Mỹ: Không có chỗ cho sự ức hiếp ở Biển Đông

07:20, 21/06/2013
|

(VnMedia) - Vị quan chức được bổ nhiệm trở thành nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ ở Đông Á hôm qua, (20/6) đã có bài phát biểu, trong đó ông này khẳng định chắc nịch rằng, không có chỗ cho sự “ép buộc và ức hiếp” ở các vùng biển trong khu vực.  
 

 Ảnh minh họa

 (Ảnh minh họa)


Phát biểu tại phiên điều trần trước một ủy ban của Thượng viện Mỹ, ông Danny Russel tuyên bố sẽ làm tất cả mọi việc trong khả năng để “hạ nhiệt” các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải nóng bỏng ở hai vùng Biển Đông và biển Hoa Đông, đồng thời thúc đẩy các bên có tranh chấp trong đó có Trung Quốc, đi theo tiến trình ngoại giao.
 
Nhà ngoại giao Russel cũng cho biết, việc Trung Quốc chỉ khăng khăng đòi đàm phán song phương với các nước có tranh chấp khác là “điều không thể chấp nhận được”. Ông này bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ dành cho nỗ lực của các nước Đông Nam Á trong việc đàm phán với tư cách là một khối, và đưa ra “một bộ quy tắc ứng xử” để kiểm soát các cuộc tranh chấp.
 
Ông Russel hiện là một giám đốc cấp cao phụ trách các vấn đề Châu Á của Nhà Trắng. Ông này được bổ nhiệm vào vị trí Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, thay thế cho ông Kurt Campbell - người vừa từ chức hồi tháng 2.
 
Ông Russel đã có 28 năm làm ngoại giao, không sôi nổi như ông Campbell nhưng có rất nhiều kinh nghiệm ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Mối liên hệ của ông này với Châu Á bắt đầu hình thành từ năm ông khoảng 20 tuổi, khi ông này theo học võ thuật ở Nhật Bản trong vòng 3 năm.
 
Nhà ngoại giao Russel đóng một vai trò trung tâm trong chiến lược “hướng trọng tâm” vào Châu Á của chính quyền Tổng thống Barack Obama. Chiến lược này chứng kiến sự can thiệp của Mỹ vào các vấn đề tranh chấp lãnh thổ trong khu vực. Washington tuyên bố có lợi ích quốc gia trong việc giải quyết hòa bình các cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Sự can thiệp của Mỹ khiến Bắc Kinh khó chịu.
 
Các nước tranh chấp chủ quyền với nhau ở một loạt quần đảo, bãi cạn, bãi đá..., trong đó Trung Quốc đòi chủ quyền với hầu hết các vùng lãnh thổ này. Trong khi bản thân Mỹ khẳng định họ không phải là một bên có tranh chấp ở Biển Đông nhưng nước này có lợi ích trong việc duy trì, bảo đảm tự do hàng hải ở những tuyến đường biển sôi động hàng đầu thế giới này. Đó là những tuyến đường biển có vị trí quan trọng sống còn đối với hoạt động giao thương của thế giới.
 
"Tôi chắc chắn sẽ làm mọi việc có thể trong quyền hạn và khả năng của mình nhằm hạ nhiệt tình hình, đưa các bên có tranh chấp, trong đó có Trung Quốc, đi vào con đường ngoại giao đồng thời tiếp tục cảnh báo họ rằng, nơi mà trong đó Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ là khu vực có pháp quyền, khu vực có trật tự và khu vực có sự tôn trọng láng giềng chứ không phải là một khu vực có chỗ cho sự dọa dẫm, ép buộc và ức hiếp”, ông Russel khẳng định.
 
Theo vị ngoại giao trên, Tổng thống Obama và Ngoại trưởng John Kerry đưa vấn đề về cách ứng xử của Trung Quốc ở các vùng biển ra thảo luận với giới lãnh đạo nước này và Bắc Kinh “chắc chắn không nghi ngờ về việc Mỹ luôn sát cánh bên các đồng minh”.
 
Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và biển Hoa Đông với Philippines và Nhật Bản - hai đồng minh của Mỹ. Bắc Kinh đổ lỗi cho hai nước này gây ra căng thẳng trong khu vực.
 
Trong khi thừa nhận có sự cạnh tranh Trung-Mỹ, ông Russel tuyên bố, Mỹ ủng hộ sự nổi lên của Trung Quốc theo hướng ổn định, thịnh vượng và tuân thủ luật pháp cũng như thông lệ quốc tế. Nhà ngoại giao Mỹ cho biết, họ đang tìm kiếm mối quan hệ “hợp tác thực tế” với Trung Quốc bởi mối quan hệ này có lợi cho hai nước và cả khu vực.


Kiệt Linh - (theo Gazetta)

Ý kiến bạn đọc