Phe nổi dậy Syria mâu thuẫn nội bộ sâu sắc

06:49, 27/03/2013
|

(VnMedia) - Cuộc nội chiến dai dẳng ở đất nước Syria đã bước sang năm thứ ba mà không hề có dấu hiệu dịu đi. Thay vào đó, mức độ ác liệt và đẫm máu của nó lại ngày càng trở nên kinh khủng hơn. Giờ đây, người ta càng có ít hy vọng hơn vào một nền hoà bình ở đất nước Syria khi mà phe nổi dậy chưa bao giờ lại phơi bày mâu thuẫn sâu sắc như vậy.
 
Không ai có thể phủ nhận phe nổi dậy đang ngày càng mạnh lên trên chiến trường nhưng song song với đó, mâu thuẫn sâu sắc trong nội bộ lực lượng này đang là mối đe doạ lớn nhất đối với sự tồn tại của họ.
 

 Ảnh minh họa

 Phe nổi dậy Syria.


Bên ngoài hoành tráng bên trong lục đục

 
Trong nhiều tháng qua, người ta liên tục nghe được thông tin về những chiến thắng mà phe nổi dậy Syria giành được trong cuộc chiến chống lại quân đội trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad.
 
Ở phía bắc, phe nổi dậy đang ngày càng mở rộng “lãnh địa” mà họ chiếm đóng khi liên tiếp giành quyền kiểm soát các thành phố, thị trấn; phá tan một loạt căn cứ quân sự của quân đội đồng thời chiếm được con đập lớn nhất Syria.
 
Ở phía nam, phe nổi dậy cũng đang dần thiết lập chỗ đứng vững chắc ở những khu vực gần biên giới với Jordan và Israel.
 
Đáng chú ý hơn, trong những tuần gần đây, lực lượng chiến binh nổi dậy Syria đã ngày một tiến sát hơn đến thủ đô Damascus – thành trì chính của chính quyền Tổng thống Assad. Sau khi thắt chặt vòng vây xung quanh Damascus, phe nổi dậy bắt đầu tìm cách thọc sâu vào thành trì kiên cố này. Nếu như trước đây, Damascus được xem là thành trì bất khả xâm phạm của Tổng thống Assad và hầu như miễn nhiễm với các vụ bạo lực thì nay mọi việc đã khác. Sự nguy hiểm luôn rình rập khu vực thủ đô. Damascus những ngày này luôn chìm trong tiếng bom rơi, đạn nổ đến mức người dân quen dần với việc sống chung với khói lửa chiến tranh và quen dần với cả cái chết.
 
Mặc dù phe nổi dậy cho đến giờ vẫn chưa thể xâm nhập được sâu vào khu vực thủ đô nhưng rõ ràng họ đang liên tiếp giáng đòn mạnh vào khả năng kiểm soát thành trì chính của chính quyền Tổng thống Assad. Chưa bao giờ, quyền lực của Nhà lãnh đạo Syria lại lung lay như lúc này.
 
Những tưởng với sức mạnh đang lên như vũ bão như vậy, phe nổi dậy sẽ sớm đánh gục được chính quyền của ông Assad. Tuy nhiên, đây là điều không thể khi càng giành được nhiều chiến thắng trên chiến trường thì dường như mâu thuẫn trong phe nổi dậy càng nổi lên sâu sắc hơn.
 
Lực lượng nổi dậy đang rơi vào rối loạn chưa từng có khi vừa phải hứng hai “cú đấm” chí tử. Cú đấm đầu tiên là sự từ chức bất ngờ và đầy choáng váng của lãnh đạo phe nổi dậy. Lãnh đạo Liên minh Đối lập Quốc gia Syria – ông Mouaz al-Khatib đã quyết định ra đi sau khi lên tiếng thể hiện sự bất mãn về việc phương Tây không cung cấp sự giúp đỡ cần thiết và đầy đủ cho phe nổi dậy trong cuộc chiến nhằm lật đổ chính quyền Tổng thống Assad. Ông Khatib cũng không tạo được sự đoàn kết trong nội bộ phe nổi dậy như mục đích ban đầu thành lập Liên minh Đối lập Quốc gia Syria. Cùng với ông Khatib, 10 thành viên khác của Liên minh  Đối lập Quốc gia Syria cũng tuyên bố ngừng tham gia vào liên minh này.
 
