành lại được toàn bộ những khu vực lãnh thổ đã mất vào tay phe nổi dậy hay không, Thứ trưởng Mekdad trả lời: “Chắc chắn là như vậy, tôi hoàn toàn tin tưởng để nói rằng, chính phủ đang nhận được sự ủng hộ ngày càng nhiều hơn từ toàn thể nhân dân Syria”.
"Chúng tôi có mọi lý do để tin tưởng vào điều đó dù cho một số lượng lớn vũ khí và các nhóm chiến binh đang đổ vào đất nước Syria từ những nước láng giềng, chủ yếu là từ Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Mekdad nói.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc