Vì sao Triều Tiên dồn dập thách thức Hàn Quốc?

07:53, 01/04/2013
|

(VnMedia) - Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang leo thang lên tới đỉnh điểm với hàng loạt những lời lẽ và động thái đe dọa đầy sắc lạnh của Triều Tiên nhằm vào Hàn Quốc và Mỹ.

 

Ngay sau khi Mỹ và Hàn Quốc tiến hành cuộc tập trận quân sự chung, Bình Nhưỡng đã đưa ra hàng loạt lời đe dọa, trong đó có tuyên bố hủy bỏ hiệp định đình chiến với Hàn Quốc và cắt đứt đường dây nóng Chữ thập đỏ cũng như đường dây nóng quân sự với quốc gia láng giềng. Triều Tiên cho rằng, cuộc tập trận thực ra là một cuộc diễn tập xâm lược và tấn công các cơ sở hạt nhân của nước này.


Ảnh minh họa
Quân đội Triều Tiên đã vào vị trí sẫn sàng chiến đấu

 

Tuy nhiên, tuyên bố hủy bỏ hiệp định đình chiến đơn phương của Triều Tiên đã bị cả Liên Hiệp Quốc và Hàn Quốc bác bỏ bởi lẽ hiệp định này được Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua.

 

Đây không phải lần đầu tiên Triều Tiên tuyên bố hủy bỏ hiệp định đình chiến hay cắt đứt đường dây nóng quân sự với Hàn Quốc. Tuy nhiên, giọng điệu đầy quả quyết ở mức độ đỉnh điểm như những lời đe dọa sẽ tấn công Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản bằng vũ khí hạt nhân của Triều Tiên lại là điều chưa từng thấy trong nhiều năm qua.

 

Thậm chí, hôm thứ Sáu (29/3), hãng thông tấn trung ương Triều Tiên – KCNA còn phát đi những hình ảnh cho thấy Đại tướng Kim Jong-un và các tướng lính quân sự Triều Tiên đang khoanh tròn một loạt khu vực như Hawaii, San Diego, Washington D.C và Texas của Mỹ làm mục tiêu tấn công.

 

Chưa hết, Triều Tiên còn tuyên bố, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân nước này đã hợp sức đồng lòng, sẵn sàng vào vị trí chiến đấu.

 

Thêm nữa, ngay trong ngày 30/3, Triều Tiên đã tiếp tục có động thái “mạnh tay” khi tuyên bố “bước vào tình trạng chiến tranh” với Hàn Quốc. Diễn biến này cho thấy Triều Tiên đã sẵn sàng biến những lời đe dọa thành hành động và vấn đề bây giờ chỉ còn là thời gian.

 

Vậy nguyên do vì đâu mà lần này Triều Tiên lại nổi giận và tỏ ra đầy thách thức như vậy?
 

Các cuộc tập trận quân sự

 

Các cuộc tập trận quân sự chung giữa Hàn Quốc và Mỹ từ lâu đã luôn là “ngòi lửa” chính gây nên sự “phẫn nộ” của Bình Nhưỡng. Sinh thời, cố Chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành đã từng nói rằng, các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc thực chất chỉ là “cuộc diễn tập xâm lược trá hình”.

 

Trước những mối hiểm họa có thực và dễ hình dung mà cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn có thể gây ra cho Triều Tiên, thì thật dễ hiểu khi lực lượng vũ trang nước này luôn được đặt trong tình trạng báo động cao.

 

Vòng xoáy luẩn quẩn của sự khiêu khích và lệnh trừng phạt

 

Trên thực tế, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã bùng phát ngay sau khi Bình Nhưỡng phóng thử thành công một quả tên lửa tầm xa mang vệ tinh lên quỹ đạo hồi tháng 12 năm ngoái cũng như tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 3 hồi tháng 2 vừa qua bất chấp sự phản đổi của cộng đồng quốc tế.

 

Loạt hành động được cho là gây hấn trên của Triều Tiên đã khiến các cường quốc đặc biệt là quốc gia láng giềng Hàn Quốc và Mỹ bức xúc. Ngay sau đó, để răn đe Triều Tiên, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết trừng phạt mới mạnh tay hơn đối với nước này. Đây là động thái mà Bình Nhưỡng cho là vi phạm chủ quyền của họ.

 

Nhiều năm qua, những hành động gây hấn của Triều Tiên và lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đã tạo ra những vòng tròn luẩn quẩn chưa tìm được lối thoát, đặc biệt là những vấn đề liên quan những vụ thử hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Theo như quan sát, chu kỳ thường sẽ là Triều Tiên phóng tên lửa, sau đó Liên Hợp Quốc áp đặt lệnh trừng phạt mới để đáp trả, và tiếp đến Triều Tiên lại tiếp tục tiến hành thử hạt nhân.

 

Ví như năm 2006 và 2009, sau khi Triều Tiên tiến hành thử tên lửa tầm xa, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã ngay lập tức đưa ra lệnh trừng phạt để “nắn gân” quốc gia này. Nhưng chỉ ít lâu sau đó, Triều Tiên lại tiếp tục thách thức bằng một vụ thử hạt nhân gây tranh cãi.

 

Đòn thử đối với Nữ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye

 

CHDCND Triều Tiên từ lâu đã có “truyền thống” thử chính quyền mới của Hàn Quốc bằng hàng loạt lời đe dọa chiến tranh với quốc gia láng giềng chỉ vài tuần sau khi Tổng thống mới của nước này nhậm chức. Nhiều người cho rằng, sự khiêu khích về quân sự của Triều Tiên có thể là một phép thử đối với bà Park Geun-hye ngay khi bà mới bước vào nhiệm kỳ của mình. Bà Park chính thức tuyên thệ nhậm chức hôm 25/2 vừa qua để trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc. Theo đánh giá của các nhà phân tích, trong trường hợp bà Park có phản ứng một cách yếu ớt trước những đe dọa của Triều Tiên thì quốc gia này sẽ khiến vị thế chính trị của bà cũng như Đảng Saenuri bị “lung lay”.

 

Nâng tầm vị thế trên bàn đàm phán

 

Cũng có khả năng Triều Tiên liên tục đưa ra những lời hăm dọa đầy khiêu chiến trên nhằm nâng tầm vị thế của mình trên bàn đàm phán.

 

Như nhà báo Jean Lee của hãng tin AP từng viết hồi tháng 2 vừa qua sau khi Triều Tiên tiến hành thử tên lửa: “Triều Tiên cho rằng chỉ có vũ khí lớn mạnh hơn và những lời khiêu chiến mới có thể khiến Washington ngồi vào bàn đề đàm phán về thứ mà Bình Nhưỡng thực sự mong muốn: hòa bình”.

 

Trong trường hợp này, những động thái khiêu khích của Triều Tiên có thể bị coi là “điên rồ” và phi lý. Tuy nhiên, nếu Triều Tiên có thể khiến Mỹ và Hàn Quốc tin rằng họ đã thực sự sẵn sàng cho một cuộc chiến, thì cơ hội Mỹ và Hàn Quốc chủ động ngồi lại phán sẽ lớn hơn nhiều.


Việt Nguyễn - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc