Vén màn những bí ẩn quân sự của Syria

11:50, 01/07/2012
|

(VnMedia) - Nếu xét kỹ về toàn bộ sức mạnh quân sự của Syria, có thể hiểu tại sao chính quyền của Tổng thống Bashar Assad lại miễn cưỡng từ bỏ quyền lực. Trước tình hình Syria ngày càng trở nên căng thẳng, cùng điểm qua vài nét về tiềm lực quân sự của nước này.

Súng của Liên Xô cũ và hàng nhái của Mỹ

Syria có khoảng 300.000 lính chính quy và 314.000 lính dự bị. Độ thiện chiến không phải là quá cao nhưng họ rất trung thành với chính quyền Assad, đặc biệt các nhân vật tinh hoa đều đến từ tộc Alawite của ông Assad.

Vũ khí của bộ binh Syria hầu hết là súng của Nga hoặc từ thời Liên Xô cũ như Makarov và AK-47s. Tuy nhiên cũng có cả súng trường FN FAL của Bỉ hay các phiên bản sản xuất tại Iran và Trung Quốc của loại M-16 (Mỹ). Đối với các vụ tấn công từ mặt đất, quân đội Syria dùng súng máy PK của Liên Xô và súng không giật SPG-9.

Việc huy động bộ binh cũng khá tốt. Ngoài xe tải, quân đội trung thành với tổng thống Assad còn có từ 1.860-2.100 chiếc xe bọc thép sản xuất từ thời Liên Xô. Để chống lại lực lượng đối lập, việc sử dụng xe tăng là hạn chế vì chúng quá nặng. Tuy nhiên, quân đội Syria vẫn thực hiện để thể hiện được sức mạnh. Hiện họ có khoảng 5.000 chiếc xe tăng từ thời Liên Xô, dù cũ nhưng không thể bị súng ngắn đánh bại.

Khó chiếm đóng


Các quốc gia liên quan đến Syria có những lợi ích khác nhau trong tình hình hiện tại. Lợi ích địa chính trị của Nga liên quan tới chính quyền Assad, vì các hợp đồng vũ khí cũng như sự ổn định của khu vực Trung Đông. Trung Quốc cũng vậy. Sự cân bằng trong khu vực là rất phức tạp, với khả năng một cuộc đảo chính thành công sẽ gây mất ổn định cho cả quốc gia giàu dầu mỏ là Iran - đồng minh của gia đình Assad. Cả Iran và Trung Quốc đều bán vũ khí cho Syria. So với Libya, sự can thiệp của NATO vào Syria khó hơn trong việc lập được vùng cấm bay đối với không quân Syria. Hệ thống phòng không của họ phát triển hơn và số lượng rất lớn, đặc biệt là khi so sánh với quân đội Libya.

Theo nhiều báo cáo, Syria có hơn 4.000 đơn vị pháo phòng không, chủ yếu sản xuất tại Liên Xô. Những thiết bị này có thể lỗi thời, nhưng số lượng rất lớn. Bên cạnh đó, mật độ dân số nước này là 110 người/km2, vì thế Syria không thể dễ dàng bị chiếm đóng giống như Libya hầu như trống trải với chỉ mật độ 4 người/km2.

“Công viên tên lửa”


Bên cạnh tiềm lực phòng không, không quân Syria còn có hơn 450 máy bay có thể chiến đấu. Chúng được dùng chống lại các mục tiêu trên mặt đất và dù hầu hết lỗi thời, nhưng không quân Syria có 40 chiếc MiG-29 và những chiếc máy bay này có thể sử dụng rất hiệu quả trong việc chống lại bất kỳ máy bay hiện đại nào của phương Tây.

Nếu nói về khả năng xảy ra can thiệp quân sự, không thể quên “công viên tên lửa” của Syria. Theo nhiều nguồn tin khác nhau, quân đội trung thành với chính quyền có khoảng 80-170 tên lửa đạn đạo chiến thuật, tên lửa Scud và Tochkas của Liên Xô và CHDCND Triều Tiên. Tầm bắn của các tên lửa này là từ 75-50km, có nghĩa là cả Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đều nằm trong phạm vi tấn công của tên lửa Syria.

Hiện vẫn chưa rõ con số các tên lửa đạn đạo tầm xa. Những tên lửa này có thể dùng đầu đạn thông thường, nhưng theo nhiều chuyên gia, Syria cũng có công nghệ vũ khí hóa sinh học.

Các thành viên NATO có thể có sự hỗ trợ từ Địa Trung Hải, nhưng Syria có hệ thống phòng thủ chống hạm, các tên lửa có thể được phóng từ cả trên tàu và mặt đất. Vũ khí tấn công từ mặt đất chủ yếu là tên lửa lỗi thời của Liên Xô, nhưng Damascus cũng đã mua các hệ thống tên lửa chống hạm rất hiện đại của Iran và Trung Quốc.

Năm 2006, quân đội Syria mua tên lửa hành trình Noor do Iran sản xuất, rất giống phiên bản C-802 của Trung Quốc. Năm 2007, Nga đồng ý bán hệ thống tên lửa hành trình siêu thanh có tên là Yakhont cho Syria với gia 300 triệu USD. Như chúng ta có thể thấy, lực lượng quân sự tinh hoa và được trang bị tốt trung thành với chính quyền Assad và không thể bị đánh hạ nếu không bị tấn công bằng đường không.

Không muốn đối đầu công khai

Mặc dầu một vài nhà phân tích cho rằng Syria không quá quan trọng với phương Tây vì thiếu dầu, trường hợp Syria phức tạp hơn Libya. Chính phủ được vũ trang tốt và có thể gây ra chiến tranh tổng lực trong khu vực hay thậm chí có thể chống lại sự can thiệp của NATO về ngắn hạn. Cuộc chiến này cũng sẽ đem lại thương vong nặng cho những đối tượng tấn công. Về chính trị đối nội, các nước phương Tây hầu như không thể biện minh cho bất kỳ thiệt hại nào về người.

Ngoài ra cả Nga, Trung Quốc và Mỹ đều có lợi ích trong việc giữ lại chính quyền Assad, vì khả năng một đảng Hồi giáo lên nắm quyền sau đó là điều có thể xảy ra. Syria là một trong những quốc gia quan trọng nhất ở Trung Đông và trước hiện trạng hòa bình trong khu vực rất mong manh, NATO thực sự không muốn gây hấn với bất kỳ đồng minh nào của ông Assad.


Nguyên Khôi - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc