Hiểm hoạ từ tên lửa hạt nhân của Châu Á

07:50, 22/06/2013
|

(VnMedia) - Tên lửa hành trình tinh vi, tốc độ và có khả năng mang đầu đạn hạt nhân đang được phát triển khắp nơi, đặc biệt là ở Châu Á. Diễn biến này đang khiến nỗ lực kiểm soát vũ khí của cộng đồng thế giới trở nên phức tạp hơn và làm tăng nguy cơ bùng phát những cuộc xung đột thảm khốc trong khu vực.
 

 Ảnh minh họa

 Tên lửa Brahmos


Cho đến gần đây, hầu hết những quan ngại đều tập trung vào số tên lửa đầu đạn hạt nhân thực tế và tiềm năng mà các nước Trung Quốc, Triều Tiên, Ấn Độ và Pakistan đang và sẽ sở hữu. Đây là 4 quốc gia có vũ khí hạt nhân ở Châu Á. 
 
Đến thời điểm này và có thể trong một thời gian tới, tất cả các tên lửa đạn đạo tầm xa mang đầu đạn hạt nhân chỉ được triển khai cho mục đích duy nhất là răn đe chiến lược. 5 quốc gia hạt nhân lớn nhất gồm Mỹ, Nga, Anh, Trung Quốc và Pháp sử dụng tên lửa đạn đạo tầm xa để ngăn chặn các cuộc tấn công có thể xảy ra từ những quốc gia có vũ khí hạt nhân khác.
 
Các hiệp ước và thoả thuận kiểm soát vũ khí có xu hướng tập trung chủ yếu vào việc hạn chế tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, một loại vũ khí khác – tên lửa hành trình thì đang tăng lên gấp bội. Diễn biến này khiến cho việc kiểm soát vũ khí trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là bởi trong nhiều trường hợp, những tên lửa hành trình có độ chính xác cao được thiết kế để mang cả đầu đạn thông thường lẫn đầu đạn hạt nhân. Điều này khiến một quốc gia có vũ khí hạt nhân đối mặt với một cuộc tấn công từ tên lửa không thể biết được tên lửa phóng về phía họ có mang theo đầu đạn hạt nhân hay không. Tình huống như vậy rất dễ dẫn đến đòn đáp trả bằng hạt nhân. Vấn đề tương tự cũng xảy ra với tên lửa đạn đạo “hai vai” như trên.
 
Bộ Chỉ huy Tấn công Toàn cầu của Không quân Mỹ hồi tháng trước báo cáo, cả Trung Quốc và Triều Tiên đều đang phát triển tên lửa hành trình có thể mang đầu đạn hạt nhân. Mỹ và Nga là hai nước sở hữu nhiều nhất tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân được phóng từ máy bay ném bom chiến lược hay tàu ngầm. Tuy nhiên, Ấn Độ và Pakistan cũng đang phát triển các tên lửa tương tự. Những tên lửa này có nhiều loại khác nhau với tầm bắn khác nhau và đã được đưa vào hoạt động hay đang được thử nghiệm.
 
Sức mạnh tên lửa hạt nhân của các nước Châu Á
 
Tên lửa hành trình mới của Trung Quốc và Triều Tiên đã xuất hiện trên một tài liệu công khai được đưa ra bởi Trung tướng James Kowalski, người đứng đầu Bộ Chỉ huy Tấn công Chiến lược của Không quân Mỹ, hôm 7/5 mới đây. Tài liệu này đã cho thấy mức độ hiện đại hóa vũ khí hạt nhân của 8 trong số 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Chỉ có duy nhất Israel không xuất hiện trong tài liệu của ông Kowalski.
 
Tên lửa hành trình của Trung Quốc là CJ-20 và nó được trang bị cho máy bay ném bom tầm xa H-6. Theo ông Hans Kristensen, một chuyên gia về vũ khí hạt nhân của Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ, đây là lần đầu tiên ông được thấy một tài liệu chính thức của Mỹ đề cập đến một loại tên lửa được phóng từ trên không và có khả năng hạt nhân của Trung Quốc.
 
Giới chức quốc phòng Mỹ cho hay, một máy bay ném bom H-6 có tầm mở rộng, sử dụng tên lửa hành trình CJ-20 trong một chiến dịch tấn công mặt đất, có khả năng bắn phá các mục tiêu ở khắp Châu Á; phía đông nước Nga cũng như căn cứ quân sự Mỹ trên đảo Guam, phía tây Thái Bình Dương. 2/3 lãnh thổ Nga, phía đông dãy núi Ural là ở Châu Á.
 
Tên lửa hành trình Triều Tiên có khả năng mang đầu đạn hạt nhân được tài liệu của Mỹ chỉ ra là tên lửa KN-09. Tên lửa này có tầm bắn chỉ khoảng từ 100 đến 120km và nó dùng cho mục đích bảo vệ bờ biển.
 
Trong khi đó, Ấn Độ đang hướng tới tên lửa hành trình siêu âm Brahmos. Đây là dự án liên doanh giữa Ấn Độ với Nga. Tên lửa Brahmos là một vũ khí mới then chốt giúp tạo ra lợi thế chiến lược cho Ấn Độ trước nước láng giềng cũng là đối thủ kỳ cựu của họ - Pakistan. Brahmos được biết đến là tên lửa hành trình siêu âm duy nhất đang hoạt động. Nhà thiết kế tên lửa Brahmos - BrahMos Aerospace của Nga cho biết, loại tên lửa này có thể phóng với tốc độ gấp từ 2 đến 3 lần âm thanh hoặc tương đương với 1km/giây.
 
Hồi tháng 10 năm ngoái, Ấn Độ và Nga đã nhất trí sản xuất hơn 1.000 tên lửa Brahmos cho Không quân, Hải quân và Lục quân Ấn Độ. Hai nước này còn quyết định bắt tay phát triển một phiên bản siêu âm mới của tên lửa Brahmos có tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh.
 
Tên lửa Ấn Độ có thể được phóng đi từ đất liền, trên biển hoặc trên không với tầm bắn khoảng 300km. Brahmos có thể mang đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường. Tốc độ cao của tên lửa hành trình Brahmos đồng nghĩa với việc nó có thể tiến hành các cuộc tấn công một cách nhanh chóng vào những căn cứ bên trong lãnh thổ Pakistan.
 
Vì Ấn Độ lớn hơn và mạnh hơn nên Pakistan cũng đã phải phát triển những tên lửa đạn đạo tầm ngắn có đầu đạn hạt nhân để ngăn chặn khả năng Ấn Độ tấn công họ. Mặc dù vẫn chưa được kiểm chứng nhưng Pakistan tuyên bố họ đã thu nhỏ được đầu đạn hạt nhân để đưa lên các tên lửa hành trình của họ.


Kiệt Linh - (theo Japan Times)

Ý kiến bạn đọc