Cú đấm thứ hai chính là việc thủ lĩnh của một chi nhánh quân sự trong Liên minh Đối lập Quốc gia Syria - Tướng Salim Idris đã thẳng thừng từ chối công nhận Thủ tướng mới vừa được phe nổi dậy bầu chọn lên nhằm dẫn dắt chính phủ lâm thời. Lý do mà Tướng Idris đưa ra là Thủ tướng mới không nhận được sự ủng hộ rộng rãi của phe nổi dậy Syria nên không thể là đại diện của lực lượng này.
 
Hai “cú đấm” trên đã phơi bày rõ nội bộ lục đục của phe nổi dậy Syria. Trên thực tế, trong phe nổi dậy từ lâu đã tồn tại mâu thuẫn và sự chia rẽ sâu sắc. Ngoài mục đích chung là lật đổ Tổng thống Assad, nhiều phe nhóm trong nội bộ phe nổi dậy hoạt động độc lập với nhau và được cho là đều ôm ấp trong mình một “mộng” riêng.
 
Sự thật nghiệt ngã đằng sau nội bộ lục đục của phe nổi dậy
 
Bản thân phe nổi dậy cũng như các cường quốc phương Tây đều hiểu rõ điểm yếu tồn tại trong lực lượng đối đầu với chính quyền Tổng thống Assad. Đó chính là sự chia rẽ, mâu thuẫn trong nội bộ phe nổi dậy. Phe nổi dậy và các cường quốc phương Tây cũng hiểu rất rõ rằng, sự thiếu đoàn kết chính là vật cản lớn nhất trong quá trình tiến tới lật đổ Tổng thống Assad, thành lập chính phủ mới.
 
Người ta thường nói, đoàn kết là sức mạnh. Chỉ có sức mạnh tập thể, phe nổi dậy mới có thể tạo được bước đột phá trên chiến trường và kéo đổ được chính quyền Tổng thống Assad.
 
Nhận thức được tầm quan trọng của sự đoàn kết, trong thời gian qua, phe nổi dậy cũng như các cường quốc phương Tây hậu thuẫn cho họ đã tìm nhiều cách để xây dựng lực lượng nổi dậy trở thành một khối đoàn kết, thống nhất. Sự ra đời của Liên minh Đối lập Quốc gia Syria nằm trong nỗ lực này.
 
Bất chấp mọi nỗ lực gắn kết, thắt chặt sự gắn bó giữa các phe nhóm trong nội bộ, phe nổi dậy vẫn không thể xoá bỏ được mâu thuẫn. Với những diễn biến mới nhất trong vài ngày qua, hy vọng về việc biến phe nổi dậy bị chia rẽ thành một khối thống nhất đầy sức mạnh dường như đã tan vỡ.
 
Đằng sau nội bộ lục đục của phe nổi dậy Syria là một sự thật nghiệt ngã. Rõ ràng, thiếu sự đoàn kết, thống nhất, phe nổi dậy Syria sẽ không thể đủ sức mạnh để lật đổ Tổng thống Assad. Bản thân phương Tây cũng sẽ không cung cấp sự hậu thuẫn mang tính quyết định cho phe nổi dậy Syria vì thiếu tin tưởng vào lực lượng này. Điều đó càng đẩy phe nổi dậy vào thế bất lợi. Cuộc nội chiến ở Syria vì thế sẽ tiếp tục kéo dài dai dẳng không có hồi kết. Trong hoàn cảnh này, chỉ có dân thường Syria là những nạn nhân phải hứng chịu hậu quả nặng nề nhất. Cuộc sống của họ không chỉ bị đày đoạ vì sự thiếu thốn mà còn bị ám ảnh bởi sự rập rình của thần chết.
 
Kể cả trong viễn cảnh lạc quan nhất là phe nổi dậy đánh đổ được chính quyền Syria thì liệu người dân có thoát khỏi cuộc sống địa ngục như ở trên hay không?. Câu trả lời là không bởi với mâu thuẫn không thể xoá bỏ, phe nổi dậy khó lòng có thể xây dựng được một chính quyền thống nhất. Thay vào đó, người ta e ngại, sau cuộc chiến chống chính quyền Tổng thống Assad sẽ là cuộc đấu tranh giành giật quyền lực trong phe nổi dậy Syria. Viễn cảnh này xem ra cũng thảm không kém gì cuộc chiến giữa phe nổi dậy và quân của ông Assad.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc