(VnMedia) - Hải quân Trung Quốc hôm qua (31/3) lại tiến hành một cuộc tập trận bắn đạn thật ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Cuộc tập trận này diễn ra chỉ vài ngày sau khi lực lượng này tiến hành một cuộc tập trận đổ bộ sát bờ biển Malaysia và một cuộc tập trận rầm rộ ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Dường như, Hải quân Trung Quốc đang ngày càng trở nên hung hăng và công khai trong việc tranh giành những vùng lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông với các nước láng giềng.
Hải quân Trung Quốc
Hải quân Trung Quốc vừa mới tiến hành một cuộc tập trận ngắm bắn mục tiêu sử dụng đạn thật ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Cuộc tập trận này được tiến hành bởi Hạm đội Nam Hải thuộc Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa.
Hạm đội Nam Hải từ khi đi vào vùng biển Tây Thái Bình Dương đã tiến hành rất nhiều bài diễn tập. Ngoài bài diễn tập bắn đạn thật ở trên, hạm đội của Trung Quốc còn tiến hành các bài tập chống khủng bố, chống cướp biển cũng như diễn tập chống tên lửa, phòng không, chống tàu ngầm và thực hiện cả bài tập đổ bộ từ trực thăng được triển khai trên tàu chiến và diễn tập tìm kiếm, cứu hộ.
Ông Wang Zhihe - một quan chức thuộc Hạm đội Nam Hải Trung Quốc, cho biết, Hải quân nước này đã tiến hành những cuộc tập trận ngoài khơi ở khu vực thuộc vùng biển chung. Ông Wang nhấn mạnh, cuộc tập trận của họ tuân theo các quy định, luật pháp quốc tế cũng như các thông lệ chung của hải quân trên khắp thế giới.
Bài diễn tập bắn đạn thật ở Tây Thái Bình Dương diễn ra chỉ vài ngày sau khi Hải quân Trung Quốc khiến các nước láng giềng choáng váng vì lần đầu tiên thực hiện một cuộc tập trận đổ bộ ở bãi cạn James - nơi nước này tuyên bố là “cực Nam” của mình. Đây là một phần trong cuộc tập trận rầm rộ mà Hải quân Trung Quốc tiến hành ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trang báo mạng chính thức People's Daily hôm 27/3 đưa tin, đội tàu chiến tham gia cuộc tập trận bao gồm tàu khu trục lớn Lanzhou, hai tàu khu trục nhỏ Yulin và Hengshui cùng với tàu đổ bộ Jinggangshan. Đây là những tàu thuộc dạng hiện đại nhất và có khả năng nhất của Hải quân Trung Quốc. Ngoài các tàu chiến còn có tàu thủy đệm khí, trực thăng, chiến đấu cơ và cả máy bay ném bom tham gia vào cuộc tập trận đổ bộ diễn ra hôm 26/3 ở bãi cạn James.
Sự choáng váng của các nước láng giềng ở đây không liên quan gì đến quy mô cuộc tập trận nói trên mà là vì độ ngang nhiên, trắng trợn của Hải quân Trung Quốc khi tiến hành cuộc tập trận ở những vùng biển vốn thuộc chủ quyền của các nước khác.
Sự hiện diện của Hải quân Trung Quốc ở những khu vực tranh chấp đã phơi bày rõ âm mưu độc chiếm Biển Đông của nước này.
Việc Trung Quốc tiến hành một cuộc tập trận hải quân rầm rộ ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam và một cuộc tập trận đổ bộ ở khu vực bãi cạn cách bờ biển Malaysia chỉ khoảng 80km trong khi cách Trung Quốc tới 1.800km đã phơi bày rõ tham vọng và quyết tâm độc chiếm Biển Đông của nước này. Bắc Kinh rõ ràng đang đẩy mạnh việc xác lập “chủ quyền” theo đường lưỡi bò hay còn gọi là đường 9 đoạn hết sức phi lý và ngang ngược của họ.
Quân đội Trung Quốc ngày càng hung hăng?
Với một loạt những diễn biến trên, quân đội Trung Quốc dường như đang từ bỏ phong cách dè dặt, kín đáo để trở thành một lực lượng ngày một hung hăng và công khai hơn trong cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải với các nước láng giềng ở Biển Đông. Nhiều nhà phân tích tin rằng, sự công khai, hung hăng của quân đội Trung Quốc là cố tình nhằm phát đi một thông điệp mạnh mẽ đối với các nước láng giềng của họ.
Sở dĩ người ta nói quân đội Trung Quốc ngày càng trở nên công khai, hung hăng hơn là vì, bên cạnh những thông tin được cung cấp trên đài truyền hình CCTV, các cơ quan chính thức của Hải quân Trung Quốc, tờ báo của quân đội – PLA Daily và Hãng thông tấn chính thức Tân Hoa Xã liên tục đưa tin về các hoạt động của Hải quân Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Đây là hai vùng biển mà Trung Quốc đang bị mắc kẹt trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải quyết liệt với các quốc gia láng giềng.
Khác hẳn với phong cách giữ bí mật và kín kẽ với các hoạt động của mình trước đây, quân đội Trung Quốc giờ đây đăng tải từng hoạt động nhỏ của các lực lượng nước này. Cuộc tập trận rầm rộ và ngang nhiên của Hải quân Trung Quốc ở Biển Đông hiện nay cũng đã được báo chí nước này đăng tải chi tiết bất chấp việc cuộc tập trận này đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của các nước trong khu vực.
Người ta cho rằng, thông điệp mà quân đội Trung Quốc muốn phát đi sau những hành động công khai, trắng trợn của họ là dù các nước láng giềng liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông có nói gì, dự đoán gì thì Hải quân Trung Quốc vẫn sẽ tiến hành các cuộc tuần tra, tập trận ở đó nhằm thể hiện “quyết tâm bảo vệ lãnh thổ đại dương” của họ.
Ngoài các hoạt động rầm rộ ở Biển Đông, chuyên gia hải quân ở Thượng Hải - Giáo sư Ni Lexiong cho biết, Hải quân Trung Quốc cũng sẽ cử thêm nhiều tàu đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang nằm trong tranh chấp với Nhật Bản.
Hoạt động của Hải quân Trung Quốc ở các vùng biển tranh chấp bắt đầu trở nên dồn dập và công khai hơn kể từ sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền Chủ tịch Quân ủy Trung ương - chức vụ cao nhất trong quân đội Trung Quốc, hồi tháng 11 năm ngoái.
Tân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã từng “kêu gọi biến Trung Quốc thành một cường quốc biển và nói về giấc mơ một đất nước Trung Quốc hùng mạnh”. Theo ông Ni, ông Tập Cận Bình muốn nói với người Trung Quốc rằng, “ông ấy muốn tạo sự khác biệt so với cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo - hai nhà lãnh đạo từng bị chỉ trích là quá ‘mềm’ khi xử lý các cuộc tranh chấp lãnh thổ”.
Một Trung Quốc hung hăng hơn, hiếu chiến hơn sẽ đẩy các nước láng giềng ra xa họ hơn và điều này sẽ không có lợi cho sự phát triển của Trung Quốc.
Ý kiến bạn đọc